Mã số 1361:
Tiếng ú ớ cầu cứu của người mẹ nghèo bệnh tim
(Dân trí) -Bị hẹp van hai lá nặng và đã có chỉ định phẫu thuật cách đây hơn 1 năm nhưng số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng chị không thể có nên chấp nhận về nhà. Càng nguy hiểm hơn khi bệnh mỗi ngày một nặng và biến chứng lên não khiến chị không nói được.
Lần theo địa chỉ lá đơn cầu cứu, PV Dân trí có mặt tại thôn An Bình, xã Dân Tiến, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên để thăm gia đình chị Hoàng Thị Thùy. Căn nhà nhỏ rộng chưa đầy 30 m2 nằm cuối con ngõ nhỏ ngoằn nghèo không lấy gì làm bằng phẳng là nơi trú ngụ cho 4 con người tội nghiệp. Gương mặt khắc khổ và cái dáng nằm rệu rã như không còn sức sống, chị Thùy cố gắng ra hiệu mời chúng tôi ngồi bằng những tiếng ú ớ là lạ rồi lại oặt mình tựa vào thành giường vì không còn sức lực. Chạy vội từ ngoài vào để đỡ mẹ, bé Bích (con gái chị Thùy hiện đang học lớp 9) với gương mặt buồn, lo âu cho biết: “Đã 2 năm nay bệnh của mẹ con nặng lên rồi không nói được nữa cô ạ”.
Con bé dứt lời, đôi mắt nó rơm rớm nước nhìn mẹ rồi lại quay sang nhìn chúng tôi như muốn tìm một chỗ an ủi. Chị Thùy thấy như con thế không cầm lòng được nên cố tình quay mặt vào trong mà dấm dứt khóc nhưng những tiếng sụt sùi ấy cũng trở nên đáng thương đến đặc biệt bởi nó như mắc nghẹn ở cổ họng không thoát ra được. Bệnh đã lâu, có lẽ với chị nỗi đau về thể xác giờ không còn là điều đáng bàn nữa mà chị sợ ánh mắt của con, sợ cái nhìn đau đáu và đầy tủi thân bởi mẹ giờ đã không thể cất lời dù chỉ là một tiếng gọi “con ơi”.
Phát hiện bệnh tim bẩm sinh đã lâu nhưng vì hoàn cảnh gia đình nghèo khó khiến chị Thùy cứ lần khất việc lên bệnh viện đã nhiều năm nay. Chồng chị, anh Nguyễn Trọng Lãi – người đàn ông chân chất thật thà và không biết chữ cho hay: “Vợ bị bệnh lâu lắm rồi nhưng nhà không có tiền nên cứ tặc lưỡi kệ vậy. Những lúc đau quá cô ấy thường ôm ngực rồi ngất ra đó mãi mới tỉnh lại được”.
Nghe anh kể, ban đầu tôi đã có ý trách một người đàn ông trụ cột trong gia đình lại để vợ ra đến nông nỗi này nhưng nhìn lại quả thật đến bộ quần áo anh mặc trên người cũng không “ra hồn” với những mảng bạc màu, rách bươm và gương mặt có phần “đờ đẫn” của người không biết chữ nên nỗi băn khoăn kia đã không còn nữa. Có lẽ với anh, yêu thương cũng trở nên bất lực bởi anh không có tiền, không có nghề nghiệp, và đến cả cái chữ cũng không biết nốt nên đành chấp nhận nhìn vợ mỗi ngày một suy sụp và nặng dần lên.
Căn bệnh tim cứ thế đeo bám đến tháng 10/2012 thì đột nhiên chị Thùy phát hiện bị liệt nửa người rồi không nói được nữa. Lúc đó hàng xóm láng giềng mỗi người một ít góp lại cho chị lên bệnh viện Bạch Mai cấp cứu thì được bác sĩ kết luận chị bị nhồi máu não rộng trái, liệt ½ người phải, hẹp van hai lá khít và có chỉ định phải phẫu thuật luôn. Tuy nhiên số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng (chị Thùy hoàn toàn không có bảo hiểm y tế) chị không có được nên hai vợ chồng đành “trốn viện” về nhà từ dạo ấy.
Chấp nhận “phải chết”, hàng ngày chị Thùy chỉ quanh quẩn bên chiếc giường cũ ọp ẹp như sắp gãy với mọi sinh hoạt ăn, uống đều không tự làm được. Nhưng có một tia hi vọng le lói với chị khi cách đây vài ngày chị được bác sĩ ở khoa Tim mạch – Bệnh viện Bạch Mai cho biết nếu thực hiện phẫu thuật sớm, cơ hội sống của chị vẫn còn. Và còn một lí do khiến đôi mắt tưởng chừng chỉ biết chứa đựng nước mắt ấy bắt đầu ánh lên niềm khát sống là còn vì bé Bích. Đứa con gái biết thương và khóc khi mẹ đau nhưng trí tuệ lại không được bình thường và khôn ngoan như bao đứa trẻ khác.
Đôi mắt ậng nước, câu chuyện của chúng tôi cứ diễn ra trong im lặng chen lẫn những tiếng nấc nghẹn đến đắng lòng. Trước mắt tôi chị Thùy vẫn chỉ ú ớ với cánh tay níu chặt như muốn nói điều gì đó nhưng không thể cất lời. Bệnh tật và cái nghèo đeo bám đã khổ nhưng với chị nỗi đau và sự đáng thương, tội nghiệp càng nhân lên gấp bội bởi chị không thể cất lên tiếng cứu cầu hay sự van xin giúp đỡ. Căn nhà nhỏ, trên chiếc giường ọp ẹp như sắp gãy, không biết đến bao giờ những tiếng ú ớ kia mới thành sự thật về một nỗi niềm khát sống để chị có cơ hội được chăm lo cho đứa con khờ dại và đỡ đần người chồng không biết chữ đáng thương.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: 1. Mã số 1361: Anh Nguyễn Trọng Lãi và chị Hoàng Thị Thùy (thôn An Bình, xã Dân Tiến, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) Số ĐT: 0166.299.8644 2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học & Dân trí - Báo điện tử Dân trí. Ngõ 2 nhà số 48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội (Cạnh bến xe Kim Mã) Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490 Email: quynhanai@dantri.com.vn Bạn đọc ủng hộ qua các tài khoản sau: * Tài khoản VNĐ tại VietComBank: * Tài khoản USD tại VietComBank: Account Number: 045 137 195 6482 Swift Code: BFTVVNVX Bank Name: THE BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM (VietComBank) * Tài khoản VNĐ tại VietinBank: * Tài khoản VNĐ tại Ngân hàng Quân đội (MB) Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí Tại Ngân hàng TMCP Quân đội – Chi nhánh Thái Thịnh - Hà Nội * Tài khoản USD tại Ngân hàng Quân đội (MB) Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí Swift Code: MSCBVNVX Bank Name: MILITARY COMMERCIAL JOINT STOCK BANK - MCSB ( No.3, Lieu Giai str., Ba Dinh Dist., Hanoi, Vietnam) 3. Văn phòng đại diện của báo: VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122 VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725 VP HCM: số 39L đường 11 (Miếu Nổi), phường 3, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Tel: 0866786885 VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 0710.3.733.269 |
Phạm Oanh – Hương Hồng