Người 21 lần hiến máu
(Dân trí) - Đó là anh Nguyễn Duy Cảnh, Bí thư Đoàn phường Giáp Bát (quận Hoàng Mai - Hà Nội) hiện là Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Hiến máu dự bị Hà Nội. Anh là một trong 100 người hiến máu tiêu biểu Việt Nam năm 2007, 2008.
Giấu gia đình đi hiến máu
Lần đầu tiên tham gia hiến máu vào năm 1999, cứ đều đặn một năm hai lần, đến nay anh Cảnh đã có 21 lần tham gia hiến máu.
Là một Đoàn viên ưu tú của phường Giáp Bát, anh tham gia hiến máu lúc đầu chỉ theo phong trào, vẫn còn chưa hiểu hết ý nghĩa của hành động cao đẹp này.
Anh kể lại: “Lúc đó, tôi cũng hơi lo lắng và hơi run. Trước một việc làm khó luôn có ngưỡng của nó. Nhưng khi bước qua ngưỡng đó, thì thấy rất bình thường”.
Lần đầu tiên đi hiến máu, anh giấu bố mẹ vì biết bố mẹ sẽ lo lắng, xót xa cho con. Nhưng anh vẫn quyết định tham gia vì bản thân thấy đây là một hoạt động có ý nghĩa với cộng đồng, “một giọt máu cho đi là một sự sống được cứu giúp”, anh chia sẻ.
Nhận thức được ý nghĩa cao cả của hoạt động hiến máu, từ đó anh liên tục tham gia hiến máu nhân đạo. Có thể có người cho là anh không bình thường, tự dưng lại “chuốc vạ” vào thân nhưng anh vẫn chia sẻ quan điểm của mình: “Hiến máu thường xuyên không hề ảnh hưởng tới sức khoẻ. Nếu có ảnh hưởng chút ít thì tôi vẫn làm, vì nó đem lại hy vọng, cuộc sống cho người khác”.
Một người 21 lần tham gia hiến máu, kinh nghiệm của anh Cảnh là trong vài ba ngày đầu tránh hoạt động mạnh, nhất là không dùng bia, rượu, các loại chất kích thích… Kinh nghiệm đó giúp anh phục hồi sức khoẻ rất nhanh. Anh tự nhận mình có chất lượng máu tốt nên hầu như không ảnh hưởng gì tới công việc.
Kỷ niệm anh nhớ nhất trong những lần đi hiến máu là hình ảnh những bạn sinh viên không đủ điều kiện nhưng vẫn muốn tham gia hiến máu. Vì lúc đó nhiệt huyết của tuổi trẻ đã sục sôi trong trái tim các bạn. Cân nặng trên 45kg là đủ điều kiện tham gia hiến máu, sinh viên làm đủ mọi cách, từ mặc thêm nhiều quần áo ấm hay thêm những vật dụng trên người cho đủ cân nặng. Đó là những hình ảnh anh không thể nào quên. Hình ảnh đó đối lập hẳn với những người đủ điều kiện nhưng vì quá lo sợ mà không dám tham gia hiến máu.
Ngày 12/4, anh sẽ thực hiện lần hiến máu thứ 22 trong cuộc đời mình. Anh tham gia hiến máu vì cảm nhận đây là hành động đúng. Nếu điều kiện tuổi tác, sức khoẻ cho phép, anh vẫn sẽ tiếp tục tham gia phong trào hiến máu ý nghĩa này.
“Sự sống cho đi là sự sống được hồi sinh”
Khi còn là sinh viên, anh là Đoàn viên tích cực tham gia các phong trào văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao… ở trường. Là một người nhiệt tình với công tác Đoàn, chức vụ Bí thư Chi Đoàn phường đến với anh như một duyên phận. Tốt nghiệp hai trường Đại học, anh vượt qua nhiều ứng cử viên để được nhận vào làm cho một công ty liên doanh với mức lương cao. Nhưng do điều kiện sức khoẻ, anh xin chuyển công tác. Cũng từ đấy, chức vụ Bí thư Đoàn phường Giáp bát gắn bó với anh đến tận bây giờ.
Với vai trò Bí thư Đoàn ưu tú, anh tích cực tuyên truyền để vận động hoạt động hiến máu tình nguyện tới Đoàn viên thanh niên. Theo anh, làm gương là cách tuyên truyền hiệu quả nhất. Khi tuyên truyền, điều quan trọng là phải hiểu thanh niên, biết thanh niên cần gì bởi nhiều bạn trẻ muốn thể hiện cái tôi cá nhân rất rõ.
Đứng đầu một tổ chức chính trị xã hội, anh thấy mình phải nắm bắt tâm lý của thanh niên và giúp họ đi đúng hướng. Trực tiếp tham gia hiến máu nhân đạo hàng chục năm nay, anh trở thành tấm gương điển hình để các bạn Đoàn viên thanh niên noi theo.
Hiện là Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Hiến máu dự bị Hà Nội, anh càng ý thức hơn vai trò của công tác tuyên truyền. Anh tâm sự: “ Xuất phát từ lượng máu nhận được từ phong trào hiến máu nhân đạo không đều, bởi có những dịp sinh viên về quê như hè, lễ tết… Câu lạc bộ hiến máu dự bị ra đời giống như một ngân hàng máu sống. Thành viên của Câu lạc bộ này phải là người hiến máu từ ba lần trở lên, trong độ tuổi từ 18 đến 45, có sức khoẻ tốt và đảm bảo tốt về máu. Vụ sập cầu Cần Thơ là một ví dụ. Nếu không có những tình nguyện viên của Câu lạc bộ hiến máu dự bị, tình hình sẽ rất khó khăn”.
Anh muốn duy trì Câu lạc bộ theo đúng hướng hoạt động, mở rộng phạm vi, chương trình để nhiều người biết đến. Thông điệp anh muốn gửi tới các Đoàn viên thanh niên thực sự ý nghĩa: “Nhiều người bệnh còn đang chờ máu. Máu cứu người có sẵn trong trái tim chúng ta. Sự sống cho đi là sự sống được hồi sinh”.
Với những người đã từng một lần hiến máu, anh đánh giá cao hành động của họ. Anh cho rằng họ đã suy nghĩ đúng, bước đầu hành động đúng, và nên duy trì hành động đó.
Tuyên truyền sâu rộng hơn nữa để mọi người tham gia phong trào, anh muốn thay đổi nhận thức và suy nghĩ của mọi người về hành động hiến máu. Bởi đây là hành động cần thiết, có ý nghĩa. Nó đem lại sự sống cho những bệnh nhân hàng ngày, hàng giờ phải chịu đựng nỗi đau vì thiếu máu.
Nguyễn Thị Đoá - Nguyễn Thị Thuý