1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Mã số 136:

Nước mắt tủi phận của mẹ già nuôi 3 con tàn tật

(Dân trí) - “Giờ tôi đang khỏe, đang kiếm được miếng ăn cho chúng nó. Còn nay mai, khi đôi chân của tôi ốm yếu không đi lại được không biết mấy đứa con tàn tật sống ra sao? Ai nuôi chúng khi cả 3 đứa đều bị tàn tật nằm một chỗ".

Chúng tôi tìm đến nhà bà Ngô Thị Cổn, tổ 7, thị trấn Thiên Cầm, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh vào một ngày đông, trời rét căm căm. Ngôi nhà ngói 3 gian dột nát nằm trong hẻm trông u uất, là nơi trú ẩn của những mảnh đời khổ tâm, bất hạnh.
 
Nước mắt tủi phận của mẹ già nuôi 3 con tàn tật - 1
 Bao năm qua và cho đến những ngày cuối cuộc đời này,  tấm thân của bà Cổn chưa một lần được nghỉ ngơi.
 
Bước vào ngôi nhà thấy mấy tấm thân tật nguyền, co ro trong giá rét mà xót thương. 80 tuổi, bà Cổn là người lành lặn nhất. Bà tiếp chúng tôi trong nước mắt của sự tủi phận, khổ đau vì cuộc sống đầy bất hạnh. Lấy chồng sinh một mạch 10 đứa con thì chồng mất. Suốt năm tháng trôi qua một mình bà phải lặn lội đi vay, đi xin khắp nơi tìm kiếm miếng ăn cho cả gia đình.
 
Cuộc sống khó khăn bà Cổn chỉ mong sao năm tháng trôi qua để con bà trưởng thành và tự kiếm công ăn việc làm cho gia đình đỡ vất vả. Lớn lên những người anh người chị đầu phải chấp nhận xa mẹ, xa quê hương để vào miền Nam kiếm sống. Thế nhưng, khi những người con của bà Cổn bắt đầu kiếm sống được thì cũng là lúc tai hoạ liên tục ập xuống cả gia đình.
 
Nỗi đau đầu tiên gõ cửa ngôi nhà rách nát của bà, đó là khi đứa con gái lớn đi làm thuê bị rắn cắn chết để lại một đứa cháu nhỏ không có người nuôi. Người chồng đang chết dần chết mòn vì bệnh tật, bà Cổn đành phải nhờ hàng xóm trông coi để vào miền Nam đưa cháu về chăm.
 
 
Nước mắt tủi phận của mẹ già nuôi 3 con tàn tật - 2
Những lúc trái gió trở trời bà Cổn thức trắng đêm để xoa bóp cho các con. Có hôm bà kiệt sức té xuống nhà, ngất xỉu. 
 
Tang này chưa qua thì nạn khác lại đến. Một ngày bà Cổn đang lo cơm nước cho mấy tấm thân vất vưởng trong nhà bỗng đau đớn khi hay tin người con trai thứ hai là anh Lê Văn Thiên (SN 1969) trên đường đi làm về bị tai nạn ở Gia Lai. Không thể nào chữa trị được bà Cổn đành đưa con về nuôi. Di chứng của não để lại, anh Thiên giờ chỉ dùng hai nạng gỗ đi lại trong nhà, mọi sinh hoạt cá nhân đều phải một tay bà Cổn chăm sóc.
 
Nỗi đau mất con, con gặp nạn chưa dứt thì một đứa con khác của bà Cổn là anh Lê Văn Vinh (SN 1974) lại gặp nạn thương tâm vào năm 1998. Khi đang trèo cây chặt tranh tro lợp nhà, anh Vinh bị ngã từ trên cao làm gãy ba đốt sống lưng. Một mình bà phải tất tả ngược xuôi vay mượn tiền bạc đưa con đi điều trị tại Hà Nội. Sau nhiều lần phẫu thuật nhưng chấn thương đốt sống quá nặng nên anh Vinh phải chấp nhận bại liệt một nửa người, mọi sinh hoạt cá nhân đều trên tay của người mẹ già. Sau thời gian điều trị tại bệnh viện về, biết mình bị bại liệt vĩnh viễn nên anh Vinh rất buồn, nhiều lần muốn tự kết liễu cuộc đời để mẹ bớt khổ. Được Hội Chữ thập Đỏ Hà Tĩnh tặng một chiếc xe lăn, anh Vinh nén chịu đau đớn, đi bán vé số để kiếm tiền phụ giúp mẹ hàng ngày. Nhưng bán được một thời gian ngắn những cơn đau xuất hiện dày hơn, sức lực héo mòn nên gần đây anh Vinh không thể đi bán vé số được nữa.
 
Nuôi những đứa con tàn tật đã khó khăn, cách đây hơn một năm bà Cổn lại phải cưu mang thêm đứa chắt ngoại. Số là đứa cháu ngoại được bà Cổn nuôi lớn (mẹ bị rắn cắn chết) lớn lên đã vào niềm Nam làm thuê rồi lấy chồng. Nhưng cuộc hôn nhân không có hạnh phúc buộc cháu phải gửi đứa chắt về nhờ bà Cổn trông nuôi hộ.
 
Những tưởng trò đùa số phận như thế là đã quá đủ với người mẹ già khốn khổ, nào ngờ, trước Tết Nguyên đán bà Cổn nhận được điện thoại báo tin của đứa con gái sống trong miền Nam, sắp tới sẽ đưa em trai là Lê Văn Lộc (SN 1971) bị bạo bệnh về quê. Được biết, anh Lộc bị bệnh gút, toàn thân và tay chân bị phù nề và phải nằm một chỗ.
 
Nhìn những đứa con tật nguyền, cháu mồ côi thiếu thốn, mấy đứa con còn lại khổ sở cảnh làm thuê, bà Cổn lặng buồn rơi nước mắt. “Cuộc sống của tôi quá khổ, con cái tật nguyền không có vợ con. Bao năm mình tôi phải chăm sóc, thuốc men hàng ngày như chúng đang còn nhỏ dại. Khổ nỗi họ nuôi con còn hi vọng, còn tôi nuôi chúng thế không biết sẽ ra sao, không biết cái thân già ni có đủ sức để nuôi chúng được mấy năm nữa”.
 

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

 

1. Bà Ngô Thị Cổn: tổ 7, thị trấn Thiên Cầm, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh

2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học và Dân trí - Báo điện tử Dân trí (Hà Nội)

Số 2/48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội (Cạnh cây xăng Kim Mã)
Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490 
Email: quynhanai@dantri.com.vn

* Tài khoản VNĐ:

Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí

Số TK: 10 201 0000 220 639

Tại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Hoàn Kiếm


* Tài khoản USD:

Tên TK : Báo Khuyến học & Dân trí

Số TK : 045 137 195 6482

SWIFT Code: BFTVVNVX

Bank Name: THE BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM (VietComBank)

 

* Tài khoản VNĐ tại VietComBank:

Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí

Số TK: 0451 001 944 487

Tại: Ngân Hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Thành Công

3. Văn phòng đại diện của báo:

VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122

VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725


VP HCM: 40/17/16 Nguyễn Văn Đậu, phường 6 quận Bình Thạnh. Tel: 08. 35107. 331


VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 0710.3.733.269

Hải Hưng - Văn Dũng