Tết lênh đênh trên biển của thủy thủ Việt
(Dân trí) - Dù lênh đênh giữa biển khơi nhưng Tết của các thủy thủ người Việt có bánh chưng, có mâm ngũ quả... Tết, nỗi nhớ gia đình, nhớ quê hương càng da diết hơn.
Đây là năm thứ 2, thủy thủ tàu viễn dương Phan Anh Quân (trú huyện Thanh Chương, Nghệ An) đón Tết trên biển. Ngày Tết giữa mênh mông trùng khơi, nỗi nhớ gia đình, nhớ quê hương, nhớ đất liền càng cồn cào hơn với những thủy thủ người Việt trên các con tàu vận tải quốc tế.
Vào dịp Tết Nguyên đán năm ngoái, con tàu mang quốc tịch Singapore đi qua vùng biển Malaysia, năm nay tàu đi qua vùng biển Trung Quốc. "Tàu đến đâu thì tổ chức đón giao thừa ở đó. Cũng may trên tàu có anh em người Việt nên đón Tết cũng đỡ buồn hơn", anh Quân chia sẻ.
Khi tàu cập bờ lấy hàng, thường là vào tháng 9, tháng 10, anh Quân và những thủy thủ người Việt đã bắt đầu chuẩn bị mua sắm các thực phẩm Tết. Từ đậu, nếp, thịt, hoa quả... đều được mua, cất trong tủ lạnh.
Khó nhất là lá dong, không phải bao giờ cũng tìm được lá dong của Việt Nam ở các khu chợ người Việt. Lá dong được rửa sạch, chần qua nước sôi rồi cất trong ngăn đá. Có khi mang ra đã úa vàng hết, gói bánh màu không được đẹp nhưng dù sao cũng mang hương vị Tết nhất.
"Năm ngoái không mua được lá dong Việt Nam, anh em phải gói bằng lá chuối Malaysia, lúc đun lên lá bung ra hết", anh Quân kể.
Thủy thủ Ngô Đình Hải (trú TP Vinh, Nghệ An) cũng trải qua 2 cái Tết trên biển ở Philippines và Nga. "Cảm giác đón giao thừa trên biển, giữa thời tiết âm 5 độ C, không có gia đình, người thân bên cạnh nó buồn và tủi lắm, nhớ nhà kinh khủng", anh Hải chia sẻ.
Với những thủy thủ tàu viễn dương như anh Hải, Tết là thời khắc thiêng liêng nhất trong những tháng ngày lênh đênh trên biển. Nếu tàu có nhiều người Việt Nam thì vui hơn cả. Tầm 27, 28 Tết, anh em thủy thủ thay nhau gói bánh chưng. Có thể bánh gói chưa đẹp nhưng ai cũng muốn được tham gia, để thấy gần với quê hương, với gia đình hơn.
Mâm ngũ quả cũng không thể thiếu được, dù rằng chưa hẳn đủ "ngũ quả" hoặc mang tinh thần "liên hợp quốc". Người khéo tay nhất sẽ nhận trách nhiệm trang trí bàn thờ Tết, không thể thiếu tấm ảnh Bác Hồ hay lá cờ Tổ quốc. Đôi câu đối với những mong ước khi Tết đến Xuân sang cũng được nắn nót viết lên, treo trang trọng trên bàn thờ.
"Năm ngoái anh em mua được một chậu quất khi tàu rời Việt Nam. Lên tàu, gió, rét, chăm quất hơn cả chăm con, sợ nó không trụ được đến Tết. Ngày Tết, không cành đào, cành mai nên ngắm cành quất thấy Tết như gần gia đình hơn", anh Hải nói.
Phần lớn tàu viễn dương mang quốc tịch châu Á, nên chủ tàu cũng hết sức tạo điều kiện để thủy thủ đón các ngày Lễ, Tết của mỗi nước. Mỗi người đến từ những quốc gia khác nhau nhưng khi đã lên tàu, ngày Tết của mỗi nước là ngày vui chung của tất cả anh em.
Ngày Tết, cờ các quốc gia đều đồng loạt được treo lên. Mâm cỗ cúng Giao thừa cũng là lễ vật cúng thần biển, mong một năm mưa thuận gió hòa, sóng yên biển lặng. Thời khắc Giao thừa không có pháo hoa, thay vào đó là một hồi còi xé tan màn đêm tĩnh lặng. Sau những cái chạm ly chúc mừng năm mới, mỗi người lặng lẽ ngồi một góc, hồi tưởng Tết quê nhà.
"Đời thủy thủ lênh đênh trên biển nhưng có lẽ không lúc nào buồn bằng chính thời điểm Giao thừa. Nếu tàu có vệ tinh thì còn có sóng để gọi về cho gia đình, tàu không có sóng thì chỉ biết ngồi ôm điện thoại, mở album gia đình ra ngắm, có khi khóc luôn được. Tết trên biển tủi thân lắm, nên cứ nghĩ hết chuyến này sẽ nghỉ, không đi nữa nhưng vào bờ rồi lại nhớ biển, lại đi", thủy thủ Phan Anh Quân trải lòng.