(Dân trí) - Chào đời được 3 tháng tuổi, bé Trang sốt nhẹ triền miên, bụng căng cứng, nôn ói, mệt mỏi. Bác sĩ kết luận bé chỉ có một quả thận và đang bị khô héo dần.
Đang dạy học, cô Đinh Thị Hạnh, giáo viên chủ nhiệm lớp 1E, Trường Tiểu học Nghĩa Lộc 1 (huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) phát hiện học sinh của mình là bé Hoàng Thu Trang (7 tuổi) mệt mỏi, nằm lả trên bàn học. Cô Hạnh tiến lại gần hỏi han. Biết bệnh của bé Trang tái phát, cô liền điện thoại cho phụ huynh đến đón về nhà nghỉ ngơi.
Vì mắc bệnh suy thận mãn tính nên bé Trang chỉ như đứa trẻ lên 3 tuổi.
"Phụ huynh cũng như giáo viên trong trường ai cũng thương cảm khi biết hoàn cảnh của cháu. Dù mắc bệnh hiểm nghèo, sức khỏe yếu nhưng Trang rất thích đi học. Nhà trường đã tạo điều kiện để bé được theo học hòa nhập.
Vì bệnh tật, phải nằm viện điều trị theo định kỳ nên bé Trang nghỉ học thường xuyên. Những hôm trời mưa gió hay lạnh quá bé không thể đến trường. Nhiều hôm đang học, thấy bé mệt mỏi, người lả dần, tôi phải gọi mẹ bé đến đưa về nhà", cô Hạnh chia sẻ.
Đang chăn bò ngoài đồng, nghe điện thoại của cô giáo, chị Nguyễn Thị Vinh (42 tuổi, mẹ bé Trang, trú xóm Đập Đanh, xã Nghĩa Lộc) biết con không ổn, chị gửi bò nhờ hàng xóm trông giúp, chạy vội đến trường cõng con về.
Về đến nhà, chị Vinh vội lấy thuốc cho con uống. Chị đưa bàn tay thô ráp của mình xoa xoa lên bụng căng cứng của con như để dịu bớt đau đớn. Một lúc sau, bé Trang ngủ gật gù trong vòng tay người mẹ.
Bé trang là con út và cũng là con gái duy nhất trong gia đình có 4 anh em. Chào đời vừa được 3 tháng, bé có những dấu hiệu bất thường như bụng căng cứng, nôn ói thường xuyên, sốt nhẹ triền miên, mệt mỏi. Đưa con đi khám, vợ chồng chị Vinh chết lặng khi cầm kết luận con mắc bệnh suy thận mãn tính.
"Bác sĩ nói con gái tôi chỉ có một quả thận, đang hư dần. Nếu muốn duy trì sự sống chỉ có 2 cách là thay thận hoặc lắp thận nhân tạo. Thế nhưng con còn quá nhỏ, phải đợi đến khi sức khỏe ổn định, cân nặng đạt 15kg mới phẫu thuật. Vậy mà chờ đợi suốt 6 năm, con chỉ nặng 8kg, sức khỏe yếu nên vẫn chưa có cơ hội phẫu thuật", chị Vinh kể.
Chị Vinh cho biết, bình quân mỗi tháng bé Trang cùng mẹ ra Hà Nội điều trị và mỗi đợt như vậy kéo dài 12 ngày.
"Mỗi tháng chi phí điều trị của con lên đến 13 triệu đồng, đó là chưa tính tiền đi lại, ăn uống, sinh hoạt của 2 mẹ con", chị Vinh chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Trưởng thôn Đập Đanh, xã Nghĩa Lộc, cho biết gia đình chị Vinh nhiều năm là hộ cận nghèo của xã, vừa nuôi con bệnh tật, vừa phụng dưỡng mẹ chồng 84 tuổi, sức khỏe yếu.
"Địa phương cũng tạo điều kiện, hỗ trợ 2 con bò giống nhằm giảm bớt gánh nặng cho gia đình", ông Hiếu nói.
Hoàn cảnh khó khăn, con trai lớn của chị Vinh (16 tuổi) học xong lớp 9 cũng phải nghỉ học, theo bố xuống thành phố Vinh làm phụ hồ kiếm tiền chữa bệnh cho em.
"Tháng nào may mắn nắng ráo thì làm đủ công, 2 bố con dồn lại gửi về cho con gái đi viện. Tháng mưa gió, thất nghiệp triền miên thì xin ứng thêm lương hoặc vay mượn anh em cùng làm.
Hơn 6 năm kiên trì giành giật sự sống cho con, vợ chồng tôi đã vay gần 500 triệu đồng của người thân, ngân hàng, bạn bè, bà con lối xóm. Vay được ai là vợ chồng tôi vay, miễn là có tiền đưa con nằm viện. Để cứu con, cả đời này gia đình tôi làm để trả nợ cũng cam lòng", anh Thưởng thở dài.
Bệnh tật hành hạ khiến bé Trang ít ăn, ít ngủ, bụng phình to, căng cứng. Mỗi lần đi tiểu là bé Trang lại khóc than đau. Di chứng căn bệnh suy thận khiến huyết áp cao thường xuyên, mệt mỏi nên khuôn mặt bé Trang lúc nào cũng nhăn nhó, khó chịu. Thế nhưng bé Trang lại rất thích đi học, cứ mỗi lần xuất viện về nhà lại đòi mẹ đưa đi học.
Nhà trường cũng như giáo viên, học sinh đều yêu thương, quan tâm, giúp đỡ bé Trang trong việc học.
"Cháu đau và mệt lắm. Cháu ước khỏi bệnh để không phải đi viện, không phải chịu đau đớn, để mẹ không phải thức đêm xoa bụng cho cháu và ngày nào cũng được đi học như các bạn", bé Trang chia sẻ.
Nghe con nói, chị Vinh lại rơm rớm nước mắt, lo lắng nghĩ về chặng đường dài đầy khó khăn phía trước.