1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Quỹ Nhân ái trao nóng 5 triệu đồng đến với cậu bé mồ côi không có Tết

(Dân trí) - Không cha, không mẹ cái Tết càng xa vời vợi với cuộc sống đã vốn nghèo túng của cậu bé Hồ Phi Ước. Trước hoàn cảnh đáng thương của Ước, nhà báo Phạm Huy Hoàn - TBT báo điện tử Dân trí đã quyết định trao nóng 5 triệu đồng hỗ trợ em đón Tết.

Chiều ngày 17/2, nhà báo Duy Thảo - trưởng đại diện báo Dân trí khu vực Bắc miền Trung đã trao số tiền 5 triệu đồng được trích nóng từ Quỹ Nhân ái để hỗ trợ em Hồ Phi Ước.

Ngôi nhà của em Hồ Phi Ước nằm lọt giữa vùng cát trắng của xóm Đông Văn, xã Thạch Văn (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh). Hỏi đường vào nhà Ước, từ đầu xóm ai cũng rõ. Ước vốn là đứa trẻ chỉ mang họ mẹ. Thế nhưng mẹ em cũng vừa qua đời khi cái Tết chỉ còn cách 2 tháng. Vậy là, Ước bỗng trở thành đứa trẻ mồ côi.

Chúng tôi đến thăm nhà em khi chỉ còn 2 ngày nữa là Tết. Ngôi nhà vẻn vẹn chưa đầy 12 mét vuông đất là nơi trú ngụ của mẹ con Ước bao năm qua. Nó là vốn hiu quạnh vì thiếu bóng người cha nay cạnh quạnh quẽ hơn. Trên bàn thơ nghi ngút khói hương chỉ độc nải chuối nhỏ. Có lẽ cái Tết của cậu bé mồ côi này chỉ như vậy thôi. “Ngày kia là Tết rồi nhưng trong nhà cháu chưa có gì cả”, Ước tâm sự.

Từ ngày mẹ mất, cứ 4h sáng Ước thức dậy sửa soạn làm cơm thắp hương cho mẹ rồi mới đến trường
Từ ngày mẹ mất, cứ 4h sáng Ước thức dậy sửa soạn làm cơm thắp hương cho mẹ rồi mới đến trường

Ngoài giá sách nặng trĩu, trong nhà em cũng chẳng có gì đáng giá. Bàn thờ mẹ là chiếc bàn nhựa dùng để uống nước hàng ngày. Nhà cũng chẳng đủ lấy 3 chiếc ghế nhựa để mời khách ngồi. Khi những đứa trẻ trong làng xúng xính nào áo, quần mới, trên người em chỉ mặc chiếc quần cộc và chiếc áo ấm được mẹ mua cho từ 2 năm trước. Lớp giả da đã bong tróc nhưng đó là chiếc áo ấm nhất của Ước. Ước cũng không buồn để ý mấy chuyện ấy, mẹ mất, cái Tết của em cũng chẳng còn nữa.

Khi chúng tôi hỏi chuyện về mẹ, ánh mắt em rưng rưng, nỗi đau chưa thể nguôi ngoai trong đôi mắt cậu bé lớp 8. Chúng tôi hình dung cuộc sống hiện tại của em qua những câu nói ngắt đoạn và lời kể của người cậu ruột. Ngày ngày, Ước đi học về lủi thủi một mình trong nhà. Em tự nấu ăn, giặt giũ quần áo, quét dọn nhà cửa. 4h sáng, Ước đã tự dậy sửa soạn nấu cơm thắp hương cho mẹ rồi mới đi học. 2 tháng qua ngày nào cũng vậy.

“Khi mẹ còn đau yếu, Ước thường nói lúc sống hai mẹ con ở như thế nào thì khi mẹ mất rồi Ước cũng ở vậy. Hằng ngày, các cậu mự thường xuyên sang xem cháu ăn uống thế nào. Đời sống các cậu còn khó khăn nên cũng chỉ có thể góp chút gạo, chút thịt cho cháu hằng ngày”, anh Hồ Phi Nhã - cậu ruột của Ước cho hay.

Cuộc sống éo le nhưng Ước luôn nỗ lực vươn lên trong học tập
Cuộc sống éo le nhưng Ước luôn nỗ lực vươn lên trong học tập

Cuộc sống bất hạnh cứ nỗi tiếp, nhưng nghị lực của Ước thật đáng nể phục. Vừa chăm mẹ ốm, vừa làm hết việc nhà nhưng năm học nào Ước cũng là học sinh khá giỏi. Học kỳ vừa rồi, Ước cũng vừa được danh hiệu học sinh tiên tiến. Ước dự định sẽ học thật giỏi để trở thành một chiến sỹ công an bảo vệ  Tổ quốc. Có lẽ ở một nơi nào đó, chị Hồ Thị Mông cũng rất tự hào về cậu con trai của mình.

Cuộc sống éo le nhưng Ước luôn nỗ lực vươn lên trong học tập
Thừa ủy quyền của nhà báo Phạm Huy Hoàn - Tổng biên tập báo Dân trí, nhà báo Duy Thảo đã trao số tiền 5 triệu đồng đến em Hồ Phi Ước

Ước cũng cho biết, ngay sau khi hoàn cảnh của em Hồ Phi Ước - nhân vật trong bài viết “Xót xa cậu học trò mồ côi không có tết” được đăng tải, đã nhận được sự quan tâm của rất nhiều bạn đọc.

Đón nhận món quà từ báo Dân trí, anh Hồ Phi Nhã đã thay mặt gia đình, gửi lời cảm ơn chân thành đến sự quan tâm của báo.

Phượng Vũ