1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Mã số 82:

Tiếng kêu từ nỗi đau của người phụ nữ trên giường bệnh

(Dân trí) - Hơn 30 tuổi mới biết đến hạnh phúc gia đình. Nhưng chỉ vài năm sau, mẹ chị mất, chồng bị tai nạn cũng qua đời. Bản thân chị lại bị căn bệnh tiểu đường hành hạ, đang dần cướp đi đôi chân “kiếm cơm” nuôi sống cả gia đình.

Chúng tôi đang nói đến hoàn cảnh éo le, bế tắc của chị Lê Thị Bích (sinh năm 1971), thôn Hà La, xã Quảng Lĩnh, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa.
 
Theo sự chỉ dẫn của các bác sỹ, chúng tôi tìm đến Khoa Nội A, Bệnh viện Đa khoa huyện Quảng Xương, Thanh Hóa tìm gặp chị Lê Thị Bích. Bên chiếc giường bệnh lạnh lẽo không bóng dáng người chăm sóc, chị Bích thiếp đi với vẻ mặt mệt mỏi, xanh xao như đã kiệt sức. Từng nếp nhăn in hằn trên khuôn mặt khắc khổ như cuộc đời đầy sóng gió của chị.
 
Tiếng kêu từ nỗi đau của người phụ nữ trên giường bệnh - 1
Đôi chân của chị Bích nếu không được điều trị kịp thời sẽ dễ bị biến chứng

Chị Bích xuất thân từ gia đình nông dân nghèo có bốn anh chị em, bố chị đi theo tiếng gọi của miền Nam yêu thương và đã hi sinh ngoài chiến trường. Mẹ chị một mình gồng gánh nuôi các con khôn lớn có gia đình ổn định. Chỉ còn chị và cậu em út bị ảnh hưởng chất độc màu da cam của bố nên sinh ra đã bị ngớ ngẩn, bệnh tật luôn hành hạ.

Vì thương người mẹ già yếu và đứa em bệnh tật, chị đành quên đi hạnh phúc tuổi xuân của mình. Vài năn sau, người em út qua đời do bệnh quá nặng, mẹ già bị cú sốc tinh thần, suy nghĩ nhiều nên ngã bệnh nặng rồi cũng bỏ chị mà đi.

Cuộc đời như sang trang với chị khi chị gặp được anh Đào Văn Quân (sinh năm 1969) ở cái tuổi ngoài 30, và anh chị đã gắn bó tình nghĩa vợ chồng với nhau. Cuộc sống khó khăn, vất vả nên ba năm sau chị mới sinh được cháu Đào Lê Duy Kỳ. Niềm vui, niềm hạnh phúc của đôi vợ chồng muộn được nhặt nhạnh, gói gém từng chút trong cuộc sống đầy sóng gió này.

Niềm vui vợ chồng chưa trọn vẹn, nhưng cuộc sống khó khăn nên anh Quân phải tha phương cầu thực vào Nam kiếm sống với hi vọng cải thiện cuộc sống túng quẫn hiện tại. Từ ngày xa quê vào Nam làm thuê, làm quần quật cả năm nhưng cũng chẳng dư dả đồng nào. Mỗi lần về thăm vợ con, chị Bích phải bán vài tạ lúa kiếm tiền cho anh đi tiếp.

Trăm bề khổ cực nhưng cuộc sống vẫn không buông tha, chị phát hiện thấy mình bị mắc bệnh tiểu đường nhưng sợ chồng con lo lắng nên không chia sẻ với ai. Hàng ngày chị vẫn bồng con nhỏ ra đồng, cho ngồi trên bờ với manh chiếu rách, còn chị cặm cụi cấy lúa, làm cỏ dưới đồng. Hay mỗi lần đi chợ, chị phải bỏ con vào giỏ xe cho con đi cùng bởi không ai trông con giúp chị.

Cuộc sống xa chồng cứ thế trôi đi, bỗng một hôm chị thấy chân mình sưng to, đau nhức, đi lại rất khó khăn. Nghĩ điều kiện túng bí, lại thêm chủ quan nên chị Bích không đi khám mà cứ gắng gượng làm việc nuôi con. Đến khi bệnh phát nặng, chân không đi lại được, đi khám các bác sỹ cho biết chị bị bệnh tiểu đường Tuýp 2 biến chứng sang chân nên chân bị hoại tử nặng, muốn bệnh ngừng phát triển phải cắt nửa chân bị bệnh đi.
 
Tiếng kêu từ nỗi đau của người phụ nữ trên giường bệnh - 2
Chị Bích chỉ mong sao mau khỏi bệnh để nuôi con

Chưa hết choáng váng và đau đớn vì bệnh tật thì bất hạnh lại ập đến với người chồng của chị. Trên đường về quê chăm sóc vợ, anh bị tai nạn và qua đời khi chưa kịp từ biệt vợ con. Như rơi vào tột cùng của nỗi đau, chị Bích ngã quỵ ngay tại bệnh viện.

Bác sĩ Trịnh Văn Tương, Trưởng khoa Nội A, Bệnh viện Đa khoa huyện Quảng Xương cho biết: “Chúng tôi nhận chị Lê Thị Bích từ bệnh viện Việt Đức về trong tình trạng tâm lí hoảng loạn, với một nửa chân phải bị cắt cụt đang còn phù nề, sưng to, đường huyết tăng cao. Chưa tin vào đôi chân bị cụt nên chị hay có biểu hiện bất thường, la hét, đập phá trong bệnh viện. Chúng tôi phải tiêm thuốc an thần chị mới thiếp đi được một lúc. Hiện nay, chúng tôi đang cử người thường xuyên theo dõi tình trạng bệnh tật và tâm lí của chị. Bởi mấy ngày nay, chúng tôi không thấy có người nhà đến chăm sóc. Bệnh này nếu không chăm sóc, điều trị tốt nó sẽ biến chứng sang nhiều dạng nguy hiểm đến tính mạng”.

Nằm 3 tháng tại bệnh viện Việt Đức nhưng không một người thân thích đếm thăm hỏi chăm sóc. Nay chuyển về bệnh viện huyện với một bên chân bị cụt, việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn. Thương cho hoàn cảnh của chị, người nhà của các bênh nhân trong viện người cho bát cơm, người cho hộp sữa, các bác sỹ cũng giúp đỡ rất tận tình.

Hàng ngày, chị phải thường xuyên chống nạng tập luyện cùng sự chỉ dẫn của các bác sĩ, với mong muốn nhanh lành đôi chân để chị tiếp tục đi làm kiếm tiền nuôi con. Đứa con nhỏ chưa tròn bốn tuổi đang phải ở chờ nhà bác khi chị nằm viện.

“Giờ mẹ con em không biết nương tựa vào ai, sống tiếp thế nào khi trong nhà không còn một đồng tiền, không một bát gạo, dành dụm được ít tiền, em dùng hết vào thuốc thang chữa bệnh. Nhiều lúc em không thiết sống nữa, nhưng thương đứa con nhỏ phải chịu cảnh mồ côi cha giờ lại mất mẹ nên... Em chỉ ước đôi chân mình khỏi thật nhanh để tiếp tục đi làm kiếm tiền nuôi con”.

Với 3 sào ruộng, không đồng vốn trong tay, không một nguồn thu nhập nào khác, nay bệnh tật lại cướp đi đôi chân nuôi sống bản thân và đứa con thơ, cuộc sống chị như rơi vào sự túng quẫn, cùng cực. Miếng cơm hàng ngày còn không có, lấy đâu ra thuốc thang bồi bổ.
 

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

 

1. Chị Lê Thị Bích: thôn Hà La, xã Quảng Lĩnh, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa

 

2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học và Dân trí - Báo điện tử Dân trí (Hà Nội)

Số 2/48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội (Cạnh cây xăng Kim Mã)

Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490

Email: quynhanai@dantri.com.vn

 

* Tài khoản VNĐ:

Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí

Số TK: 10 201 0000 220 639

Tại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Hoàn Kiếm

 

* Tài khoản USD:

Tên TK : Báo Khuyến học & Dân trí

Số TK : 045 137 195 6482

SWIFT Code: BFTVVNVX

Bank Name: THE BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM (VietComBank)

 

* Tài khoản VNĐ tại VietComBank:
Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 0451 001 944 487
Tại: Ngân Hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Thành Công

 

3. Văn phòng đại diện của báo:

 

VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122

VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725

VP HCM: 40/17/16 Nguyễn Văn Đậu, phường 6 quận Bình Thạnh. Tel: 08. 35107. 331

VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 071.3.733.269

Lan Anh - Duy Tuyên