Mã số 576:
Vợ chồng già tàn tật nuôi 2 đứa con da cam
(Dân trí) – Trong góc phòng ẩm tối chật chội, người cha già đang cố tìm hết cách để dỗ dành đứa con trai ăn bát cơm canh cà đạm bạc. Còn người mẹ tàn tật cũng đang xắn mình năn nỉ đứa con gái ăn từng muỗng cơm trong khó nhọc…
Đó là hoàn cảnh cơ cực của vợ chồng ông Phạm Thất (65 tuổi) và bà Hoàng Thị Quê (63 tuổi) ở thôn Phú Trịch, xã Quảng Lộc, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Mấy chục năm nay, vợ chồng ông Thất sống trong nỗi đau cùng cực khi phải nuôi 2 đứa con bị chất độc da cam.
Vợ chồng già tàn tật nuôi 2 con da cam
Đón chúng tôi trong căn nhà tình nghĩa, bà Hoàng Thị Quê nước mắt lưng tròng chỉ tay về phía góc tối ở sau bếp nói: “Vợ chồng già cả rồi không đủ sức để trông giữ hai đứa nữa nên phải nhốt vào đó không chúng lại bò lê lết lung tung, đập phá hết cái này sang cái khác. Trước đây, hai đứa ở trong cũi chật chội, bẩn thỉu, tội lắm. Năm trước, vợ chồng gắng làm cho con cái phòng nho nhỏ để ở cho kẻo tội”.
Nói rồi bà Quê mời nước tiếp chuyện chúng tôi. Năm 1972, ông Thất đi dân công hỏa tuyến ở chiến trường đường 9 - Nam Lào. Đến năm 1973, ông bị thương trong một trận chiến ác liệt và được đơn vị cho xuất ngũ. Rời chiến trường trở về, ông mang trên mình thương tật 3/4. Còn bà Quê bị bom bi làm què chân khi đang vận chuyển đạn, lương thực tiếp tế cho bộ đội trên sông Gianh.
Hai ông bà có với nhau 5 người con. Nhưng nghiệt ngã thay, tất cả những người con của ông bà đều không bình thường, trong đó Phạm Thị Lĩnh (SN 1978) và Phạm Văn Linh (SN 1985) là nặng nhất. Lĩnh chỉ nặng chừng 25kg, vừa câm, vừa điếc, còn Linh cũng câm điếc, chân đi chéo quẹo, đầu luôn ngả về phía sau.
“Thằng em thì hiền, nói còn nghe lời, còn con chị nhìn thì nhỏ rứa đó nhưng mỗi khi lên cơn thì ghê gớm không ai bằng. Hắn đập đánh thằng em suốt ngày. Mà lạ lắm, bị chị đánh đau như rứa mà nó cũng không chạy và không đánh lại. Chú thấy chơi với nhau rứa đó, nhưng mà không có tui trông nom là con chị nó lại cầm que, cầm gậy đánh thằng em liền. Nhiều lúc còn đánh cả tui nữa”, bà Quê xót xa.
“Khổ sở nhất là mỗi khi cho hai đứa ăn cơm. Nhiều lúc hai vợ chồng phải mất đến vài giờ đồng hồ mới cho con ăn xong nỗi bận cơm. Đứa em phải nằm lên giường, nhưng không phải lúc nào nó cũng chịu nằm để ăn. Đút xong mỗi muỗng cơm hay thìa cháo là cháu nó phải lấy tay hất cằm lên vật vờ một lúc mới nuốt nổi. Còn con Lĩnh thì ít ăn lắm, có khi nhịn cơm đến mấy ngày liền”, ông Thất nhìn con kể trong đau đớn.
“Vợ chồng tui mà chết trước thì tội mấy đứa con lắm!”
Nỗi bất hạnh của đôi vợ chồng già tàn tật chưa dừng lại ở đó. Ngoài việc chăm sóc Lĩnh và Linh, hàng ngày vợ chồng ông Thất phải vất vả làm thuê cuốc mướn đủ đường, tằn tiện từng đồng một để gửi vào nuôi đứa con út Phạm Văn Sáu, hiện đang là Sinh viên năm thứ 2, trường Cao đẳng Công nghệ Thông tin Đà Nẵng.
Cứ đến cuối tháng, nghe Sáu gọi điện về xin tiền ăn, tiền phòng là vợ chồng ông Thất lại cuống cuồng, chạy đôn chạy đáo vay mượn tiền gửi vào cho con. “Thú thật với chú, hoàn cảnh gia đình khó khăn như ri mà nuôi con ăn học nữa thì càng túng quẩn hơn. Biết là thế nhưng vợ chồng tui cũng đã suy tính cả rồi. Mình giờ đã ở cái tuổi “gần đất xa trời” nên chỉ mong nuôi thằng Sáu học xong, sau này có được một công việc ổn định thì may ra còn có điều kiện để chăm sóc anh chị nó”, ông Thất lo lắng cho những ngày tháng phía trước.
Ngoài việc vất vả làm lụng đủ nghề để có tiền nuôi Sáu ăn học thôi chưa đủ. Để có tiền chu cấp hàng tháng cho con, vợ chồng ông Thất còn phải cầm cố cả sổ đỏ, vay mượn tiền anh em họ hàng và tiền vay của sinh viên hàng năm. Theo như ông Thất nhẫm tính, cộng lại tất cả hiện nay số nợ cũng đã trên 50 triệu đồng. “Trời đất để cho con Lĩnh và thằng Linh về trước thì còn đỡ, những nếu vợ chồng tui mà chết trước thì ai sẽ nuôi chúng nó đây? Rồi còn cả chuyện học hành của thằng Sáu nữa… Vợ chồng tui khổ cực lắm, thân già lại tàn tật, rồi các con cũng không được lành lặn như con người ta, nhiều lúc muốn buông xuôi nhưng sợ chết rồi không ai nuôi các con nên gắng mà chịu đựng vậy”, bà Quê khóc than.
Cảm thương trước hoàn cảnh của đôi vợ chồng già tàn tật nuôi hai đứa con da cam và một đứa đang học, bà Hoàng Thị Thu, Kế toán Hội nạn nhân chất độc da cam huyện Quảng Trạch, chia sẻ: “Gia đình ông bà Thất là một trong những hoàn cảnh khó khăn nhất của Hội. Tuổi già lại còn tàn tật nhưng ông bà ngày ngày đang phải vất vả mưu sinh kiếm từng bữa ăn để nuôi nấng hai đứa con bị chất độc da cam và một đứa ăn học. Hội cũng thường xuyên đến thăm hỏi, tặng quà động viên gia đình, nhưng về lâu về dài để giúp vợ chồng ông Thất vượt lên nỗi đau và có điều kiện hơn để chăm sóc các con thì vẫn rất cần đến sự quan tâm và giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân và các nhà hảo tâm trong toàn xã hội”.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: 1. Ông Phạm Thất: Thôn Phú Trịch, xã Quảng Lộc, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. ĐT: 01632.135.275 2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học & Dân trí - Báo điện tử Dân trí. Ngõ 2 nhà số 48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội (Cạnh cây xăng Kim Mã) Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490 Email: quynhanai@dantri.com.vn Bạn đọc ủng hộ qua các tài khoản sau: * Tài khoản VNĐ tại VietComBank: * Tài khoản USD tại VietComBank: Account Number: 045 137 195 6482 Swift Code: BFTVVNVX Bank Name: THE BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM (VietComBank) * Tài khoản VNĐ tại VietinBank: * Tài khoản VNĐ tại Ngân hàng Quân đội (MB) Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí Tại Ngân hàng TMCP Quân đội – Chi nhánh Thái Thịnh - Hà Nội * Tài khoản USD tại Ngân hàng Quân đội (MB) Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí Swift Code: MSCBVNVX Bank Name: MILITARY COMMERCIAL JOINT STOCK BANK - MCSB ( No.3, Lieu Giai str., Ba Dinh Dist., Hanoi, Vietnam) 3. Văn phòng đại diện của báo: VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122 VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725 VP HCM: số 39L đường 11 (Miếu Nổi), phường 3, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Tel: 0866786885 VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 0710.3.733.269 |
Đặng Tài – Đăng Đức