1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Xin đừng để những giọt nước mắt rơi khi quá muộn

(Dân trí) -Trước nhiều nguồn thông tin trái chiều từ một số báo điện tử và đặc biệt là mạng xã hội, PV Dân trí đã trở lại gia đình em Nguyễn Đức Đạt lần thứ hai chỉ sau 4 ngày bài báo đầu tiên được đăng tải để có những bằng chứng xác thực nhất.

Bố mất khi cậu bé Đạt mới được 1 tuần tuổi, gần đây mẹ của em lại đột ngột qua đời để lại 3 anh em là Nguyễn Văn Thiệp (sinh năm 1981); Nguyễn Thị Thêu (sinh năm 1983) và cậu bé Nguyễn Đức Đạt (đang học lớp 7A trường THCS Bình Minh, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương) – theo nguồn tin gia đình cung cấp với PV báo điện tử Dân trí ngày 1 /3.

Được nhiều bạn đọc Dân trí giúp đỡ, cuộc sống của ba anh em bé Đạt đã bớt những khó khăn.
Được nhiều bạn đọc Dân trí giúp đỡ, cuộc sống của ba anh em bé Đạt đã bớt những khó khăn.

Trước thông tin bé Đạt còn hai người chị ruột nữa, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi trực tiếp với chú Vũ Duy Nhu – Phó chủ tịch xã Bình Minh được biết: “Thực tế thì chị Yến (mẹ cháu Đạt) sinh được tất cả 5 người con gồm: Nguyễn Văn Thiệp (sinh năm 1981); Nguyễn Thị Thêu (sinh năm 1983); Nguyễn Thị Hà (sinh năm 1985); Nguyễn Thị Hậu (sinh năm 1988) và em út là Nguyễn Văn Đạt. Tuy nhiên vì cuộc sống gia đình quá khó khăn nên từ rất sớm cháu Hà đã được gửi đi ở, phụ việc cho người thân trên Sơn La rồi Hà Nội. Bản thân cháu Hậu đã đi lấy chồng, làm công nhân, gia đình không có điều kiện nên thực tế là không giúp gì được cho bé Đạt”.

Cậu bé Đạt nhận được nhiều vở mới và chiếc cặp sách đi học.
Cậu bé Đạt nhận được nhiều vở mới và chiếc cặp sách đi học.

Đấy cũng là lí do vì sao mà mọi người trong làng từ lâu đã quen với việc một mình cậu bé Đạt chăm hai anh chị Thiệp và Thêu. Vì thế mà việc những người trong gia đình chia sẻ “gia đình có 3 người con” theo chị Hạnh (cô ruột của em Đạt) thì: “Mong mọi người hiểu và thông cảm cho gia đình, vì hai cháu Hà và Hậu đã có gia đình riêng, cuộc sống khó khăn, các cháu không giúp được gì cho Đạt đã khổ tâm lắm rồi vì thế nên bản thân tôi không muốn nhắc đến vì sợ các cháu tủi thân. Và còn một lí do tế nhị nữa của gia đình đó là bố cháu ngày trước cũng không được khôn ngoan, sinh ra hai con là Thiệp và Thêu cũng thế nên ai cũng nghĩ là bệnh di truyền. Hai cháu kia may mắn đi xây dựng gia đình được, chúng tôi mừng lắm nên không muốn nhắc nhiều đến gánh nặng gia đình rồi còn nhà chồng và mọi người nữa… Chúng nó thương em, thương anh chị nhưng cũng chỉ biết gọi điện về khóc với tôi thôi vì chúng nó không có tiền cô ạ”.

Đạt cho biết em rất thích chiếc bút mới của các anh chị cho.
Đạt cho biết em rất thích chiếc bút mới của các anh chị cho.

Nghe chị Hạnh tâm sự, mọi sự trách móc, nghi ngờ trong tôi đã thay vào đó là sự cảm thông cho suy nghĩ của những người ở thôn quê. Với chị Hạnh hay bất cứ họ hàng, cô bác nào trong gia đình bé Đạt việc “ép buộc” hay “bắt” Hà và Hậu phải nuôi em Đạt trong khi chính cuộc sống của các em còn khó khăn là một điều ích kỉ và không nên. Ở một góc độ nào đó, việc này có thể đúng, có thể sai, tuy nhiên thực tế cuộc sống của cậu bé Đạt rất đáng thương, điều này được kiểm chứng qua câu chuyện với chú Vũ Duy Nhu:“Thực tế từ ngày còn rất nhỏ Đạt đã lo cơm nước, trông nom anh Thiệp và chị Thêu, đồng thời em còn phụ giúp mẹ cả công việc đồng áng nữa. Thời gian vào mùa vụ, có những lúc chúng tôi về nhà rồi mà hai mẹ con thằng bé Đạt vẫn cứ lọ mọ làm đến tối mịt mới về nhà. Ở làng xóm, ai cũng quý mến thằng bé bởi nó rất ngoan ngoãn và chăm chỉ, siêng năng”.

Đạt cho biết em rất thích chiếc bút mới của các anh chị cho.

Vì Đạt còn nhỏ tuổi, vì thế số tiền ủng hộ của mọi người gửi về trong thời gian hiện tại được hai bên gia đình nội, ngoại họp lại và giao cho 3 người là ông Nguyễn Văn Minh (đại diện họ nội), bác Vũ Thị Loan (đại diện họ ngoại) và chị Nguyễn Thị Hạnh (cô ruột của cháu Đạt) ghi chép lại cẩn thận rồi tổng hợp lại trước sự chứng kiến của nhiều người. Về phía chính quyền xã Bình Minh, chú Nhu cũng cho biết: “Trong thời gian qua, cũng có nhiều đoàn liên lạc với xã để đến thăm gia đình em Đạt. Khi nhận được thông tin phía xã chúng tôi cũng đã cử cán bộ dẫn mọi người vào tận gia đình em và sẵn sàng cung cấp bất cứ thông tin gì mà mọi người muốn tìm hiểu thêm. Cũng có đoàn ủng hộ tiền cho em thông qua xã, chúng tôi cũng có sổ ghi chép cẩn thận trước sự chứng kiến của đoàn từ thiện sau đó chuyển tận tay gia đình”.

Về phía trường THCS Bình Minh, cô giáo Hoàng Thị Liệu – Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Phía trường cũng nhận được ít nhiều tiền ủng hộ cho em Đạt, chúng tôi cũng đã nhận và có ghi chép rất tỉ mỉ, cẩn thận và đã chuyển về cho em Đạt trước sự chứng kiến của toàn thể gia đình”.

Em kể ngày nào cũng thắp hương báo cho mẹ biết về cuộc sống của 3 anh em để mẹ được yên lòng.
Em kể ngày nào cũng thắp hương báo cho mẹ biết về cuộc sống của 3 anh em để mẹ được yên lòng.

Theo thống nhất của gia đình em Đạt, phía UBND xã Bình Minh và trường THCS Bình Minh, tất cả số tiền mọi người gửi về cho anh em Đạt sẽ được tổng hợp lại sau đó mở một tài khoản mang tên em để phục vụ cuộc sống và việc học tập sau này.Trước nhiều thông tin nên đưa Thiệp và Thêu vào trung tâm bảo trợ xã hội cũng đã được chính quyền xã và gia đình thông qua để đi đến thống nhất để qua 50 ngày của mẹ các em rồi sẽ theo phương án đó thực hiện.

Xem clip PV Dân trí ghi nhận cuộc sống của 3 anh em bé Đạt sau khi nhận được sự giúp đỡ của bạn đọc.


Tôi muốn kết thúc bài viết này bằng tựa đề “Xin đừng để những giọt nước mắt rơi khi quá muộn” như một lời nhắn nhủ đến bạn đọc khi còn đang hoang mang trong nhiều luồng thông tin “nghi ngờ” về độ chính xác hoàn cảnh bé Đạt và những “tranh chấp” không có thật giữa hai bên gia đình nội, ngoại. Xin đừng vì những hiểu lầm không đáng có của những người lớn mà làm ảnh hưởng đến cuộc sống và tương lai của em khi cậu bé 13 tuổi này đã mất cả cha và mẹ. Phía trước là cả một quãng thời gian rất dài mà em phải vượt qua, chắc chắn sẽ còn không ít những khó khăn cần sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng và xã hội.

Thiên Ân