Giò mo cau: Nếp nhà theo thời gian còn mãi

Ngày bé, mỗi lần về quê, tôi chỉ trông ngóng nhặt tàu cau rơi, khi lá cau ngả vàng, tàu cau dần tách khỏi thân, rồi một ngày rơi bịch xuống nền sân gạch...

Cứ vào khoảng ngày ông Táo chầu trời, ngoại lại cầm cây que rào có đầu móc, lấy từng chiếc mo cau đã cắt gọt hai đầu, gác lên mái bếp trong suốt năm, rồi cọ cửa phơi cho ráo, chờ ngày bó giò.

Giò mo cau: Nếp nhà theo thời gian còn mãi - 1

Các gia đình chọn mo cau gói giò Tết trong phiên chợ cuối năm. (Ảnh: Phạm Thị Lan Anh).

Đẹp như tranh

Chiếc mo cau cả năm trời nằm yên trên mái bếp phủ đen bồ hóng, đã ngả sang màu nâu sậm, và đong đầy mùi hương: Hương lá chuối khô dìu dịu, hương rơm rạ nồng nồng, hương lá mít ngai ngái ngoại quét sân ngõ, vun vào góc vườn phơi khô, mùi nước mưa ngọt ngọt bốc hơi từ những ấm nước ngoại đun... đã  thấm đượm đủ đầy vào mo cau khum khum như chiếc võng nhỏ.

Giò mo cau: Nếp nhà theo thời gian còn mãi - 2

Góc bếp này con yêu nhất, chỉ thích lúc nào cũng được ám mùi khói

Cách tết chừng 3-4 tháng, ngoại đã dấm sẵn một chú lợn con, nuôi chờ ngày Tết ngả thịt, đón con cháu nơi xa trở về.

Nia thịt lợn sờ tay còn ấm hôi hổi, cậu tôi nhanh tay pha thịt thành từng miếng chữ nhật, đều tăm tắp. Thịt làm giò mo cau ngon nhất là chân giò. Chạnh lòng nghĩ lại tuổi khờ dại, còn thắc mắc khi chỉ thấy một chiếc giò mo cau gói loại thịt  ấy. Hóa ra, ngoại để dành riêng cho chị em tôi. Những người ở quê nhà, chỉ ăn giò mo cau gói bằng thịt thủ.

Thịt pha xong cho vào chiếc nồi gang rộng lòng, ngoại cầm đôi đũa tre dài, nhanh tay vừa đảo thịt, vừa nêm cho đủ gia vị mắm muối.

Thứ mộc nhĩ bỏ vào loại giò này ngoại không mua ở chợ. Những thân cây mục xếp một góc vườn, qua một đợt mưa là chị em tôi tha hồ mang rổ ra lấy, đem về cả chùm mộc nhĩ để ngoại đặt phơi trên mặt bể nước mưa. Đến khi khô, ngoại đóng vào túi nylon buộc kín, chờ ngày cuối năm.

Hạt tiêu rang sẵn, xay nhỏ, ngoại rắc vào nồi thịt xào trên bếp vừa lửa. Nồi thịt xào ngoại đun bằng bếp rơm, thơm đến lạ. Tôi lại nhớ khi ở cùng ngoại, hiếm hoi được ăn miếng thịt ngoại kho màu cánh gián, cứ xuýt xoa ngon vì đậm mùi khói bếp.

Giò mo cau: Nếp nhà theo thời gian còn mãi - 3

Chiếc giò mo cau đậm mùi của Tết, mùi của sum vầy

Nồi thịt xào bắc ra, đẹp như tranh: miếng thịt  đều, bì trong như thạch, mỡ trắng ngồn ngộn, nạc hồng phớt như cánh đào, sợi mộc nhĩ đen xắt nhỏ mịn, hạt tiêu lấm tấm như chấm mưa...

Cậu tôi nhanh tay xúc thịt vào chiếc mo cau trải sẵn, dùng lạt buộc dọc thân mo thật chặt. Chiếc giò bó xong đã nần nẫn, tròn đầy. Cậu bện hai sợi lạt vào nhau, buộc ở hai đầu mo cau được thắt như chiếc kẹo làm dây treo, dây xách.

Giò khi ăn thái từng khoanh cả vỏ bọc, gỡ vỏ mo cau rồi mới bày lên đĩa. Khối thịt bó chặt khi còn nóng, đã kết dính chặt vào nhau, đượm mùi mo cau cho dư vị khó tả.

Tôi đã từng được thưởng thức loại giò xào gói trong lá chuối, trong túi nylon, hay trong khuôn kim loại, nhưng không thứ nào sánh nổi giò mo cau mà ngoại tôi dày công chuẩn bị cả năm trời. Chiếc giò mo cau đậm mùi của Tết, mùi của hội ngộ, sum vầy…

Miếng giò ăn giòn sần sật, không bao giờ thấy ngán. Ra tới tận tháng Giêng, khi đã chán mâm cao cỗ đầy, mẹ tôi cắt một khoanh giò mo cau đem ra xào với khoai tây, hay nấu món canh khoai lẫn su hào, cà rốt cũng đủ khiến cả nhà một bữa hao cơm.

Bóng ngoại vẫn đầy

Ngoại đã đi xa, nhưng cây cau duy nhất trong vườn nhà dì vẫn giữ. Và, trong những mùa trôi qua, cuối năm nhớ tới giò mo cau, tôi lại vội vàng gọi điện: "Dì ơi, con thèm giò mo cau, nhưng năm nay, ngoại đi rồi, mo cau rụng ai lấy, ai phơi gác bếp". Mắt cay xè, nghẹn ngào. Còn dì thì vỗ về như lòng mẹ: "Con yên tâm, rồi sẽ có cho con".

Dì tôi, người đàn bà luống tuổi không hề nghĩ  tới xây dựng một gia đình riêng cho mình, vẫn lụi cụi nhặt từng tàu mo cau rụng, cắt gọt, dội rửa, phơi phóng rồi gác lên mái bếp phủ đầy bồ hóng, chỉ chờ tiếng cháu tha thiết hỏi han là lòng như nhen nhóm một niềm vui vì được chăm sóc mọi người.

Thay bà, dì lại đón tôi nơi đầu ngõ, lại cho tôi đong đầy tình yêu thương từ mảnh đất trĩu nặng cây trái. Từ ngôi nhà cổ năm gian với những cột đá xanh khắc hàng câu đối. Từ thềm đá xanh, bệ cửa đá xanh, hàng cánh cửa ra vào với những tấm gỗ lim to bản, đen thẫm theo thời gian để mỗi sáng mở ra đón nắng sớm, cánh cửa cọt kẹt như thức dậy cả một không gian yên bình. Từ chiếc lưng áo hằn rõ những vạch trắng mồ hôi đọng thành muối trên đường làng đầy nắng...

Nhẹ nhàng thủ thỉ nhưng chất chứa nỗi niềm, dì dặn tôi: "Mảnh đất này, ngôi nhà này, dì gắng giữ nguyên vẹn cho các con. Sau này, chị em con hãy giữ gìn nó, lấy nơi tìm về của con cháu, để nếp nhà theo thời gian vẫn còn mãi, để con cháu của con vẫn có hình ảnh một quê hương, của những thứ khó định hình như lòng yêu  "mùi ma chưng mắm", yêu chiếc giò mo cau, yêu mảnh vườn mát lịm chỉ thích đi chân trần... con nhé!".

Theo vietnamnet.vn