“Mẹ không cam lòng để con mồ côi”

(Dân trí) - “Mẹ ơi! mẹ sống mãi với con, mẹ nhé!”. Mỗi lần nghe cô con gái bốn tuổi động viên, lòng chị như quặn lại. Ngày chị Hải biết tin mình mắc bệnh suy thận cũng là ngày chồng chị bỏ nhà ra đi. Bé Diệu Châu lúc ấy chưa đầy 8 tháng tuổi.

Khi chúng tôi đến thăm, chị Hồ Thị Thanh Hải (khóm 5, thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) đang nằm dán mình trên giường bệnh. Gần bốn năm nay, bệnh tật “gặm nhấm” thân thể người mẹ trẻ đến cùng kiệt. Mắt chị lòa dần, đôi chân liệt hẳn, thân thể trơ lại da và xương. Bé Ngô Thị Diệu Châu suốt ngày quấn quít bên mẹ, chốc chốc cháu lại đưa bàn tay bé xíu lên mũi chị. Bốn tuổi đầu, nhưng cháu như một “bà cụ non”, lúc nào cũng thấp thỏm sợ mẹ chết. Mỗi lần như thế, chị Hải lại tỉnh giấc, gượng cười rồi khẽ bảo: “Mẹ còn sống, mẹ phải sống với Diệu Châu chứ. Không thì Diệu Châu biết sống với ai?”.

“Mẹ không cam lòng để con mồ côi”    - 1

 Mẹ và con gái chị Hải chăm sóc khi chị nằm liệt giường
 
Trong giấc ngủ đứt quãng vì cơn đau, chị Hải thường mơ về một mái ấm hạnh phúc. Ở đó, chị vượt qua bệnh tật. Bé Diệu Châu được sống trong ngôi nhà có mẹ và có cha. Giấc mơ ấy trái lại với hiện thực nghiệt ngã. Ngày chị Hải biết tin mình mắc bệnh suy thận cũng là ngày chồng chị bỏ nhà ra đi. Bé Diệu Châu lúc ấy chưa đầy 8 tháng tuổi.
 
Nỗi buồn hòa trong dòng nước mắt, chị Hải tự dối lòng: “Không! Anh ấy đi làm ăn xa thôi. Rồi, anh sẽ trở về, đem tiền về nuôi con và chữa bệnh cho mình”. Chiều chiều, chị nén cơn đau, bồng con ra ngõ ngóng chồng. Ròng rã suốt một năm, bóng anh khuất hẳn. Niềm hi vọng vỡ tan, trở thành mũi dao đâm vào lòng chị. Mỗi lần thấy vật dụng thân quen của chồng, chị lại ôm đứa con dại khóc đến sưng mắt.
 
Nỗi đau tinh thần làm bệnh tình chị Hải thêm trầm trọng. Người mẹ trẻ ngậm đắng, nuốt cay chống chịu từng cơn đau. Chị tắt sữa nuôi con, người phờ phạc như cái xác không hồn. Nhà nghèo, lương công chức của người mới bước vào nghề còm cõi, chị và con chỉ còn nước sống dựa vào tấm lưng còng của bố mẹ đẻ.
 
Từ ngày chị Hải đổ bệnh rồi bị chồng phụ bạc, bố mẹ chị chạy Nam, chạy Bắc vay mượn tiền lo cho cháu lẫn con. Điều trị tại bệnh viện TW Huế, chị chạy thận 3 lần/tuần suốt một năm ròng. Mỗi lần chị chạy thận là một lần tóc mẹ bạc thêm. Bao vật dụng giá trị trong nhà lần lượt đội nón ra đi. Chiếc nhẫn cưới của chị, rồi kỉ vật của ông bà nội ngoại tặng bố mẹ... cũng bị đem ra cầm cố. Ông Hồ Đăng Lưu (Bố chị Hải) nghẹn ngào tâm sự: “Hai vợ chồng tôi cố lo cho con bệnh và cháu dại. Vợ chồng tôi già rồi, khổ mấy cũng chịu được, chỉ thương mẹ con nó”.
 
Nụ cười thường trực trên môi, nhưng bố mẹ chị Hải không giấu nổi nỗi đau đang rỉ máu. Thấy mái tóc con bắt đầu lấm tấm sợi bạc, rồi rụng dần, mẹ chị âu sầu đến rơi nước mặt. Bố chị, người cựu chiến binh trải qua bom đạn chiến tranh bỗng run cầm cập khi nghe bác sĩ nói về bệnh tình con. Thương bố mẹ và con dại, ngọn lửa quyết tâm càng nhen lên trong chị, chị tự nhủ: “Hải ơi! Không được khóc nữa. Hãy cố gắng chữa bệnh để có ngày trở về với gia đình. Bố mẹ già rồi, con còn dại quá!”.
 
Những ngày đầu chị điều trị tại bệnh viện TW Huế, bà Nguyễn Thị Thìn (mẹ chị) phải ăn trực, nằm chờ lo cho con. Chị Hải nhỏ to khuyên mẹ: “Mẹ phải về chạy cái ăn cho cả nhà, chăm sóc bé Diệu Châu nữa. Con có thể tự lo được ngày nào hay ngày đấy”. Chẳng thể tách thân làm hai, bà Thìn nuốt nước mắt vào trong, để con ở lại. Một mình còm cõi trong cô đơn và bệnh tật, nhưng quyết tâm “sớm đoàn tụ gia đình” khiến chị Hải mạnh mẽ hẳn lên.
 
Vừa rồi, chị Hải đã được các bác sĩ phẫu thuật mổ màng bụng. Chuỗi ngày chạy thận chuyển sang truyền dịch y tế. Bệnh tình chẳng mấy thuyên giảm, niềm an ủi lớn nhất của chị là: kịp trở về nhà khi bé Diệu Châu gọi tiếng mẹ tròn vành. Chuỗi ngày chống chịu với căn bệnh hiểm nghèo chẳng còn nặng nề với người mẹ trẻ như trước. Mỗi sáng thức dậy chị lại có một niềm vui. Đơn giản: bởi chị biết mình vẫn sống và còn thấy bé Diệu Châu lớn thêm một ngày.
 
Liệu “căn bệnh đốt tiền” có để chị yên bình trong hạnh phúc nhỏ bé? Nỗi lo “để con bơ vơ trên cõi đời này” từng phút, từng giây vẫn giày vò tâm can chị Hải.


Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:

1. Chị Hồ Thị Thanh Hải: Khóm 5, thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.

2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học và Dân trí - Báo điện tử Dân trí (Hà Nội)

Số 2/48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội
Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490 
Email:
quynhanai@dantri.com.vn

 

* Tài khoản VNĐ:

Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí

Số TK: 10 201 0000 220 639

Tại: Chi nhánh Ngân hàng Công thương Hoàn Kiếm Hà Nội

* Tài khoản USD:

Tên TK : Báo Khuyến học & Dân trí

Số TK : 10 202 0000 004346

Switch Code : ICBVVNVX106 639

Tại : Sở Giao dịch I – Ngân hàng Công thương Việt Nam  

3. Văn phòng đại diện của báo:

VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122

VP Đà Nẵng:
25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725

VP HCM:
40/17/16 Nguyễn Văn Đậu, phường 6 quận Bình Thạnh. Tel: 08. 35107. 331

VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 071.3.733.269

 

Trương Quang Hiệp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm