Hà Tĩnh:

Nỗi niềm của lao động xa quê lỡ Tết sum vầy

Tiến Hiệp

(Dân trí) - Với những lao động xa quê, mỗi dịp Tết cổ truyền dù khó khăn họ vẫn cố gắng trở về đoàn tụ với gia đình. Tuy nhiên, 2 năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều người đành lỡ hẹn Tết sum vầy.

Đã 3 năm liền, vợ chồng anh Lê Anh Tuấn và chị Phan Thị Huyền (trú huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) vẫn không thể quen được với cảm giác trống trải, nhớ quê, nhớ nhà mỗi dịp Tết đến. Tết năm nay, họ lại lỡ hẹn với 2 bên nội ngoại ngày sum vầy khiến nỗi nhớ thêm da diết, đong đầy.

Theo anh Tuấn, năm 2013, anh và chị Huyền đến với nhau rồi vào Tây Nguyên để lập nghiệp. Anh Tuấn làm công nhân còn chị Huyền đi dạy học. Mặc dù xa quê hương gần 1.000 cây số, nhưng thời gian đầu, Tết năm nào anh chị cũng sắp xếp về quê để cùng nhau đi chúc sức khỏe người thân, họ hàng.

Nỗi niềm của lao động xa quê lỡ Tết sum vầy - 1

Mặc dù các cháu luôn mong muốn được về quê ăn Tết với ông bà nhưng 3 năm qua, gia đình anh Tuấn chưa thể thực hiện được lời hứa với con nhỏ (Ảnh: NVCC).

"Năm 2019 do vợ sinh cháu thứ 2 dịp sát Tết nên chúng tôi không về được. Dự định khi cháu được một tuổi thì sẽ đưa về quê đón Tết với ông bà. Nhưng nay cháu đã hơn 3 tuổi vẫn chỉ biết ông bà qua những lần gọi điện", anh Tuấn nói.

Cũng theo anh Tuấn, lý do dẫn đến việc gia đình anh lỡ hẹn về quê do 2 năm này tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, dẫn đến việc về quê bằng xe khách gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra một số quy định về việc cách ly, theo dõi sức khỏe khi về địa phương khiến họ cập rập thời gian, quyết chờ khi nào dịch giã ổn định sẽ tính tiếp.

"Những ngày này, ở đây người ta cũng đã rộn ràng chuẩn bị cho ngày Tết. Nhìn cảnh mọi người sum vầy cùng gia đình mà chạnh lòng. Thương hơn là các con nhỏ, các cháu luôn mong mỏi được về quê gặp ông bà, họ hàng nhưng do hoàn cảnh chúng tôi đành lỗi hẹn", anh Tuấn bùi ngùi.

Nỗi niềm của lao động xa quê lỡ Tết sum vầy - 2

Lần gần nhất gia đình anh Tài được sum vầy ngày Tết là cách đây 5 năm (Ảnh: NVCC).

Còn đối với anh Bùi Kim Tài (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) đang làm công nhân cơ khí tại Đài Loan đã 5 năm chưa thể về quê thăm vợ con, gia đình. Gánh nặng mưu sinh phải tha hương cầu thực nơi xứ người xa lạ, không có điều kiện về quê ăn Tết khiến nỗi nhớ thêm da diết.

"Những dịp lễ, Tết, vợ đều thay tôi mua sắm mọi thứ trong nhà, thăm hỏi, quà cáp cho hai bên nội, ngoại. Khi tôi sang đây, các con đều còn nhỏ, giờ chúng đã lớn cả rồi. Tôi chỉ mong sớm được trở về để chia sẻ nỗi vất vả với vợ con", anh Tài thổn thức.

Niềm an ủi để anh vơi bớt nỗi nhớ quê hương, gia đình trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc nơi đất khách là được gặp gỡ, tụ tập cùng bạn bè, đồng hương người Việt Nam.

Nỗi niềm của lao động xa quê lỡ Tết sum vầy - 3

Thời điểm hiện tại, do tình hình dịch bệnh nên hầu như xe khách đường dài ở Hà Tĩnh đều nằm im tại bến (Ảnh: Tiến Hiệp).

"Những người Việt ở đây ai cũng có hoàn cảnh khó khăn nên Tết đến chắc chúng tôi chỉ tổ chức nấu nướng mấy món đơn giản vì thứ gì cũng đắt đỏ rồi cùng nhau trò chuyện cho vơi bớt nỗi nhớ gia đình. Nghĩ thương vợ xa chồng trong thời khắc thiêng liêng của sự đoàn tụ, sum vầy. Thương các con lại một Tết nữa không có bố dẫn đi mua áo mới, đi chúc Tết. Chỉ biết cố gắng làm việc thật tốt có thêm tiền gửi về, để những năm sau, dịch bệnh được đẩy lùi, vợ chồng, con cái đoàn tụ trong những cái Tết đủ đầy, trọn vẹn", anh Tài bày tỏ nỗi niềm.

Đón Tết ở quê, bên gia đình họ hàng là niềm mong mỏi, ao ước của người lao động xa quê. Nhưng vì nhiều lý do, hoàn cảnh, họ vẫn phải miệt mài với gánh nặng mưu sinh trong nỗi nhớ nhà, nhớ người thân và nhớ Tết quê hương đến quặn lòng để hy vọng về một tương lai tươi sáng, tốt đẹp hơn.