1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Cần Thơ:

“Người đàn ông xin ở lại bệnh viện” khóc khi nhận quà nhân ái

(Dân trí) - Chiều ngày 25/6, khi PV Dân trí đến thăm và trao tặng bác Trần Văn Đô (53 tuổi) nhân vật trong bài viết “Rơt lệ trước cảnh của một bệnh nhân xin ở lại bệnh viện” số tiền 1.816.800 đồng, bác xúc động không cầm được nước mắt.

 

“Người đàn ông xin ở lại bệnh viện” khóc khi nhận quà nhân ái - 1

PV Dân trí trao tặng số tiền 1.816.800 đồng cho bác Trần Văn Đô
 
Nhận được tiền hỗ trợ của bạn đọc, chúng tôi liên hệ ngay với người nhà bác Đô để trao tặng thì được anh Đùng (em bác Đô) cho biết bác đang ở Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ em không nơi nương tựa của TP. Cần Thơ (thuộc quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ).

 

Chúng tôi đến Trung tâm thì được bác sĩ Phan Ngọc Sơn - Phó giám đốc Trung tâm dẫn chúng tôi xuống tận phòng bác Đô đang ở. Khi gặp bác Đô, chúng tôi không khỏi giật mình trước thân hình tàn tạ của bác, hỏi thăm nguyên nhân thì bác nghẹn ngào cho biết: “Gần nửa tháng nay tôi không ăn uống gì được, chỉ uống nước và thuốc mà sống thôi! Nhưng khổ nỗi, là tụi nhỏ đã bỏ tôi luôn rồi chú ơi! Bác Đô nói đến đó rồi nghẹn lời, những giọt nước mắt lặng lẽ tuông chảy trên gương mặt hóc hác và già đi rất nhiều so với cái tuổi 53.

 

Bác sĩ Sơn cho biết: “Chúng tôi cũng mới nhận bác Đô mấy ngày nay và trường hợp của bác cũng là trường hợp đầu tiên của trung tâm. Vì ở đây, chúng tôi chỉ tiếp nhận những hoàn cảnh không nơi nương tự, hoàn cảnh hiện tại của bác thì cũng đúng, nhưng ngặt nỗi bác Đô lại đang mang bệnh nặng (nhiễm trùng do hoại tử tầng sinh môn lan rộng đến vai – mở bàng quan ra da và làm hậu môn tạm trên dòng) nên cần phải được tiếp tục điều trị và có người chăm sóc đặc biệt. Bệnh của bác mỗi ngày phải thay băng, thay túi hậu môn giả đến mấy lần nhưng Trung tâm chỉ có hai y tá đều là nữ nên cũng bất tiện khi làm những việc này”.

 

Bác Đô cũng cho biết lý do 2 người em của mình không thuê nhà trọ cho bác ở: “Chúng có đưa tôi về đi thuê nhà trọ nhưng người ta nhìn thấy tôi như thế này nên chẳng chủ trọ nào giám cho mướn, vì họ sợ tôi chết trong nhà. Còn về nhà nó thì cũng không được, nên tôi mới lên đây xin ở tạm, khi nào khỏe mạnh sẽ về thuê nhà trọ rồi đi bán vé số để sống, tôi rất mong được khỏe lại vì tôi nằm một chỗ cũng hơn 3 tháng rồi!”.

 

Cô Thu Thủy - Phó giám đốc Trung tâm cho biết: “Hoàn cảnh của bác Đô trong lúc này quả là rất khó khăn, vừa không có tiền thuốc men lại không có người thân chăm sóc nên đó cũng là nguyên nhân bác Đô sụt cân mau lẹ như vậy. Trung tâm thấy bác Đô khó khăn nên tạm thời hỗ trợ mọi chi phí cho bác, như thuốc uống, tã, túi hạu môn giả… Nhưng về lâu dài thì bác Đô rất cần được sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm để bác có điều kiện chữa bệnh và sớm được bình phục sức khỏe”.

 

Chúng tôi liên hệ với anh Trần Văn Đùng anh bày tỏ: “Tôi thì chạy xe ôm, vợ tôi thì đi làm thuê, cả ngày hai vợ chồng cũng kiếm được 60.000 đồng, bao nhiêu đó lo cho 5 miệng ăn nên tôi cũng chẳng giúp gì được cho anh Đô. Tôi cũng nghe Trung tâm cho hay cần phải thuê một người (thanh niên) để chăm sóc cho anh Đô nên tôi định sắp tới sẽ chạy xe luôn cả ban đêm, hy vọng kiếm đủ tiền để trả công, còn những chi phí khác cũng như số tiền để chữa trị cho anh tôi cũng chẳng biết tính sao!

 

Khi chúng tôi trao tặng số tiền 1.816.800 đồng mà bạn đọc đã ũng hộ cho bác Đô trong thời gian qua, bác Đô xúc động không cầm được nước mắt và bày tỏ: “Tôi cám ơn nhà báo Dân trí và nhờ nhà báo chuyển lời cám ơn đến những người đã giúp tôi rất nhiều! Phải chi tôi khỏe mạnh tôi sẽ dùng số tiền này để mua một chiếc xe lăn rồi đi bán vé số để sống, chứ để người ta giúp mình hoài như thế này biết chừng nào mới gặp người ta mà trả ơn!”

 

Ngô Nguyễn