1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Mã số 428:

“Tôi chỉ ước bữa cơm của hai mẹ con không còn đứt bữa”

(Dân trí) – Bao nhiêu năm nay bà Thắng lăn lộn với cuộc sống mưu sinh miếng cơm, manh áo, nhưng cái đói, cái khổ vẫn đeo đẳng quanh năm. Người con gái bị bệnh tâm thần suốt ngày lang thang xó chợ, phá phách đồ đạc, chửi bới và xé rách quần áo... khiến bà lao lực.

Hỏi thăm đường đến nhà bà Trần Thị Thắng, thôn Yên Thường, xã Thuần Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) thì ai cũng biết, có người còn tỏ vẻ thương cảm: “Nhà bà ấy khổ lắm, đến bát cơm cũng bữa có bữa không. Cô con gái thì mắc bệnh tâm thần, suốt ngày lang thang ngoài đường, chẳng làm được việc gì, nhưng khi về nhà lại phá phách, đánh đập bà, nhìn thấy mà thương”. 

Từ khi chồng qua đời vì bệnh tật mà không có tiền thuốc thang, bà Trần Thị Thắng (80 tuổi) ở vậy nuôi hai con nhỏ. Cuộc sống vốn đã túng quẩn, bần hàn nay lại càng khó khăn hơn. Bà Thắng làm bất cứ việc gì người ta thuê, người ta mướn chỉ mong sao có bát gạo, bó rau mang về cho con ăn đỡ đói. Lăn lộn với cuộc sống bao nhiêu năm chưa một phút nghỉ ngơi, nhưng cái đói, cái rét vẫn thường trực. 

Đang loay hoay ở một góc nhà, kiếm từng mảnh vải thừa để chắp vá lên chiếc áo bị rách nhiều chỗ do người con gái bị tâm thần xé, bà Thắng vừa kể về cuộc đời cơ cực của mình cho chúng tôi nghe. Vốn sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo khó, đói rét triền miên nên bà Thắng không được đến trường học chữ. 20 tuổi, bà Trần Thị Thắng lập gia đình với ông Nguyễn Bá Đậu trong sự nghèo túng của hai bên gia đình nội ngoại.
 
Niềm vui tràn ngập khi vợ chồng bà lần lượt sinh được hai người con gái xinh đẹp và khỏe mạnh. Cuộc sống tưởng ấm êm hạnh phúc bên chồng con được lâu dài thì bỗng dưng ông Đậu đổ bệnh nặng. Lúc đó ông Đậu đang làm công nhân cầu đường trên tỉnh Sơn La thì mắc bệnh ruột thừa, nhưng gia đình nghèo quá, không có tiền chữa trị và ông đã qua đời sau đó một thời gian ngắn. 

Chồng mất, để lại cho bà Thắng nỗi đau về sự mất mát và hai đứa con thơ dại với gánh nặng cơm áo. Mình bà lăn lộn với mấy sào ruộng, hết mùa lại đi làm thuê bất cứ việc gì miễn kiếm được đồng tiền, bát gạo nuôi con. Bà tâm sự: “Thời đó đói lắm, rất ít gia đình được ăn no mặc ấm, mẹ con tôi cũng không ngoại lệ. Ăn được bữa cơm, bữa cháo thì phải nhịn 2, 3 ngày sau mới được ăn. Nhưng dù có khổ đến mấy, tôi vẫn cho các con đến trường học chữ”.

“Tôi chỉ ước bữa cơm của hai mẹ con không còn đứt bữa” - 1

Bà Thắng đang mày mò vá từng mảnh áo do cô con gái xé rách
 
Người con gái thứ hai của bà là Nguyễn Thị Phong (sinh năm 1961), sau khi học xong lớp 7, thấy hoàn cảnh gia đình khó khăn quá nên chị Phong quyết định vào Nam lập nghiệp. Thời gian sau chị đã lập gia đình và đang sống bên nhà chồng, nhưng cuộc sống cũng rất chật vật. Vì vậy chị không có điều kiện về thăm mẹ và chị gái. 

Nhắc đến người con gái đầu là Nguyễn Thị Tặng (1959), vẻ mặt bà Thắng bỗng trở nên buồn hơn. Bà rầu rỉ: “Tôi không biết con mình đã mắc phải bệnh gì mà bỗng dưng trở nên điên điên dại dại như vậy. Trước kia nó hát hay, múa đẹp và học cũng được lắm. Vậy mà từ ngày nó vào Nam trở về thì người không ra người, ma không ra ma”. 

Sinh ra và lớn lên chị Tặng khỏe mạnh bình thường như bao người khác, chị còn có năng khiếu về hát và múa nên thường xuyên tham gia các chương trình văn nghệ của làng, xã. Chị viết chữ cũng rất đẹp và có ước mơ thi vào ngành kế toán. Tuy nhiên may mắn chưa mỉm cười nên chị tạm rời xa ước mơ.  

Ở nhà làm ruộng với mẹ chăm chỉ nhưng cái đói, cái rét vẫn đeo đẳng quanh năm, chị Tặng quyết định vào Nam lập nghiệp cùng mấy người bạn trong xóm, mong cuộc sống sau này sáng sủa hơn, lúc đó chị mới 25 tuổi. Những tưởng con đi sẽ có tương lai tốt đẹp hơn ở nhà, ai ngờ bất hạnh đột nhiên ập xuống. 

Hai năm sau chị Tặng trở về quê hương với chứng bệnh tâm thần, nói năng lảm nhảm, suốt ngày lang thang ngoài đường rồi nhặt trái cây dại về ăn. Thấy con không bình thường về thần kinh, bà Thắng lo lắng nên vay mượn khắp nơi, rồi nhờ cậy anh em, họ hàng để lấy tiền cho con đi chữa bệnh. Vái tứ phương, nghe ở đâu có thầy thuốc chữa bệnh giỏi là bà Thắng tìm đến, nhưng tất cả đều bất lực. 

“Tôi không biết tại sao con mình lại ra nông nổi này, có người nói em nó bị thất tình nên hóa điên, có người lại bảo bị ma ám hay ai đó bỏ bùa… nhưng không ai biết chính xác con tôi bị bệnh gì. Lúc đi, con tôi còn khỏe mạnh và tỉnh táo lắm, sao ông trời nỡ bắt tội…”, bà Thắng tủi phận.

 

“Tôi chỉ ước bữa cơm của hai mẹ con không còn đứt bữa” - 2

Cứ nhìn thấy người lạ vào nhà, cô con gái Nguyễn Thị Tặng của bà lại bỏ chạy
 
Từ ngày chị Tặng trở về quê với thần kinh không bình thường, cuộc sống của mẹ con bà Thắng càng thêm cơ cực và túng quẩn, bên cạnh đó là những tiếng xì xào của bà con hàng xóm khiến mẹ con bà Thắng dần dần sống tách biệt với mọi người. 

Hàng ngày bà Thắng vẫn ra đồng làm hơn một sào ruộng cấy, ngoài ra không có nguồn thu nhập nào khác. Kiếm được đồng nào, bà dồn hết vào mua thuốc cho con chữa bệnh. Cuộc sống lao lực, lại ăn uống kham khổ, bữa đói bữa no nên sức khỏe bà Thắng yếu đi từng ngày.

Khốn khổ hơn, người con gái bị tâm thần của bà không chịu ngồi một chỗ, chị thường bỏ nhà lang thang khắp nơi, khi về đến nhà là đập phá đồ đạc, xé rách quần áo và chửi bới lung tung. Bà kể: “Cách đây mấy ngày, tôi vừa cấy được vườn rau trước sân nhà rất đẹp, mong sao rau nhanh tốt để mẹ con cải thiện bữa ăn. Ai ngờ khi đi làm về thì vườn rau đã trắng trụi, không còn một cây sống xót, bên cạnh là đứa con gái đang lấy dao thái từng cây rau để chơi. 

Có hôm tôi đi kiếm việc làm thêm ở quanh huyện, khi về nhà thì nồi niu méo mó, cái nằm ở ngoài vườn, cái nằm trong sân, quần áo bị xé rách không xót bộ nào... “. 

Bà Chiến, một người hàng xóm sống gần nhà tâm sự: “Tôi chưa thấy ai khổ như bà Thắng cả, tuổi cao sức yếu nhưng ngày nào bà ấy cũng phải lo từng bữa cơm cho cô con gái bị tâm thần. Đã thế, mỗi lần lên cơn, cô con gái lại cầm gậy đánh đập và đuổi bà ra khỏi nhà, khiến bà phải chạy sang nhà hàng xóm lánh mặt. Ngày còn thanh niên, cô ấy hát hay lắm, không hiểu sao đi miền Nam về lại trở nên thế này”.

 

“Tôi chỉ ước bữa cơm của hai mẹ con không còn đứt bữa” - 3

Gần 80 tuổi, nhưng bà Thắng vẫn phải giặt từng bộ quần áo cho cô con gái hơn 50 tuổi
 
Thấy hoàn cảnh khó khăn, gian nhà đang ở xập xệ quá nên năm 2010, Công ty cổ phần thiết bị vật tư Y tế Thanh Hóa ủng hộ cho mẹ con bà 30 triệu đồng để xây nhà đại đoàn kết, thêm vào đó là sự hỗ trợ của anh em trong họ và địa phương nên ngôi nhà 2 gian được hoàn thành. 

Ở trong ngôi nhà mới vững chắc, mẹ con bà Thắng không còn phải lo cảnh nước ngập đầy nhà mỗi khi có mưa, nhưng cái đói, cái rét vẫn triền miên. Do tuổi cao sức yếu nên bà Thắng không còn làm được công việc đồng áng nặng nhọc, bà đành để ruộng lại cho anh em làm rồi cuối vụ lấy ít lúa về ăn.  

Ông Hoàng Văn Luận, phó chủ tịch UBND xã Thuần Lộc cho hay: “Hiện tại hai mẹ con bà Thắng vẫn đang hưởng chế độ hàng tháng của nhà nước, mùa giáp hạt chúng tôi có hỗ trợ gạo. Tuy nhiên, bà ấy tuổi cao, sức yêu, mắt mờ nhưng phải chăm lo cho cô con gái bị tâm thần, hay phá phách, đốt quần áo nên cuộc sống vẫn khó khăn trăm bề”. 

Nhìn lên đồng hồ, chúng tôi thấy báo hơn 12h trưa nhưng không thấy bà Thắng chuẩn bị nấu cơm ăn, cô con gái nhìn thấy người lạ nên đã bỏ chạy. Trong những giọt nước mắt ngắn dài, bà Thắng nói: “Trong nhà làm gì còn hạt gạo nào đâu, mấy hôm nay phải đi vay hàng xóm về nấu cơm cho con nên giờ không dám phiền họ nữa. Tôi tuổi cao sức yếu, sống chẳng được mấy nổi nên không dám ước, chỉ mong ngày nào cũng có bát cơm nóng để ăn với muối, nước mắm mà không phải chịu cảnh nhịn đói qua ngày là hạnh phúc lắm rồi”.
 
 

 

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

1. Bà Trần Thị Thắng, thôn Yên Thường, xã Thuần Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa.

2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học & Dân trí - Báo điện tử Dân trí.

Ngõ 2 nhà số 48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội (Cạnh cây xăng Kim Mã)

Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490

Email: quynhanai@dantri.com.vn

Bạn đọc ủng hộ qua các tài khoản sau:

* Tài khoản VNĐ tại VietComBank:
Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 045 100 194 4487
Tại: Ngân Hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Thành Công - Hà Nội.

* Tài khoản USD tại VietComBank:
Account Name: Bao Khuyen hoc & Dan tri

Account Number: 045 137 195 6482

Swift Code: BFTVVNVX

Bank Name: THE BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM (VietComBank)

* Tài khoản VNĐ tại VietinBank:
Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 10 201 0000 220 639
Tại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Hoàn Kiếm

* Tài khoản VNĐ tại Ngân hàng Quân đội (MB)

Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 0721100356359

Tại Ngân hàng TMCP Quân đội – Chi nhánh Thái Thịnh - Hà Nội

* Tài khoản USD tại Ngân hàng Quân đội (MB)

Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 0721100357002

Swift Code: MSCBVNVX

Bank Name: MILITARY COMMERCIAL JOINT STOCK BANK -  MCSB ( No.3, Lieu Giai str., Ba Dinh Dist., Hanoi, Vietnam)

3. Văn phòng đại diện của báo:

 VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122

VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725

VP HCM: 40/17/16 Nguyễn Văn Đậu, phường 6 quận Bình Thạnh. Tel: 08. 35107. 331
VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 0710.3.733.269 

 

 

Lan Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm