1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Bươn chải cả năm, dân xa quê lo lắng vì... thư ngỏ "đừng về ăn Tết"

An Linh

(Dân trí) - Chỉ những người đi làm xa xứ mới hiểu rõ ý nghĩa của ngày lễ, Tết nơi quê hương. Vì thế, khi địa phương ra "thư ngỏ" động viên con em đừng về ăn Tết vì sợ dịch, nỗi buồn của họ bị nhân lên gấp bội.

Vào miền nam làm việc hơn một năm, anh Hoàng Văn Nam (TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) chưa một lần được về thăm và chăm nom bố mẹ. Điều kiện làm ăn xa, đồng lương ít ỏi, bố mẹ già của anh tại quê nhà chỉ nhờ cậy vào cô dì, chú bác. Chính vì vậy, việc TP Thanh Hóa gửi thư ngỏ động viên con em không về ăn Tết dịp này khiến anh Nam có phần lo lắng.

Chưa bao giờ câu chuyện Tết quê lại xa vời đến vậy!

Nhà anh Nam thuộc diện neo đơn. Bố mẹ anh năm nay đã gần 80 tuổi, chỉ có mình anh. Hai vợ chồng đi làm ăn xa, bình thường cứ mỗi quý, không chồng thì vợ sẽ về thăm bố mẹ 2 bên.

"Mình về cũng chẳng có tiền nhiều cho bố mẹ, chỉ về cho bố mẹ vui, cho ông bà quây quần với con cháu. Hai năm nay dịch bùng phát, việc đi lại khó khăn, Tết 2021, chúng tôi về được. Nhưng tư tháng Giêng tới giờ thì chưa về nhà. Phải nói nhớ quê thì ít, mà thương bố mẹ chảy nước mắt", anh Nam nói.

Bươn chải cả năm, dân xa quê lo lắng vì... thư ngỏ đừng về ăn Tết - 1

Tết sum vầy, Tết đoàn viên (Ảnh Vietnamnet).

Địa bàn anh Nam đang sống là quận Tân Bình (TPHCM), nơi dịch vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường. Vì vậy, việc di chuyển về quê rồi trở vào thành phố cũng phải thật sự triệt để.

"Tôi đang rất nghĩ suy bởi vì cái riêng, cái chung rất khó xử lý. Chứng kiến nhiều y bác sĩ, chiến sĩ bỏ hạnh phúc, niềm vui riêng để chống dịch, ngăn chặn dịch. Còn mình, nếu không đóng góp được cho công tác chống dịch thì cần phải đảm bảo mình mạnh khỏe, an toàn và không gây gánh nặng cho xã hội. Người lao động như chúng tôi đang rất hoang mang, suy nghĩ nếu về địa phương, họ gây áp lực, nhìn với ánh mắt không thiện cảm", anh Nam nói.

Đau khổ hơn là vợ chồng Nguyễn Khắc Thành (quê thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương). Anh chị đang thường trú tại Hải Phòng. Khi nhận được tin Hải Phòng trở thành vùng đỏ, 2 vợ chồng anh mất ăn, mất ngủ cả ngày, các con cũng chả thiết chơi.

"Năm trước, TP. Chí Linh và TX Kinh Môn bùng dịch, gia đình tôi không về ăn tết được, năm nay có thể điệp khúc ấy cũng xảy ra khi Hải Phòng là vùng đỏ. Hiện tại, đối với các địa phương là vùng đỏ, theo quy định công dân đi đến vùng khác phải cách ly tập trung theo quy định. Chỉ mong từ nay đến gần Tết, chính quyền TP Hải Phòng khống chế được dịch, hạ cấp độ cảnh báo xuống để chúng tôi được về ăn Tết với gia đình, nếu không cũng lại một cái Tết xa quê nữa", anh Thành nói.

Theo anh Thành, 2 vợ chồng anh đã tiêm đủ mũi 3, 2 cháu nhỏ dưới 10 tuổi chưa tiêm. Nếu cho phép người dân về ăn Tết với gia đình mà không phải cách ly, anh sẵn sàng cho vợ về, ba bố con ở lại, nhằm động viên tinh thần cho bố mẹ 2 bên.

Ngoài các địa phương Thanh Hóa, Hải Phòng và Hải Dương, nhiều địa phương cũng đang "rào đón" đối với con em của mình về quê đón tết bằng nhiều cách khác nhau, như: Gửi thư ngỏ, tuyên truyền trên loa phóng thanh, đến địa phương vận động những gia đình có con em đang sống ở các tâm dịch như TPHCM, Hà Nội, Hải Phòng không về đón Tết hoặc có về cũng sẽ bị hạn chế, không đi đâu được hoặc bị các tổ chức đoàn thể địa phương để ý.

Chỉ chọn cái dễ cho mình?

Trong khi đó, nhiều địa phương hiện đã thực hiện chính sách thích ứng an toàn, mở cửa cả đối với du khách quốc tế, trong đó như TP.HCM, Đà Nẵng, Kiên Giang, Khánh Hòa, Quảng Nam, Quảng Ninh, Bình Định...

Đây là chính sách phù hợp bởi tỷ lệ tiêm phủ vắc xin của nhiều địa phương đã ở mức cao; bên cạnh đó sau 2 năm vật lộn với Covid-19, nhiều quốc gia đã chấp nhận sống chung với Covid-19 để giảm tác động tiêu cực của dịch đối với đời sống kinh tế, văn hóa xã hội của con người.

Bươn chải cả năm, dân xa quê lo lắng vì... thư ngỏ đừng về ăn Tết - 2

Hiện, nhiều địa phương vận động, thư ngỏ khuyên con em đừng về ăn Tết là chủ trương không hợp lý, gây tâm lý cho con em xa quê muốn về quê hương với bố mẹ, gia đình, người thân (Ảnh Vietnamnet).

Theo nhiều chuyên gia, việc thống nhất cách chống dịch trong điều kiện mới như nhiều quốc gia tiến bộ khác đang làm là vừa phòng, chống dịch vừa duy trì các hoạt động sản xuất, kinh tế, văn hóa xã hội là biện pháp đúng bởi không thể chọn cách cũ: Cách ly, bế quan tỏa cảng để hạn chế dịch. Cách thức hợp lý là chủ động chống dịch bằng tiêm phủ vắc xin, thực hiện 5K, nâng cao hệ thống y tế.

Nếu như trước đây, việc cách ly y tế là cần thiết, là thực hiện chiến lược chung để kiểm soát, khống chế dịch. Hiện nay, việc này làm không chọn lọc, có thể tác động nặng nề đối với kinh tế, xã hội và tâm lý người dân. Việc đưa thư ngỏ, vận động người dân xa quê không về ăn Tết là cách lựa chọn cái dễ của chính quyền, đẩy cái thiệt về cho người dân, con em của mình.

Trong khi Chính phủ, Bộ Y tế có những quy định cụ thể, rõ ràng về kiểm soát dịch bệnh, việc có một hoặc nhiều địa phương vẫn đưa ra "yêu cầu" nhưng mang tính chất "vận động", "thư ngỏ" là không thuận với "lòng dân, ý Đảng", điều này đã và đang khiến tâm lý xã hội nặng nề vì đại dịch, ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều mặt của xã hội.