Những ngôi nhà ấm tình bạn đọc
(Dân trí) - Với những người trong hoàn cảnh khốn khó, có tiền chạy chữa bệnh tật, có chút cơm ăn, áo mặc đã là hạnh phúc. Nhưng, tấm lòng bạn đọc Dân trí lại dạt dào không kể xiết, để họ còn có được một mái nhà đúng nghĩa, để chốn an cư thật sự ấm áp.
Không thể kể xiết niềm vui của bao mảnh đời khốn khó mà chúng tôi – những người làm cầu nối từ tấm lòng đến với tấm lòng – gặp lại sau khi chứng kiến căn nhà trong mơ mà họ có được. Đã bao năm sống trong cảnh đói nghèo, cơ cực, trong căn nhà mà trên thấy trời “toang hoác”, dưới thấy đất sụt thành từng mảng, bốn bề chỉ được che đậy bằng những tấm phên, tấm nứa, thì việc có được một căn nhà khang trang, sạch đẹp đối với họ là một sự đổi đời.
Tổng Biên tập Phạm Huy Hoàn thăm và tặng quà nhân dịp khánh thành nhà anh Lý Sa Oanh, bố của bé Mỹ Nhân và Mỹ Ái ở Cần Thơ.
Tổng Biên tập Báo điện tử Dân trí Phạm Huy Hoàn lúc đó ngoài việc đặt tên cho 2 con gái của vợ chồng anh Oanh là Mỹ Nhân, Mỹ Ái (với mong muốn 2 bé sẽ nhận được thật nhiều tình thương yêu trong cuộc sống) còn trích Quỹ Nhân ái 20 triệu đồng, cùng với số tiền bạn đọc giúp đỡ để xây dựng cho anh chị một căn nhà khang trang.
Căn nhà mới là một khởi đầu mới ấm áp, hạnh phúc của 2 vợ chồng người Khmer. Đây cũng là khởi đầu cho những ngôi nhà ấm tình bạn đọc Dân trí đã chung tay trong suốt hơn 2 năm qua, từ Nam chí Bắc để những số phận vượt lên khó khăn của hoàn cảnh, của bản thân.
* Câu chuyện về cái chết của anh Võ Văn Nhẹ (sinh năm 1980, ở ấp Long Hòa A, xã Bàn Long, huyện Châu Giang, tỉnh Tiền Giang) đúng là do “số trời”. Trên đường đi tham quan và hành hương ở một ngôi chùa, chiếc xe chở anh Nhẹ đã bị một tảng đá nặng hàng tấn đè bẹp làm 6 người chết tại chỗ, trong đó có anh.
Anh Nhẹ chết kéo theo những số phận trong gia đình anh bấp bênh bên bờ vực thẳm. Vợ và 3 đứa con của anh từ nay sẽ mất đi người chồng, người cha làm chỗ dựa trong cuộc sống. Cái đói, cái nghèo vốn đã bủa vây thì nay lại đè nặng thêm trên vai những người còn sống. Một tương lai mờ mịt, tăm tối đang chờ đón họ.
Nhưng, bạn đọc Dân trí không ngoảnh mặt làm ngơ. Rất nhiều tấm lòng đã sẻ chia với vợ và các con của anh Nhẹ nỗi mất mát mà họ phải gánh chịu. Và một ngôi nhà ấm tình bạn đọc đã được dựng lên, thay cho ngôi nhà tranh vách đất trước đó. Chị Nguyễn Thị Thanh Trúc, vợ của anh đã nói một câu rất cảm động trong ngày khánh thành ngôi nhà mới. “Mọi người đã tiếp thêm sức mạnh cho tôi và các con sống tiếp những ngày phía trước. Tôi biết rằng ở dưới suối vàng chồng tôi sẽ yên lòng nhắm mắt”.
Nỗi đau, đôi khi khồng có từ nào có thể diễn tả hết thành lời. Nhưng hạnh phúc, đôi khi cũng đơn giản vậy thôi.
* Một lần, chúng tôi có dip ghé thăm xã miền núi Việt Hồng, thuộc huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái trong dịp về thăm và tặng quà của Chương trình “Một triệu cuốn vở đến với vùng sâu vùng xa”. Chuyến công tác có lẽ sẽ đến và đi, không để lại nhiều kỷ niệm lắm, cho đến khi chúng tôi bắt gặp những hình ảnh mẹ con chị Trần Thị Liệu trong ngôi nhà hoang tàn.
Chị Đỗ Thị Liệu ở Yên Bái trong ngôi nhà mới do bạn đọc Dân trí giúp đỡ.
Đứa con trai của chị Liệu mới 10 tuổi nhưng đã biết được cái khốn khó của bố mẹ mình, nên luôn cố gắng giúp đỡ bố mẹ. Cậu bé lớp 4 Nguyễn Hồng Sơn sáng đi học, chiều trông em, phụ mẹ tất tần tật những việc gì mà em có thể làm. Nhất là khi bố của cậu vừa bị gãy chân, không làm được việc gì nặng. Nhìn cậu bé loay hoay nấu cơm trong cái bếp sặc những khói đen mù mịt, không ai không mủi lòng.
Một bài viết của chúng tôi về tình cảnh của mẹ con chị Đỗ Thị Liệu. Và thật hạnh phúc khi bạn đọc đã đồng cảm và sẻ chia, để giúp cho chỗ “chui ra chui vào” của mẹ con chị từ nay khang tranh, sáng sủa. Căn nhà mới được xây chắc chắn, rộng rãi, sàn nhà được lát cả gạch hoa.
“Em hạnh phúc lắm, nhiều khi vẫn nghĩ mình đang sống trong mơ. Mọi người thật là tốt, đã giúp cho chúng em có một cuộc sống mới. Từ khi có ngôi nhà, vợ chồng em đã thật sự an cư để lo toan cuộc sống. Nhìn 2 đứa con còn bé không còn chịu rét, chịu lạnh khi mùa đông đến, thật không có hạnh phúc nào bằng”, chị Liệu nói với chúng tôi ngày gặp lại chị trong căn nhà khang trang.
Khánh thành nhà của bà Ngô Thị Diễn, nhân vật trong bài viết “Bà ăn xin nuôi mộng học chữ cho cháu ở Nghệ An”.
40 năm bà đi ăn xin, để chăm con, nuôi cháu. 40 năm khổ cực, đắng cay trăm bề, thì nay đã tìm thấy phần nào đó của hai từ “hạnh phúc”, do tình người mang lại. Cả cuộc đời làm lụng vất vả, đến khi già yếu không thể làm lụng được buộc bà phải đi xin, chỉ với mong ước có tý cơm, tý cháo cho những đứa cháu đáng thương đói khát ở nhà. Cả cuộc đời ngửa tay đi xin từng đồng để lo cái ăn, cái mặc, bà nào dám mơ có được một ngôi nhà trị giá đến cả trăm triệu đồng.
Vậy mà nó lại là sự thực.
Khi cái Tết cổ truyền của dân tộc đang đến rất gần, chúng tôi càng hạnh phúc khi những căn nhà ấm tình bạn đọc lại tiếp tục được dựng xây – để cho những mảnh đời khốn khó vượt qua những khó khăn mà vươn lên trong cuộc sống. Đấy là căn nhà của chị Trần Thị Kim Long, người mẹ đáng thương bị ung thư đang đếm sự sống từng ngày. Căn bệnh khiến chị có thể không sống được bao lâu nữa, nhưng hẳn chị sẽ yên lòng nhắm mắt khi đứa con trai của mình từ nay sẽ có được một mái ấm, một chỗ dựa vững chắc từ những tấm lòng hảo tâm để vươn lên trong cuộc sống – khi mà cậu vốn đã không còn cha thì nay lại sắp mất cả người mẹ dấu yêu.
Nhà mới của 2 chị em mồ côi Chí Linh, Ngọc Hằng
…Đấy là căn nhà trị giá hơn 40 triệu đồng mà bạn đọc dành cho em Trần Thị Tân, cô bé cũng rơi vào cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ khi số tuổi chỉ mới đếm trên đầu ngón tay. Bức thư mà Tân viết gửi đến chúng tôi khiến bạn đọc không khỏi xúc động, khi cảnh căn nhà sắp sập, em trai bại não không người chăm sóc, bà nội già yếu dồn lên vai 1 cô bé chỉ mới 11 tuổi. Ngôi nhà mà bạn đọc dành cho sẽ giúp em vững bước trên đường đời, để em tiếp tục theo đuổi ước mơ trở thành bác sĩ trong tương lai không xa.