1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Cần Thơ:

Thương lắm, mẹ già bệnh nặng đi ăn xin nuôi con nằm liệt giường

(Dân trí) - “Đau quá cô ơi, tôi sắp hết hơi rồi, cô đừng hỏi nữa”. Giọng nói thều thào không thành tiếng của bà cụ Mai Thị Phích (81 tuổi) khi nói với PV Dân trí về thân phận và cuộc đời cơ cực của mình làm tôi bật khóc.

 
Căn phòng ổ chuột chưa đầy 12m2 ở 164/3 khóm 10-khu vực Yên Thượng, quận Cái Răng, là nơi trú ngụ của 4 con người nghèo đói, bất hạnh của hai gia đình, 4 cảnh đời bi đát cưu mang nhau qua cơn đói khát, bệnh tật trong mấy năm ròng.

 

Anh Lê Hoàng Cường quê tận Cà Mau mồ côi cha mẹ năm anh 16 tuổi. Lớn lên trong cảnh côi cút không người thân thích, không ruộng vườn, không nhà cửa. Năm 19 tuổi lấy vợ cứ tưởng mình sẽ có một mái ấm gia đình. Nhưng hạnh phúc không đậu lại với con người bất hạnh này. Khi con lên 3 người vợ không chấp nhận cảnh đời cơ cực đã lạnh lùng rũ bỏ cha con anh đi theo người đàn ông khác. Anh lại cõng con đi theo các chủ tàu đánh cá, câu tôm, làm mướn.

 

Thương lắm, mẹ già bệnh nặng đi ăn xin nuôi con nằm liệt giường - 1

Ở cái tuổi ngoài 80, bệnh tật đau yếu là thế nhưng bà vẫn cố
gắng chăm sóc người con trai mắc bệnh tâm thân nằm liệt giường.
 
Dù nghèo đói nhưng anh hiểu ra rằng nếu cứ lang thang trên sông nước với xuồng ghe thì con mình sẽ thất học.Anh Cường đành bỏ xứ lên tận Cần Thơ làm thợ hồ kiếm sống nuôi con ăn học. Năm học này con anh vào lớp 5, dù không có áo quần đồng phục mới, đôi dép lành như con hàng xóm nhưng anh coi đó là niềm hạnh phúc, niềm an ủi cuộc đời bất hạnh của mình.

 

Trong căn phòng chập hẹp, không có lối chen chân, có một chiếc Honda cà tàng. Thấy tôi chăm chú nhìn chiếc xe anh giải thích: Đó là xe thuê để ban đêm chạy xe ôm, ban ngày có phương tiện để đi làm thợ hồ nơi xa. Mỗi đêm chạy xe ôm anh Cường thu được 10 đến 20 ngàn nhưng phải trả tiền thuê xe hết 15 ngàn.

 

Cuộc sống của cha con anh có thể nói không thể nghèo hơn được nữa nhưng lòng anh thì rộng mở. Gặp hai mẹ con bà già bệnh tật, lưng gầy còm, chân sưng húp, tay run rẩy lại nuôi một người con bị bệnh tâm thần rất nặng, anh Cường đưa về cho ở chung phòng trọ mình đã 3 năm nay.

 

Thương lắm, mẹ già bệnh nặng đi ăn xin nuôi con nằm liệt giường - 2

Bà bật khóc khi kể về cuộc đời mình.
 
Đó là cụ Mai Thị Phích (81 tuổi) thân phận còn cơ cực hơn cuộc đời anh Cường. Bà cụ Phích quê tận Mỹ Xuyên tỉnh Sóc Trăng, sinh 4 người con, chồng chết lúc còn trẻ. Ba đứa con lớn thấy nhà nghèo nên lần lượt bỏ xứ ra đi không trở về. Tôi gạn hỏi tên tuổi từng người con, bà cụ Phích gạt tay lau nước mắt không thể nói thành lời. Bà lục tìm trí nhớ nhưng vì già lẫn không nhớ nổi tên 3 đứa con biệt xứ. Bà nhớ duy nhất tên người con trai út Lê Hoàng Vũ bị bệnh tâm thần nặng từ nhỏ mà bà chăm sóc, nuôi nấng suốt chục năm trời.

 

Anh Vũ (49 tuổi) nằm trong góc phòng tối om gần như bất động, nhưng có thể bất thần vùng lên đập phá bất cứ lúc nào khi cơn đau trỗi dậy. Tôi tìm vào chụp tấm hình khi anh đang ngủ bà Phích can ngăn chỉ sợ Vũ bất thần vùng dậy đánh.

 

80 năm cuộc đời bà Phích gần như vắt kiệt sức mình làm lụng, chăm sóc người con tâm thần. Giờ đây, lưng còng cúi gập sát đất, hai bàn tay teo tóp, chân sưng phù, những cơn đau tim hành hạ bà suốt ngày đêm.

 

Thương lắm, mẹ già bệnh nặng đi ăn xin nuôi con nằm liệt giường - 3

Anh Cường, dù bất hạnh và khó khăn, nhưng vẫn tự nguyện
cho mẹ con bà Phích về ở chung phòng trọ hơn 3 năm nay.
 
Nhiều khi bà muốn chết đi cho thoát cảnh đời cơ cực nhưng nhìn thấy đứa con đang chống chọi từng ngày qua cơn đói khát, bệnh tật bà không nỡ dứt áo ra đi, lại âm thầm khóc, lại lom khom đi tới từng nhà xin cơm, cháo cho hai mẹ con qua ngày.

 

Dù anh Nguyễn Hoàng Cường đã rộng lòng cưu mang mẹ con bà Phích nhưng tiền công mỗi ngày làm thợ hồ của anh làm sao trang trải từ tiền thuê nhà trọ, tiền ăn uống, thuốc men, học hành cho con... Chính anh Cường cũng tự hỏi cuộc sống của mình và mẹ con bà Phích rồi sẽ ra sao khi chính anh không nhà cửa, không nghề nghiệp, không đồng xu dính túi!

 

Bà cụ Phích và anh Nguyễn Hoàng Cường đang rất cần những tấm lòng nhân ái của cộng đồng để vượt qua hiểm nghèo.
 

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

 

1. Bà Mai Thị Phích và anh Nguyễn Hoàng Cường - 164/3 khóm 10-khu vực Yên Thượng, quận Cái Răng, Cần Thơ.

2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học và Dân trí - Báo điện tử Dân trí (Hà Nội)

Số 2/48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội
Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490 
Email:
quynhanai@dantri.com.vn

* Tài khoản VNĐ:

Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí

Số TK: 10 201 0000 220 639

Tại: Chi nhánh Ngân hàng Công thương Hoàn Kiếm Hà Nội


* Tài khoản USD:

Tên TK : Báo Khuyến học & Dân trí

Số TK : 10 202 0000 004346

Switch Code : ICBVVNVX106 639

Tại : Sở Giao dịch I – Ngân hàng Công thương Việt Nam

3. Văn phòng đại diện của báo:

VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122

VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725


VP HCM: 40/17/16 Nguyễn Văn Đậu, phường 6 quận Bình Thạnh. Tel: 08. 35107. 331


VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 071.3.733.269

 

                                                                                                                        Phạm Tâm