1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Xin cho em hơi thở… bình thường!

(Dân trí) - Trời vừa hửng sáng, Luyến đã có mặt ngoài cửa sông phụ cha bắt tép, mò ngao rồi nhanh chóng đạp xe đến trường cho kịp giờ học. Vất vả là thế nhưng ước mơ được đi học vẫn thôi thúc cậu học trò nghèo mang trong mình căn bệnh hẹp lồng ngực.

 
Xin cho em hơi thở… bình thường!   - 1

Luyến không dám học bài quá 10h đêm vì khó thở và phải dậy sớm để ra sông mò ngao với ba trước khi đến trường.
 
Chiều chạng vạng, khi ánh hoàng hôn chỉ còn vắt vài vệt nhỏ dài nơi cuối chân trời, chúng tôi tìm đến nhà cậu học trò Trần Văn Luyến (lớp 10D1 trường THPT Nguyễn Huệ, Vũng Tàu). Căn nhà cấp 4 nhỏ, lộng gió của gia đình Luyến nằm khiêm tốn trong cái xóm nghèo ở ngoại ô của thành phố biển được xếp vào diện giàu bậc nhất Việt Nam.

 

Căn nhà vắng lặng, chỉ có người mẹ dáng gầy gò đang cần mẫn nhổ cỏ cho đám rau sau vườn. Tôi hỏi Luyến, cô Nga - mẹ em chỉ tay về phía con sông Cầu: “Cháu nó vừa đi học về, cất sách vở rồi ra cửa sông phụ ba gom lưới cá rồi chú ạ!”.

 

Đợi mãi, khi trời ụp bóng tối bao trùm, chúng tôi mới thấy Luyến trở về từ phía cửa sông. Dáng dong dỏng cao, ốm yếu và hơi khòm! 

 

Ba của Luyến, chú Trần Văn Hòa (58 tuổi) kể, nhà có 7 người con. Cách đây 10 năm, do cuộc sống quá khó khăn, cả gia đình rời Nam Định vào TP.Vũng Tàu với ước mơ đổi đời.

 

Để có cái ăn, cái mặc cho đàn con, vợ chồng chú ngày ngày hụp lặn dưới lòng sông Cầu ngay trước nhà để bắt tép, ngao, sò… Mỗi ngày, cô Nga thu về khoảng 50.000 đồng tiền bán tép, ngao… để trang trải cho cả gia đình. Nhưng không phải ngày nào cũng có ngao, tép để bán.  

 

Làm lụng vất vả là thế nhưng cuộc sống vẫn cứ thiếu trước hụt sau. Anh chị của Luyến lần lượt nghỉ học rồi lập gia đình. Cuộc sống của họ cũng khó khăn khi hết làm phụ hồ, làm cá mướn đến bốc đá thuê và bán ngao ở chợ. Chỉ còn mình Luyến là được học tới lớp 10. Vậy mà…!  

 

5 năm trở lại đây, ba Luyến bị viêm xoang, đau bao tử. Còn mẹ em thì bị viêm kết mạc, thần kinh tọa hành hạ. Mặc dù chữa chạy khắp nơi nhưng không khỏi. Cha mẹ bệnh, không có việc làm ổn định… gánh nặng cuộc sống gia đình đang dồn lên đôi vai gầy của em.  

 

Hàng ngày, ngoài giờ học, Luyến phải đi lột da cá bò cho một phân xưởng chế biến hải sản. Phải mất 4-5 tiếng đồng hồ mới lột được 1 kết da, tiền công có 10.000 đồng/kết. Thế nhưng, thời gian gần đây, thấy con ốm yếu, xanh xao và hay xỉu, gia đình đưa Luyến lên Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM khám mới biết em bị chứng bệnh lõm xương ngực. Theo các bác sĩ chuyên khoa, bệnh của Luyến phải phẫu thuật nâng lồng ngực mới cứu chữa được. Phẫu thuật càng sớm thì càng tốt cho sức khỏe của em. Nếu không, Luyến sẽ luôn bị khó thở, mệt mỏi… nếu để lâu thì sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Chi phí cho ca phẫu thuật lên đến 40 triệu đồng - số tiền vượt ngoài khả năng của gia đình Luyến.

 

Nói về hoàn cảnh của học trò mình, cô Nguyễn Thu Hà - Giáo viên chủ nhiệm lớp 10D1 cho biết: “Luyến là một học sinh ngoan, rất ham học. 9 năm liền, Luyến luôn đạt học sinh khá, giỏi. Nhưng học kỳ vừa rồi, do sức khỏe không tốt nên việc học hành của em có phần suy giảm. Hoàn cảnh khó khăn, căn bệnh hiểm nghèo nhưng Luyến luôn sống có trách nhiệm, ham học hỏi nên thầy cô, bạn bè ai cũng mến thương. Là giáo viên chủ nhiệm, tôi rất đau lòng khi thấy học trò mình bị bệnh. Mong sao, có một phép mầu kỳ diệu để cho hơi thở của em được bình thường như bao người khác”. 

 

Do nhà ở ngoại ô thành phố nên hàng ngày cậu học trò chuyên văn Trần Văn Luyến phải còng lưng đạp xe trên đoạn đường hơn 12km đến trường. Vậy mà chưa một lần Luyến trễ giờ hay vắng học. “Nhiều lúc em muốn học bài khuya nhưng đến 22h là thấy mệt nên phải nghỉ để sáng dậy còn ra bến sông phụ việc giúp ba. Thỉnh thoảng, em thấy khó thở. Đạp xe về đến nhà là đuối rồi. Nhiều lúc mệt, đau, muốn nghỉ học lắm anh à. Nhưng sợ ba mẹ buồn nên em phải ráng…”, Luyến tâm sự. 

 

Dáng cậu học trò nhỏ liêu xiêu trong ánh nắng chiều nơi cửa sông cứ day dứt mãi trong lòng chúng tôi. Tôi nhớ hoài câu hỏi hồn nhiên nhưng phảng phất nỗi buồn của Luyến: “Em mơ ước sau này làm hướng dẫn viên du lịch. Nghe nói, làm nghề này phải đi nhiều, liệu sức khỏe của em có đi nổi không anh?!”. 
 

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

 

1. Ông Trần Văn Hòa (ba của em Luyến): Số nhà 125, tổ 72, KP5, đường Phước Thắng, P.12, thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). 

hoặc cô Nguyễn Thu Hà - Giáo viên chủ nhiệm lớp 10D1 (cô chủ nhiệm lớp của em Luyến): Trường THPT Nguyễn Huệ, TP Vũng Tàu. Số điện thoại: 0908508310.

2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học và Dân trí - Báo điện tử Dân trí (Hà Nội)

Số 2/48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội (Cạnh cây xăng Kim Mã)
Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490 
Email:
quynhanai@dantri.com.vn

* Tài khoản VNĐ:

Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí

Số TK: 10 201 0000 220 639

Tại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Hoàn Kiếm


* Tài khoản USD:

Tên TK : Báo Khuyến học & Dân trí

Số TK : 10 202 0000 004346

SWIFT Code: ICBVVNVX106

Tại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương thành phố Hà Nội

3. Văn phòng đại diện của báo:

VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122

VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725


VP HCM: 40/17/16 Nguyễn Văn Đậu, phường 6 quận Bình Thạnh. Tel: 08. 35107. 331


VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 071.3.733.269

 
Ngô Công Quang