1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Quà tết Nhân ái đến với Huế

(Dân trí) - Người mà chúng tôi tìm đến đầu tiên để trao quà của Quỹ nhân ái là chị Lê Thị Lan. Khi hỏi số nhà của chị theo địa chỉ một bài viết đã đăng thì hầu như không ai ở đó biết nhưng hỏi chị Lê Thị Lan, hay Lan “gù” thì ai cũng biết.

Quà tết Nhân ái đến với Huế - 1

Trao quà cho chị Lê Thị Lan.

Có lẽ, khó ai có thể hình dung giữa lòng thành phố mà lại có một căn nhà bé đến như vậy, bé đến nỗi mà cánh cửa nhà chỉ luôn mở được một phần ba, nghĩa là chỉ mở được đủ cho chị lách người để vào “cái gọi là nhà” của mình, bởi vì với chiều rộng 2 mét và chiều dài khoảng 2,5 mét, nhà của chị chỉ vừa đủ kê một chiếc giường.

Chị ngậm ngùi nói với chúng tôi: “Thì biết làm sao được. Cứ lo kiếm miếng ăn hàng ngày đã, chứ có được một chỗ ngủ đã tốt lắm rồi”.

Chúng tôi cũng không biết nói gì hơn ngoài lời chúc chị sức khỏe, và cũng thầm mong có nhiều tấm lòng nhân ái hơn nữa đến với chị, để chúng tôi lại có những lần ghé thăm với số tiền là 800.000 đồng.

Quà tết Nhân ái đến với Huế - 2

Trao quà cho gia đình em Lê Thi.

Tại xóm vạn đò nằm cạnh chân cầu Vỹ Dạ, chúng tôi không gặp được Lê Thi, vì em đang bận đi làm tối mịt mới về. Người tiếp chúng tôi là chị Hoa, người o (cô) của những đứa trẻ.

Chị Hoa cho biết: “Cận tết rồi mà Lê Thi và Lê Vân vẫn cố gắng đi làm thêm để tranh thủ kiếm tiền để chăm em Tiến. Tối mịt mới về, mệt bao nhiêu thì mệt nhưng vẫn ngồi xoa bóp chân tay cho em”.

Khi tôi hỏi đã chuẩn bị gì cho tết chưa, thì chị Hoa chỉ cười, rồi nói khẽ: “Thôi thì có gì thì lo nấy chứ biết làm sao. Có lẽ ngày 30 tết mới xem mua được gì…”.

Món quà tết mà báo Dân trí tặng cho gia đình Thi tuy chưa phải là lớn nhưng chúng tôi mong góp thêm một chút hoa trái, bánh kẹo cho mùa xuân ấm áp. Và chúng tôi mong Thi và gia đình sẽ vươn lên trong cuộc sống.

Quà tết Nhân ái đến với Huế - 3

Trao quà cho cháu Yên.

Ở gần nhà của Lê Thi, gia đình bác Trần Văn Thuận cũng được chúng tôi ghé thăm, tặng quà. Điều chúng tôi bất ngờ là bác Thuận không phải là “lạ” đối với chúng tôi vì bác Thuận chính là người quét rác ở Bưu điện trung tâm, nơi mà chúng tôi thường ghé như cơm bữa.

Bà Hợi, vợ của bác Thuận cho biết: “Thôi thì trời cho sao chịu vậy. Nhưng được cái thằng cháu thông minh, nhanh nhẹn lắm”. Vừa nói, bà vừa chỉ cho chúng tôi những tấm bằng khen khá giỏi mà cháu Trần Tịnh Yên đã đạt được từ lớp 1 đến nay…

Quà tết Nhân ái đến với Huế - 4

Trao quà cho Nguyễn Văn Sửu.

Chúng tôi gặp Nguyễn Văn Sửu khi em vừa đi làm về. Vì thời gian không đủ để ngồi lâu, chúng tôi vội trao quà cùng lời chúc em và gia đình vượt qua hoàn cảnh để có thể nhận thêm nhiều sự quan tâm của những tấm lòng nhân ái, của chính quyền mà trước mắt là để có được một mảnh đất dựng nhà, bởi như người ta nói, có “an cư” thì mới có “lạc nghiệp”.

Một địa chỉ nữa mà chúng tôi đến là ở xã Thủy Bằng (huyện Hương Thủy). Cùng một đồng nghiệp cũ tại Đài truyền thanh huyện, chúng tôi đã lên chùa Đức Sơn, nơi từ lâu đã trở thành một câu chuyện cổ tích giữa đời thường với những tấm lòng bao dung độ lượng đã nuôi dạy hàng trăm cháu nhỏ mồ côi, tàn tật… nên người.

Quà tết Nhân ái đến với Huế - 5

Trao quà tại chùa Đức Sơn.

Chúng tôi đang muốn nói đến sư cô Minh Đức, Minh Tú và tập thể các ni sư khác ở chùa. Có một điều chúng tôi muốn nói nữa, là khi bài viết về chùa Đức Sơn đăng trên Dân trí ngày 5/1/2009 có nói đến ở thời điểm đó trong chùa có tất cả 196 em.

Thế nhưng vào ngày chúng tôi đi trao quà tết, thì tổng số trẻ ở chùa cũng đã “kịp” tăng thêm 2 người nữa. Và 1 trong 2 đứa trẻ đó là một bé gái mới sinh bị bỏ lại trước cửa chùa cách đây khoảng 20 ngày.

Sư cô Minh Tú hồ hởi nói một cách chân tình: “Quà tết của quý báo, của các anh chị cả nước đến với chùa lúc này thật là quý, bởi vì sư cô sẽ mua thêm được ít nhất là 20 đôi giày cho các em”.

Lê Tấn Quỳnh