"Nhờ bà con hàng xóm giúp sức mới có được cỗ quan tài để anh an nghỉ", chị Đỗ Thị Thắm rơi nước mắt nhớ lại cái đêm kinh hoàng đó.
Không còn những cơn mưa xối xả, những dòng nước lũ cuồn cuồn, ánh nắng mặt trời đã chiếu xuống xã Báo Đáp (huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái), cuộc sống người dân nơi đây đang dần ổn định sau cơn lũ lịch sử nhưng vẫn còn những nỗi đau không thể nào quên, một người con mất cha, người vợ mất chồng.
Đến bây giờ chị Đỗ Thị Thắm (46 tuổi), thôn Làng Gặt (xã Báo Đáp) vẫn ám ảnh đêm kinh hoàng xảy ra mấy ngày trước, vào 1h45 sáng 10/9, một trận lở đất đã ập xuống đúng căn phòng nơi chồng chị đang ngủ, làm sập ngôi nhà.
Gia đình chị vốn thuộc diện khó khăn, vợ chồng làm nương rẫy nuôi 2 người con ăn học là em Nguyễn Tiến Duy (21 tuổi) học tại Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, Nguyễn Hồng Phúc (14 tuổi) học sinh lớp 9 và một người em chồng bị tàn tật, chị Nguyễn Thị Hậu (38 tuổi) không còn khả năng lao động. Giờ đây, tương lai của 2 đứa con chị Thắm đang tối dần.
Đất đá lở đã đánh sập ngôi nhà gia đình chị, khiến anh Nguyễn Tiến Dũng (48 tuổi) chồng chị tử vong tại chỗ do bị vùi lấp.
Đôi mắt chị Thắm vẫn đỏ hoe vì thương, vì nhớ chồng, giọng nấc nghẹn lên: "Anh nhà tôi ở lại trông tài sản, 3 mẹ con và người em chồng qua tạm nhà hàng xóm ngủ nhờ. Sáng sớm 10/9, mưa xối xả, nước lũ không ngừng dâng, ngay cạnh nhà nơi tôi và các con ở tạm đã xảy ra một vụ sạt lở nhỏ, tôi đã thấy lo cho chồng mình.
Một lúc sau, đất lở vào đúng căn phòng mà chồng tôi đang ngủ, thời điểm đó, một anh cán bộ xã đi qua phát hiện đã hô hào hàng xóm cứu chồng tôi, nhưng không kịp.
Người chồng tôi không còn nguyên vẹn, may mắn thay nhờ chiếc cột nhà gãy nửa mà xác chồng tôi vướng lại đó, không thì cũng bị đất cuốn xuống dòng sông phía đối diện nhà".
Đám tang chồng chị Thắm tổ chức và chôn cất trong ngày hôm đó, nhờ chính quyền xã, bà con hàng xóm hỗ trợ để nhanh chóng đưa anh về nơi an nghỉ cuối cùng.
"Chồng tôi mất mà không có được một bộ quần áo mới, do khu vực tôi sinh sống bị cô lập do nước lũ; cũng may vẫn có cỗ quan tài do người dân hỗ trợ để anh có được một chỗ nằm an nghỉ", giọng chị Thắm nghẹn ngào kể lại.
Ngôi nhà của chị Thắm đã bị phá hủy gần như hoàn toàn, người chồng là trụ cột của gia đình đã thiệt mạng, giờ đây gánh nặng đè hết lên đôi vai gầy gò của chị, nuôi 2 người con ăn học, người em chồng bị tàn tật và làm sao để xây một ngôi nhà mới làm mái ấm chở che cho gia đình.
Người con cả của chị Thắm là em Nguyễn Tiến Duy (22 tuổi) là sinh viên trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên từ khi lên thành phố, Duy đã phải vừa học vừa làm thêm để lo cho cuộc sống, học phí của mình.
"Tranh thủ thời gian không phải đến trường, em lại chạy xe ôm kiếm thêm thu nhập để tự lo cho cuộc sống của em ở Hà Nội, tích góp dần đóng tiền học phí. Giờ đây, khi bố em mất đi, em không biết phải làm sao để có thể hoàn thành việc học của mình", em Duy bày tỏ.
Cậu sinh viên giờ đây phần nào thay bố để làm chỗ dựa cho mẹ, em trai và người cô bị tàn tật của mình. Điều Duy trăn trở lúc này là làm sao để có thể hoàn thành việc học của mình mà vẫn có thể hỗ trợ mẹ xây lại ngôi nhà mới.
Trong chuyến hàng cứu trợ 6 tấn gạo và 5 tấn hàng nhu yếu phẩm độc giả báo Dân trí đến bà con nhân dân hai xã Báo Đáp, xã Đào Thịnh, đại diện báo Dân trí đã trao nóng số tiền 5 triệu đồng để phần nào giúp gia đình chị Thắm vượt qua khó khăn, mất mát này.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, ông Lê Thế Nam, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Báo Đáp bày tỏ: "Gia đình nhà chị Đỗ Thị Thắm thuộc diện khó khăn trong xã, vợ chồng làm công việc nương rẫy nuôi 2 người con ăn học và người em chồng bị tàn tật nặng, không có khả năng lao động.
Đặc biệt, ngôi nhà cũ của vợ chồng chị nằm trên khu vực có địa chất phức tạp, dễ gây sạt lở khi mưa lớn. Trong đợt này, chính quyền xã sẽ vận động gia đình chị Thắm chuyển sang khu vực khác an toàn hơn. Thay mặt chính quyền xã, tôi xin cảm ơn báo Dân trí đã đến thăm hỏi, động viên bà con nơi đây, mong quý báo cùng độc giả có thể hỗ trợ gia đình chị Thắm để có thể xây một căn nhà mới".
Xúc động trước tấm lòng, tình cảm từ độc giả báo Dân trí, đôi tay run run nhận phần quà hỗ trợ, chị Thắm nghẹn ngào: "Thay mặt gia đình và các con, tôi không biết nói gì ngoài xin gửi lời cảm ơn đến báo Dân trí, độc giả quý báo và nhà hảo tâm đã quan tâm, hỗ trợ gia đình.
Giờ đây, tôi chỉ mong có được một căn nhà để ổn định cuộc sống, các con có nơi ăn ngủ và cuộc sống sớm trở lại bình thường".