1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Niềm hạnh phúc cuối đời của cụ bà 85 tuổi được bạn đọc Dân trí giúp đỡ xây ngôi nhà mới

(Dân trí) - Ở độ tuổi 85, ngày ngày cụ Hòa (tên thường gọi là cụ Ngác) vẫn phải chăm bẵm con trai không khác gì một đứa trẻ bởi những di chứng nặng nề của chất độc da cam để lại. Chồng chết, hai con lớn đã chết, cụ chỉ còn người con trai tàn tật để yêu thương và chăm sóc trong cuộc sống đói nghèo khổ sở quanh năm.

Đó là hình ảnh của hai mẹ con cụ Hòa trước kia, trong bài viết: “Chan bát cơm đầy nước mắt, mẹ già 85 tuổi nghẹn ngào chăm con trai bị chất độc da cam” mà báo điện tử Dân trí đã phản ánh. Còn hiện tại, cụ vui vẻ, phấn khởi trong căn nhà mới xây khang trang và sạch sẽ.

Cụ mừng rỡ khoe: “Cũng nhờ báo Dân trí thông tin nên mẹ con được mọi người, các cơ quan đoàn thể giúp đỡ 40 triệu đồng, cộng với số tiền mà tôi nhận được từ Quý báo nên xây được căn nhà này. Phấn khởi lắm các cô chú ạ. Ước mơ bao lâu nay có được 1 ngôi nhà giờ đã thành hiện thực rồi”.

Niềm hạnh phúc cuối đời của cụ bà 85 tuổi được bạn đọc Dân trí giúp đỡ xây ngôi nhà mới - 1
Cuộc sống của hai mẹ con cụ Hòa trước kia trong căn nhà lụp xụp, dột nát.
Niềm hạnh phúc cuối đời của cụ bà 85 tuổi được bạn đọc Dân trí giúp đỡ xây ngôi nhà mới - 2
Giờ được thay thế bằng căn nhà mới khang trang, sạch sẽ.
Niềm hạnh phúc cuối đời của cụ bà 85 tuổi được bạn đọc Dân trí giúp đỡ xây ngôi nhà mới - 3
Chồng chết, 2 con lớn chết, cụ Hòa chỉ còn anh Sáng để yêu thương và chăm sóc.
Niềm hạnh phúc cuối đời của cụ bà 85 tuổi được bạn đọc Dân trí giúp đỡ xây ngôi nhà mới - 4
Cuộc sống đổi thay của mẹ con cụ Hòa từ khi được bạn đọc báo điện tử Dân trí giúp đỡ.

Trên nền đất cũ của cụ, ngôi nhà mái bằng chạy dọc với đầy đủ phòng khách, phòng ngủ, nhà bếp và nhà vệ sinh được xây dựng và lát đá hoa sạch sẽ. Anh Đỗ Văn Sáng là con trai cụ bị di chứng chất độc màu da cam nên người co quắp và không thể di chuyển, thành ra mọi sinh hoạt đều một tay mẹ chăm sóc.

Nếu như trước đây, lúc chưa có nhà tắm và nhà vệ sinh, cụ đã rất vất vả trong việc tắm rửa và lau dọn nhà cửa thì giờ đã thuận tiện hơn rất nhiều. Cụ khoe, con trai vì không tự chủ được nên thường xuyên vệ sinh ra quần nhưng cụ lau dọn ngay nên ai vào nhà cũng khen nhà sạch sẽ và thơm tho. Cuộc sống mới với đầy đủ điều kiện vật chất, khiến sức khỏe của hai mẹ con cũng có phần cải thiện nhiều.

Niềm hạnh phúc cuối đời của cụ bà 85 tuổi được bạn đọc Dân trí giúp đỡ xây ngôi nhà mới - 5
Cụ Hòa buồn tủi của trước kia...
Niềm hạnh phúc cuối đời của cụ bà 85 tuổi được bạn đọc Dân trí giúp đỡ xây ngôi nhà mới - 6
Giờ đã nở được nụ cười mãn nguyện.

Lấy ra trong tủ cho chúng tôi xem lọ thuốc bổ và hộp sữa. Cụ khoe: “Thuốc là tôi mua đấy, còn sữa là của mọi người cho cô ạ. Giờ mỗi ngày tôi pha 1 cốc sữa cho con và 1 cốc sữa cho tôi, uống ngon quá mà lại khỏe ra. Thuốc thì tôi uống theo kê đơn, cũng thấy người đỡ mệt mỏi và không còn đau xương nữa”.

Niềm hạnh phúc cuối đời của cụ bà 85 tuổi được bạn đọc Dân trí giúp đỡ xây ngôi nhà mới - 7
Ngôi nhà của cụ nhìn từ mặt ngoài vào.
Niềm hạnh phúc cuối đời của cụ bà 85 tuổi được bạn đọc Dân trí giúp đỡ xây ngôi nhà mới - 8
Phòng khách rộng rãi, khang trang, sạch sẽ.
Niềm hạnh phúc cuối đời của cụ bà 85 tuổi được bạn đọc Dân trí giúp đỡ xây ngôi nhà mới - 9
Cụ Hòa cũng đã có 1 phòng ngủ nhỏ nhắn, sạch sẽ.

Đã đi gần hết cuộc đời, cụ Hòa mới được hưởng cuộc sống đủ đầy, ấm áp. Cụ ông tham gia 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ để rồi trở về nhà sinh được tổng cộng 3 người con thì chị lớn là Đỗ Thị Bình đã mất năm 1984 vì bệnh tim. Liền năm sau là năm 1985 con thứ là Đỗ Thị Minh cũng chết vì di chứng chất độc da cam. Chỉ còn anh Đỗ Văn Sáng là sống sót đến ngày hôm nay nhưng vật vã, đau đớn trong hình hài không lành lặn. Cụ ông mất từ năm 2002, để lại mình cụ Hòa cứ cần mẫn chăm con trong đói nghèo bao nhiêu năm tháng qua.

“Thật sự rất may mắn, nếu như không có báo chí vào cuộc giúp đỡ thì chắc cụ còn khổ đến lúc chết mới thôi”- Một người hàng xóm của gia đình cụ tâm sự. Bởi trong suốt thời gian qua dù đã được làng, xã quan tâm hết mức nhưng gắng gượng cũng chỉ đủ tiền rau cháo cho hai mẹ con, chứ không bao giờ dám mơ đến ngôi nhà mới.

Trở về thăm cụ, chúng tôi ai cũng mừng khi cụ lại được nở nụ cười trên gương mặt đầy những nếp nhăn của tuổi già. Và anh Sáng, người con phải chịu di chứng nặng nề của chất độc màu da cam những tưởng không biết gì ấy đã nhoẻn miệng cười và đòi bắt tay chúng tôi.

Nhìn hai mẹ con cụ lúc ấy, cảm giác hạnh phúc ngập tràn và hơi ấm được lan tỏa từ chính sự đùm bọc, yêu thương của bao bạn đọc báo điện tử Dân trí gần xa. Cụ không còn khổ sở và đói nghèo nữa, cụ sẽ được sống trong cảnh đủ đầy và ấm áp, đó là trái ngọt mà tình người mang lại… cho những mảnh đời bất hạnh, đau thương.

Phạm Oanh