Hơn 3 tháng qua, từ ngày thảm kịch đau lòng khiến chị dâu qua đời tức tưởi, chị Quỳnh liên tục túc trực bên giường bệnh, đếm từng nhịp thở của chồng đang "thập tử nhất sinh", liệt tứ chi.
Chồng tai nạn liệt tứ chi, vợ gạt nước mắt nhọc nhằn, gồng gánh, nuôi 2 con nhỏ
Chị Đỗ Thị Quỳnh (SN 1998, quê Yên Thọ, Như Thanh, Thanh Hóa) ám ảnh, đau đớn khôn nguôi về ngày 6/9 định mệnh. Đó là ngày xảy ra vụ tai nạn khủng khiếp, cướp đi tính mạng của chị dâu Lê Thị T. (SN 1983) và khiến anh Hoàng Sỹ Long (SN 1991, chồng chị Quỳnh) mang thương tật vĩnh viễn. 3 tháng trôi qua, anh Long may mắn lấy lại được hơi thở chủ động nhưng vẫn liệt tứ chi.
Theo chia sẻ của chị Quỳnh, chiều 6/9, anh Long trên đường chở chị dâu ra bến xe để về quê, qua đoạn đường Nguyễn Hữu Thọ (Hoàng Mai, Hà Nội) không may bị cây đổ, đè trúng 2 chị em. Chị dâu bị thương quá nặng, tử vong tại chỗ; anh Long được người dân đưa đi cấp cứu. Tai nạn khiến anh Long bị đa chấn thương nặng, tụ máu não, dập tủy sống cổ, liệt tứ chi, phổi bị ảnh hưởng...
Ngày tai họa ập đến, chị dâu ra đi tức tưởi, chồng nguy kịch, cả 2 con còn quá nhỏ dại…, chị Quỳnh dẫu đau đớn tột cùng vẫn phải cố gắng mạnh mẽ. Chị đôn đáo ngược xuôi, vừa chạy qua lại giữa nhà trọ và bệnh viện để lo cả chồng và con, lại vừa phải xoay xở tiền viện phí…
"Chồng em vốn là lao động chính, bây giờ anh ấy nằm 1 chỗ, em chỉ biết cố gắng hết sức mình, gánh vác mọi việc. Gia đình 2 bên nhà em cũng không khá giả, mọi người cũng đi làm thuê, làm nông ở quê. Phía trước là chặng đường rất dài, chồng và các con rất cần em…", chị Quỳnh không khóc nhưng mỗi lời đều nghẹn ngào, nước mắt chảy dài trên gò má.
Mỗi khi nhắc đến sự giúp đỡ từ các y bác sĩ và sự quan tâm, động viên, chia sẻ từ mọi người, chị Quỳnh luôn tỏ rõ lòng trân trọng, biết ơn. Đối với người phụ nữ trẻ 1 nách 2 con nhỏ (cháu lớn 3 tuổi, cháu nhỏ 6 tháng), chăm chồng liệt tứ chi, mọi thứ trước mắt quá gian nan.
Anh Long vừa được chuyển viện từ Bạch Mai sang Bệnh viện Hữu Nghị. Hơn 3 tháng trời mới lấy lại dần nhịp thở tự chủ, anh Long không nói được gì nhưng mở mắt nhìn xung quanh, thấy vợ con, nước mắt anh chảy dài.
Theo chia sẻ của ThS.BS Nguyễn Duy Bình, Khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu, Bệnh viện Hữu Nghị, bệnh nhân Hoàng Sỹ Long nhập viện từ 21/10, được chuyển từ Bệnh viện Bạch Mai sang trong tình trạng khá nặng.
"Tiên lượng, bệnh nhân có thể hồi phục nhưng cần thời gian rất dài, gánh nặng chi phí điều trị rất lớn. Chính vì vậy, trong quá trình điều trị tiếp theo, rất mong các mạnh thường quân chung tay giúp đỡ để bệnh nhân Long được hồi phục, cải thiện tốt hơn", bác sĩ Bình cho biết.
Bác sĩ Bình chia sẻ thêm, anh Long còn trẻ, khả năng phục hồi cao hơn những người lớn tuổi. Nhưng việc này phụ thuộc rất nhiều vào ý chí, bản lĩnh của người bệnh.
Chị gái công nhân tạm gác mọi việc, từ Nam ra Bắc chăm sóc em trai giành giật từng hơi thở
2 gia đình thông gia ở quê lòng như lửa đốt nhưng bố mẹ anh Long già yếu, mẹ chị Quỳnh sức khỏe không đảm bảo nên không thể ra Hà Nội. Những ngày đầu, bố đẻ chị Quỳnh ở bên cạnh vừa động viên, vừa chăm cháu để con gái tiện chạy đi chạy lại lo cho con rể.
Ngày nhận tin dữ về vụ tai nạn của chị dâu và em trai, chị Hoàng Thị Quy (SN 1988, quê Yên Thọ, Như Thanh) đang làm công nhân tại Bình Dương đã gác lại mọi công việc, giao phó 2 con nhỏ cho chồng để ra Hà Nội chăm em trai.
Ngồi bên giường bệnh, tay liên tục nắn bóp cho em trai, nước mắt chị không ngừng rơi. Chia sẻ về sức khỏe của anh Long, chị Quy nói được 3 chữ tròn trịa rồi giọng méo dần, cứ nghẹn lại chẳng cất thành lời.
Trong những chia sẻ ngắt quãng, chị Quy cho biết, em trai chị mới lấy lại được hơi thở. Đối với chị Quy, 3 tháng vừa rồi dài như 3 kiếp người, chưa lúc nào chị thôi khấn nguyện cho em trai vượt qua cửa tử để về với gia đình.
"Em dâu gần như phải "phân thân" để chăm 2 con nhỏ, vừa lo cho chồng, vừa xoay xở để có tiền trang trải. Bố mẹ em lâu rồi không được khỏe, giờ biến cố đến khiến ông bà suy sụp nên không ra đây được. Em muốn thay bố mẹ và các anh chị để phụ em dâu chăm em trai", những lời đẫm nước mắt từ chị Quy.
Theo chia sẻ từ chị Quy, vợ chồng chị đều đi làm công nhân ở Bình Dương, cũng đang nuôi 2 con nhỏ. Dù thu nhập bấp bênh, phải đối diện nguy cơ mất nguồn thu, thậm chí mất việc nhưng chị vẫn lựa chọn gác lại tất cả, ra Hà Nội túc trực bên giường bệnh em trai.
"Con đường phía trước muôn vàn khó khăn. Thời gian điều trị của Long kéo dài, cần tập vật lý trị liệu, các thuốc mua ngoài danh mục Bảo hiểm y tế, con còn nhỏ dại, tiền phòng trọ... Đây sẽ là gánh nặng khủng khiếp đối với em dâu. Em tha thiết mong mọi người chung tay, giúp đỡ cho vợ chồng em trai", chị Quy bày tỏ.
Ông Bùi Ngọc Thặn (67 tuổi), trưởng thôn Xuân Mới (xã Yên Thọ, Huyện Như Thanh) cho biết, ở quê, bà con và đoàn thanh niên cũng kêu gọi giúp đỡ nhưng chỉ được phần nhỏ động viên. Mong bạn đọc báo Dân trí chung tay hỗ trợ gia đình vượt qua giai đoạn khó khăn.
Công việc chính của anh Long là phóng viên, chị Quỳnh làm nhân viên văn phòng, thu nhập khá eo hẹp nên đang phải thuê phòng trọ tại khu Kim Văn Kim Lũ (Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội).