An Giang:

Năm dần đến Cù lao Ông Hổ nghe kể chuyện "Hổ nhớ ơn người nuôi dưỡng"

Nguyễn Hành Minh Anh

(Dân trí) - Cù lao ông Hổ một địa danh rất gần gũi và thân thương đối với người dân An Giang, bởi ở đây có những giai thoại về "ông Hổ" sống nghĩa tình, trách nhiệm với chủ.

Đầu năm Nhâm Dần khi vừa đến cù lao Ông Hổ (xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang) PV đã được nghe ông Nguyễn Văn Tri (74 tuổi), ngụ ấp Mỹ Long 1, xã Mỹ Hòa Hưng say sưa kể về "sự tích" Ông Hổ cách đây 400 năm. Ông Tri là người địa phương và rất am hiểu về vùng đất này.

Năm dần đến Cù lao Ông Hổ nghe kể chuyện Hổ nhớ ơn người nuôi dưỡng - 1

Ông Nguyễn Văn Tri - một người dân gắn bó với quê hương Cù lao Ông Hổ - xã Mỹ Hòa Hưng hơn 70 năm (Ảnh: Minh Anh).

Theo ông Tri, thuở xưa vùng đất này được phù sa bồi đắp, nổi lên giữa dòng sông Hậu, cây cối bén rễ rậm rạp, không người lui tới. Một hôm, có 2 vợ chồng nọ chèo xuồng đi bắt cá, lượm củi thì thấy bám trên mảng lục bình trôi trên sông có một con vật giống như mèo. Nhưng khi đến gần, không phải mèo mà là một con hổ con vừa đói, vừa rét. Thấy thương nên ông, bà đem về chăm sóc, nuôi dưỡng. Con hổ dần lớn lên trong tình thương đó nên rất hiền lành, không phá phách.

Vài năm sau, ông bà sinh được một cô con gái. Cô gái lớn lên gọi hổ là anh hai. Khi cô con gái đi lấy chồng, ông bà chỉ có hổ làm bạn. Khi ông bà mất, con hổ cũng bỏ vào rừng kiếm ăn. Hàng năm cứ đến lễ giỗ, hổ tha về một con lợn hoặc nai đặt trước mộ, sau đó bỏ đi, không quấy phá ai hết. Từ đó dân làng mến con hổ có tình có nghĩa với người nên đặt tên cù lao là "Cù lao Ông Hổ" và lập miếu thờ…

Theo ông Tri, sự tích cù lao Ông Hổ tuy có chút huyền bí nhưng mang tính giáo dục rất cao, đó là lòng thương người, là sự biết ơn. Lớn lên trong sự giáo dục đó, nên mỗi người dân Mỹ Hòa Hưng hôm nay đều nỗ lực phấn đấu để xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp, không phụ lòng của các bậc tiền nhân.

Năm dần đến Cù lao Ông Hổ nghe kể chuyện Hổ nhớ ơn người nuôi dưỡng - 2

Theo "sự tích", người dân mến mộ tấm lòng biết ơn của ông hổ đối với ông bà chủ nên lập miếu thờ (Ảnh: Minh Anh).

Ông Nguyễn Sĩ Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa Hưng cho biết, Mỹ Hòa Hưng là xã cù lao, nằm giữa dòng sông Hậu, cách trung tâm TP Long Xuyên khoảng 3 km. Diện tích tự nhiên là 21,19 km2, với 5.424 hộ và 22.326 nhân khẩu. Xã có 884,9 ha đất nông nghiệp, trong đó đất trồng lúa trên 502 ha, đất trồng cây lâu năm trên 269 ha, đất nuôi trồng thủy sản gần 205 ha, chia ra thành 4 tiểu vùng sản xuất nông nghiệp.

Kinh tế của xã chủ yếu dựa vào nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và các ngành nghề truyền thống với quy mô nhỏ như làm nhang, đan lát... Mỹ Hòa Hưng đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2015, Nông thôn mới nâng cao năm 2020 và đang trong lộ trình xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu của tỉnh.

Mỹ Hòa Hưng bây giờ đã thực sự "thay da đổi thịt", đời sống vật chất, tinh thần của người dân đã và đang khởi sắc từng ngày. Bước chuyển mình từ kết hợp nông nghiệp với du lịch cộng đồng mang lại cho mỗi hộ nguồn thu nhập trung bình hàng trăm triệu đồng/năm. Giờ đây, bà con nông dân Mỹ Hòa Hưng đã có những hộ thu nhập lên đến 1,5 tỷ đồng/năm. Điều đó thể hiện sự bứt phá thật đáng mừng của xã cù lao từng hết sức khó khăn ngày ấy.