(Dân trí) - Ông Hà Văn Chương ở bản Co Cài, xã Tô Múa (Vân Hồ, Sơn La) tuổi gần 80, dốc sức chăn trâu, cắt cỏ thuê để nuôi vợ thường xuyên đau ốm và người em trai tâm thần.
Ông cụ gần 80 tuổi nhọc nhằn mưu sinh, nuôi em trai tâm thần và vợ ốm yếu
Từ trung tâm huyện Vân Hồ, chúng tôi chạy xe theo con đường độc đạo chừng 30 cây số để đến xã Tô Múa. Địa bàn xã nằm trọn trong thung lũng xanh ngát những nương ngô, đồi chè.
Ông Đinh Biện Luận, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Vân Hồ là người dẫn đường chia sẻ với chúng tôi Co Cài là bản 100% đồng bào người Thái. Đường đi vào Co Cài quanh co, khúc khủyu và trùng trùng mây, núi.
Trước mắt chúng tôi, căn nhà tồi tàn, tạm bợ, nằm xiêu vẹo, thấp lè tè được quây phên tre, nứa và lợp mái pro xi măng. Trong căn nhà ấy, có ba người già yếu, ốm đau, bệnh tật là ông Hà Văn Chương (SN 1947), bà Lường Thị Hợn (SN 1956), ông Hà Văn Tói (SN 1954).
Ông Chương là chủ hộ, là chồng của bà Hợn và là anh ruột của ông Tói. Bà Hợn nói rằng, ông Tói tâm thần, còn bà thì nhiều năm nay không làm được việc gì nặng. Vì vậy, mọi việc chủ yếu trông vào ông Chương.
Theo Giấy xác nhận khuyết tật do UBND xã Tô Múa cấp ngày 25/12/2014, có ghi rõ, ông Hà Văn Tói bị "thần kinh, tâm thần". Hiện tại, mỗi tháng ông Tói được nhận trợ cấp 720.000 đồng và ông Chương nhận được 360.000 đồng cho người nuôi dưỡng.
Ông Chương không nhớ chính xác đã nuôi ông Tói từ bao giờ, chỉ nhớ từ ngày cha mẹ mất là ông đã cưu mang người em khờ dại này rồi.
Mỗi lần ngồi hoặc đứng cạnh ông Chương thì ông Tói lại đưa ánh mắt ngơ ngác, khờ khạo như một đứa bé thích được làm nũng. Dường như hiểu được ý của người em, ông Chương lại nhìn ông Tói một cách trìu mến, xen lẫn sự cảm thông. Hình ảnh đó lặp đi lặp lại nhiều lần, khiến chúng tôi thực sự xúc động và cảm nhận được sự ấm áp từ tình thân của họ.
Ông Chương vừa nặng tai, lại không thạo tiếng phổ thông nên bộc bạch ngắc ngứ với chúng tôi bằng vốn tiếng Việt rất bập bõm rằng:
"Cứ thêm một ngày lại thấy yếu đi, nhưng giờ nếu không làm thì không biết lấy gì nuôi vợ và nuôi em trai. Bây giờ tôi nhận giữ trâu và cắt cỏ thuê, cứ cố được ngày nào hay ngày ấy."
Nói về điều mong mỏi nhất, vợ chồng ông Chương rất muốn được hỗ trợ làm căn nhà nhỏ đủ cho ba người ở. Vì "nhà này được dựng hơn 20 năm rồi, giờ dột nát quá, hễ mưa là chúng tôi lại lọ mọ dậy che chắn, hứng nước mưa và ngồi chờ tạnh mới dám nằm", bà Hợn chia sẻ.
Tài sản quý nhất là hai bộ áo quan
Trong những ngày làm việc tại Sơn La, chúng tôi có hai buổi đến thăm gia đình ông Chương. Ngày 28/6, bà Hợn vừa khỏi ốm, mọi phản xạ của bà còn rất chậm nhưng đã có thể dậy vo gạo, đun được nồi cơm cho chồng và em chồng.
Ông Đinh Biện Luận, Chủ tịch Hội cựu chiến binh huyện Vân Hồ bày tỏ sự xót xa, trăn trở khi nói về hoàn cảnh của gia đình này: "Dù đã hết tuổi lao động nhưng hiện nay ông Chương vẫn đang còng lưng gánh vác cả gia đình. Cứ lúc nào trời mưa là tôi lại nhớ đến ông Chương, lại lo không biết ba người già sẽ xoay xở như thế nào. Cuộc sống của họ quá khó khăn, tài sản không có gì giá trị. Quần áo, chăn màn thì chủ yếu là hàng xóm cho."
Quả thực, trong căn nhà chừng hơn 15m2 chẳng có tài sản gì đáng giá. Một bên kê vừa đủ chiếc giường đơn và chiếc giường đôi, rồi chất lên đó cơ man nào là quần áo, chăn màn đã quá cũ kỹ; một bên để xoong, nồi, xô, chậu để hứng nước mưa.
Bà Hợn chia sẻ, gia đình không có giếng nên nước phải đi xin, xách từng xô nước để nấu ăn. Nước mưa hứng trong nhà cũng lấy làm nước sinh hoạt.
Bên cạnh giường của vợ chồng ông Chương là vài tấm ván gỗ. Ông lão khốn khổ nói rằng, đó là tài sản quý nhất đối với gia đình ông lúc này.
"Đấy là hai bộ áo quan được mua từ số tiền mà hai vợ chồng chăn trâu, cắt cỏ thuê, dành dụm bao nhiêu năm trời đấy. Nhà có ba người già nhưng mới mua được có hai bộ thôi, còn thiếu một bộ nữa.
Cứ lo dần, ai đi trước thì dùng trước. Bây giờ phải lo từng bữa ăn rồi thuốc thang nữa. Có những lúc túng quẫn, tôi cũng nghĩ tới việc đem bán để lấy tiền đong gạo", ông Chương nói.
"Để có thể lo cho vợ và em trai tiền thuốc, tiền ăn tôi đã phải bán hết đất nương và vay mượn anh em họ hàng. Hiện tại, sức khỏe của tôi rất kém, không thể chủ động lo cho vợ và người em trai. Chúng tôi rất mong được mọi người giúp đỡ làm lại nhà để yên tâm sinh sống."
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Hà Văn Thuần, Chủ tịch UBND xã Tô Múa bày tỏ mong muốn nhận được sự quan tâm, ủng hộ từ bạn đọc báo Dân trí, đặc biệt là có thể ưu tiên hỗ trợ làm được căn nhà để ông Chương cùng vợ và người em trai khờ khạo có nơi trú ngụ kiên cố, tránh gió mưa.