1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Một nông dân bỏ tiền làm cầu cho học sinh tới trường

(Dân trí) - Hàng ngày nhìn bọn trẻ đến trường trên chiếc cầu khỉ cheo leo anh day dứt không yên. Sau nhiều đêm trăn trở, anh quyết định phải làm chiếc cầu nối đôi bờ sông Nậm Huống để các em không phải bỏ học khi trời mưa gió và người dân đi lại được thuận tiện.

Anh là nông dân Nguyễn Đình Văn ở xóm Đồng Huống, xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An…

 

Cách trung tâm huyện Quỳ Hợp chừng 15km, chúng tôi tìm về bản Nhã. Là một bản vùng cao thuộc xã Châu Cường nằm cạnh quốc lộ 48, nhưng lại bị cô lập bởi dòng sông Nậm Huống, cuộc sống của bà con nơi đây còn nghèo lắm. Cả bản có 77 hộ dân, với 386 nhân khẩu chủ yếu là người dân tộc Thái. Hàng ngày trong bản có 92 em học sinh phải qua sông để đến trường. Trước đây, để ra ngoài người dân phải rất vất vả đi qua chiếc cầu tre tạm bợ. Những ngày trời nắng thì đỡ vất vả hơn, nhưng khi mùa mưa lũ đến, hiểm nguy luôn rình rập. Cứ sau mỗi trận mưa to là cầu lại bị nước cuốn trôi, bản Nhã như một ốc đảo tách biệt với bên ngoài. Điệp khúc bắc cầu cứ lặp đi lặp lại sau mỗi mùa mưa lũ đi qua.   

 

Sau nhiều năm bôn ba khắp nơi, năm 1997, anh Văn quyết tâm trở về quê hương lập nghiệp tại nơi mình đã sinh ra. Hồi ấy, quê anh còn nghèo lắm, trẻ con đến với cái chữ rất khó khăn, người dân quanh năm suốt tháng chỉ quanh quẩn trên nương rẫy. Anh tâm sự: “Thấy bà con vất vả, nghèo khó tôi muốn làm cái gì đó cho người dân nơi đây”. Nghĩ vậy nên anh tìm đến nhiều xưởng gỗ trong vùng mua vật liệu tập kết về, rồi huy động dân bản góp công dựng cầu. Được tin sắp có cầu mới kiên cố, nên người dân bản Nhã háo hức chờ đợi.    

 

Vậy là sau bao nhiêu năm phải đi lại trên những chiếc cầu tre tạm bợ, từ nay đã có cây cầu gỗ được giằng néo rất kiên cố, với chiều dài 27m, rộng 1,7m, tổng kinh phí hơn 40 triệu đồng được hoàn thành, đã đem lại niềm vui cho bà con dân bản Nhã.

 

Ngày chiếc cầu hoàn thành, người dân bản Nhã vui như hội, nhất là lũ trẻ con. Ông  Nguyễn Văn Nhân, trưởng bản cho biết: “Từ nay, trẻ con có thể tự đến trường mà bố mẹ không còn phải thay nhau đưa đón như trước nữa”. 

 

Nhìn những đứa trẻ bản mình tung tăng đến trường trên chiếc cầu khang trang, ông Nhân xúc động: “Từ ngày có cây cầu, bản Nhã này thay đổi hẳn, tôi và mọi người vui lắm, người dân bản dễ dàng đi lại, giao lưu với nhiều bản khác trong vùng”.

 

Duy Tuyên