1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

TPHCM:

Ông già mù gánh vợ bệnh và con bại não

(Dân trí) - Một cây gậy, một xấp vé số, hơn 20 năm ông Phương dò dẫm qua những con phố quen thuộc. Đôi chân sưng phù nặng trịch, bầm tím của ông lê từng bước khó nhọc vì trách nhiệm của một người chồng, người cha.

 
Ông già mù gánh vợ bệnh và con bại não - 1

Ông Nguyễn Văn Phương bên người con gái bại não.
 
Từ thuở cha sinh mẹ đẻ, cả nhà tôi lênh đênh trên ghe bán vài thứ nhu yếu phẩm làm kế sinh nhai. Rồi hai ông bà mất đi để lại tôi côi cút một mình, tôi bèn bán ghe, lên bờ thuê một chỗ trọ. Tiền bán ghe đủ mua một chiếc xe ba gác để đi bán muối dạo.

Nhờ bán muối mà tôi gặp bà ấy. Chúng tôi về ở với nhau không có đám cưới và hôn thú. Ông bà mình có câu “ma không thương người ốm, kẻ trộm không thương người nghèo”, chiếc xe ba gác của tôi đêm khuya bị người ta lấy mất. Sau đó, tôi đi làm mướn, chẳng may cuốc phải mìn nên bị mù và biến dạng tay trái. Lúc đó khoảng năm 1982 - 1983, từ đó tôi làm nghề bán vé số dạo.

Rồi các con tôi ra đời. Đứa con gái lớn sinh năm 1984, đã đi lấy chồng ở Tây Ninh. Nhưng ở bên chồng khổ quá, nó bụng mang dạ chửa dắt con trở về đây chờ ngày sinh nở. Thương nhất là đứa thứ hai, bị bại não từ khi lọt lòng. Năm nay nó 15 tuổi rồi mà chỉ nằm một chỗ cười vu vơ. Còn hai đứa út đang học lớp 4 được nhà trường miễn học phí, vợ chồng tôi cũng nhẹ gánh phần nào.

Tôi bán vé số mỗi ngày kiếm được từ 20 đến 50 ngàn. Bà ấy phải chăm lo con bé liệt, không đi làm được nên kê cái bàn bán nước ngọt, bánh tráng. Bán trong hẻm cụt ít người mua nhưng cũng có ngày được hơn 10 ngàn tiền lời. Rồi nhờ có bà con chòm xóm giúp đỡ thêm thì cũng đủ ăn.

Năm nay tôi 60 tuổi rồi, đã là ông ngoại nhưng vẫn “dạ, thưa” với người đáng tuổi con cháu mình. Thôi thì nghề nào cũng có cái khó của nghề đó, họ mua giúp là mừng rồi. Sợ nhất là họ cầm xấp vé rồi phóng xe đi mất. Cũng may là cả năm chỉ có 1 - 2 lần như vậy. Tôi đi đến đại lý ở quận 1 bằng xe buýt. Tuy có phiếu miễn phí nhưng nhiều khi không lên được xe. Tôi đứng đúng ngay trạm, xe lại dừng cách tôi cả chục mét. Khi tôi quờ quạng tới nơi thì xe chạy mất rồi. Có lẽ là xe quá chật chứ không phải lòng người hẹp. Những lần đó tôi mò tới tận bến xe cho chắc.

Đi bán đôi khi cũng có chuyện vui. Mấy bà mấy cô cho quần áo cũ, bảo tôi đem về cho vợ. Vợ tôi may may, sửa sửa cho vừa vặn. Tôi hỏi: “Đẹp không?”, lúc nào bà ấy cũng cười: “Đẹp lắm!”. Tội nghiệp bà ấy, từ khi vấp té tới giờ, đầu óc trở nên lẩn thẩn nên hay bị tôi la rầy. Tiền ăn, tiền thuê nhà, tiền tã cho con bé liệt lúc nào cũng là trên hết nên lâu lắm rồi bà ấy không có được tấm áo mới.

Ngày nào bán được kha khá, tôi giữ cho mình một tấm vé 5 ngàn. Biết tôi dò vé số, anh hàng xóm hay nói đùa: “Ông bây giờ không cần nhà lầu xe hơi nữa đâu, chỉ cần khỏi ở nhà thuê là tốt lắm rồi”. Ngôi nhà là ước mơ quá lớn đối với những người không có tấc đất cắm dùi như chúng tôi, chỉ mong sao có được số vốn khoảng 20 triệu để chuyển qua nghề khác. Bởi vì gần đây tôi xuống sức lắm rồi, thân già nhiều bệnh, e là đi bán không được bao lâu nữa.
 

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

 

1. Ông Nguyễn Văn Phương: 243A/68/3C Hoàng Diệu, phường 8, quận 4, TPHCM.

2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học và Dân trí - Báo điện tử Dân trí (Hà Nội)

Số 2/48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội (Cạnh cây xăng Kim Mã)
Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490 
Email:
quynhanai@dantri.com.vn

* Tài khoản VNĐ:

Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí

Số TK: 10 201 0000 220 639

Tại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Hoàn Kiếm


* Tài khoản USD:

Tên TK : Báo Khuyến học & Dân trí

Số TK : 10 202 0000 004346

SWIFT Code: ICBVVNVX106

Tại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương thành phố Hà Nội

3. Văn phòng đại diện của báo:

VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122

VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725


VP HCM: 40/17/16 Nguyễn Văn Đậu, phường 6 quận Bình Thạnh. Tel: 08. 35107. 331


VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 071.3.733.269

Cẩm Tú
(Dựa theo lời kể của ông Nguyễn Văn Phương)