Quà nhân ái đến với các cháu nhỏ chùa Quan Châu

(Dân trí) - Cảm thương trước số phận côi cút bất hạnh đang nương nhờ cửa chùa Quan Châu - Đà Nẵng, nhiều tấm lòng hảo tâm đã gửi về đây những món quà thiết thực giúp các em. Đây là lần thứ “n”, báo Dân trí mang đến cho các bé tấm lòng bạn đọc.

Quà nhân ái đến với các cháu nhỏ chùa Quan Châu - 1
Sư cô Minh Tịch cùng các cháu nhỏ chùa Quan Châu đón nhận 3 tạ gạo của bạn đọc Judy Thái giúp đỡ.

Lần này chúng tôi đến trao số quà gần 3 tạ gạo (trị giá 3.558.000đ) của Judy Thái - một bạn đọc báo Dân trí gửi tặng các cháu nhỏ của chùa. “Với số gạo này, các cháu nhỏ mồ côi ở chùa Quan Châu có thể ăn trong một tháng”, sư Minh Tịnh cho biết.

Đến thăm chùa Quan Châu, gặp sư cô Minh Tịnh vào một buổi chiều tháng 6, cũng là lúc mùa chay tịnh của nhà Phật bắt đầu lần chuỗi hạt. Nhìn tụi trẻ cả mấy chục đứa ngây ngô, lớn có, nhỏ có, chập chững tập đi hay ở tuổi bồng tuổi bế đều đủ cả. Chúng tôi thầm cảm phục tình yêu bao la, đức độ của Sư cô dành cho các cháu.

Mấy đứa trẻ tóc để chỏm, cổ đeo chuỗi hạt chạy ra đón chúng tôi tít từ ngoài cổng. Những đứa trẻ lớn lên từ chốn cửa thiền, chào khách cũng có khác. Cho cái gì các em cũng chắp tay lạy, cúi đầu thật thấp rồi vái “Nam mô”.

Trẻ thơ nhà phật, sau nụ cười rạng rỡ, theo sát mỗi cái nhìn của chúng nghe lặng lẽ, ẩn một nỗi buồn khó tả. Nỗi buồn chỉ có ở những nơi thường vọng lại tiếng gõ mõ khua kinh.

Dấu chấm hỏi giữa cuộc đời

Trong 32 đứa trẻ ở chùa, nhiều em không có một chút hồi ức về ba mẹ, anh em của mình bởi phận đời đã vội gửi chúng sau lớp tã quấn vội ở gốc đa. Những đứa trẻ sớm nương nhờ nơi cửa phật lớn lên chỉ biết gia đình mình chính là ngôi chùa này, chúng cùng gọi sư Minh Tịnh lúc là “Sư”, lúc lại gọi là “Mẹ”…

Tổ ấm trong ý niệm của chúng là quanh quẩn nơi gốc đa nhà chùa, là tiếng tụng kinh gõ mõ. Nghe buồn và dài như chính cái lai lịch của mỗi đứa mà sư cô góp nhặt về.

Có đứa bị bỏ rơi ngoài cổng chùa từ lúc đỏ hỏn quấn bọc vải áo như bé Nguyễn Thị Phước Thuận chỉ vừa lọt lòng mẹ chưa đầy 4 giờ đồng hồ. Đứa mất cha, đứa mồ côi mẹ trường hợp bé Nguyễn Thị Ngân - 10 tuổi.

Bé Nguyễn Phước Mơ là đứa trẻ ngoài giã thú, do không muốn có bé trên đời, người mẹ ấy đã dùng thuốc phá thai khi em còn là giọt máu nên khi sinh ra bé Mơ đã bị thần kinh não, khô phổi. Sư cô mang về nhận nuôi, chăm bẵm, làm tờ giấy khai sinh, đặt cho một cái tên để gọi lên giữa cuộc đời.

Mỗi cái tên là một niềm tâm ước của sư cô gửi gắm, mong cuộc đời chúng bình lặng và thuần phước hơn: Phước Huy, Phước Thuận, Phước Hiền… Và cái để nhận “dòng” thì lấy theo họ Nguyễn của sư cô.

Ở chùa, mọi sinh hoạt đều theo tiếng mõ, sư cô tự tay đo đạc, may tấm áo tràng, áo dạt hò cho mỗi đứa. Thương tụi trẻ vừa biết nói đã khuyết tiếng gọi ba, gọi mẹ, sư cô đem đạo đời hóa giải yêu thương để bù đắp cho mỗi mảnh đời bé nhỏ bất hạnh ấy.

“Bị bỏ rơi, ai nuôi cũng được. Quan trọng là đạo đức, phải hướng thiện cho các cháu”, Sư cô Minh Tịnh tâm sự.

Đón tuổi hồng chốn cửa thiền

“Nam mô a di đà phật, nam mô bổn sư thích ca mâu ni phật…”, 32 mái đầu chỏm còn vắt một vỏm tóc dài ra sau tai, chắp tay ngồi xếp bằng. Chấm dứt 3 lần niệm phật nam mô rồi cúi lạy, buổi tiệc sinh nhật của mấy đứa trẻ bị bỏ rơi chùa Quan Châu thường bắt đầu như thế…

Sư cô chỉ đủ tiền mua chiếc bánh ga-tô nho nhỏ cho đúng nghĩa của một buổi sinh nhật ghi nhớ mỗi một tuổi hồng với các con, còn lại quà bánh của bữa tiệc là trái cây, bánh trái xin hạ từ trên bàn thờ phật xuống.

Khả năng của sư cô chỉ có thế, mấy đứa trẻ ngồi chụm đầu vào nhau, vỗ tay mừng tuổi mới. Văn nghệ đệm thêm cho bữa tiệc toàn là những bài hát nhà chùa. Từng chỏm đầu trắng nõn ngồi xếp bằng, ê a ngọng ngịu.

Từ đó đến nay, đã mấy năm trôi qua theo từng mùa kinh kệ. Chẳng biết bao nhiêu cái sinh nhật trôi qua, sư cô ngồi đếm tuổi cho các con bằng hồi ức từng đứa một cô “nhặt về” trong hoàn cảnh nào.

Bé Phước Thuận - Sư nhớ mãi, lúc đang tụng kinh trong đạo tràng thì nghe tiếng khóc ngất. Người ta bỏ lại em trong buổi tối mưa phùn, bọc mảnh áo của bà mẹ vừa đau đẻ cách đó chừng hơn 4 giờ đồng hồ, bế em đặt dưới nền sân, dưới lưng còn lót lớp giấy vệ sinh đã bắt đầu thấm nước.

Lúc bồng lên cởi đồ thay cho em, sư rùng mình kịp phát hiện ra rốn bé chỉ được cột vội bằng sợi dây thun một cách vụng về. Còn ngày bé Phước Ngân khi vào chùa, bị còi xương, tóc không có lấy một cọng loe hoe. Sư phải bán lúa từ 2 sào ruộng ít ỏi làm được lấy tiền mua sữa cho bé.

Theo từng mùa an cư, những đứa trẻ nơi cửa thiền lớn lên, đã biết tự giặt tấm áo lam, thuộc lòng tiếng kinh, đút cho em nhỏ hơn từng thìa cháo nấm.

Thi thoảng, mỗi sớm sau buổi thiền, cầm chổi quét lá đa sân chùa, sư lại nhận thêm một sinh linh nhỏ bé vô tội nằm đó, chỉ còn  biết cất tiếng khóc thét để giành lấy sự sống giữa đời. Đắng lòng thương cho một mảnh đời, một tâm cảnh. Song, nuôi dạy các cháu “Nam mô a di đà phật, cầu mong cho các cháu, không đứa nào phải bỏ học giữa chừng…”, Sư khấn lần hạt, mãi một tâm nguyện thầm cầu mong.

Công Bính - Đỗ Lan

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm