Mã số 1630:
“Mẹ đi lấy người khác rồi, em phải nghỉ học thôi”
(Dân trí) - Mẹ bỏ đi lấy chồng đã 2 năm, cô bé Huyền buộc phải nghỉ học khi vừa hết lớp 9 để về nhà chăm bố tai biến và 2 em nhỏ. Em tâm sự muốn được đến trường, muốn được học nữa nhưng không có ai lo cái ăn nên em phải nghỉ để ở nhà đi làm.
Cô bé ấy là Triệu Thị Huyền (xóm Khuổi Uốn, xã Sảng Mộc, huyện võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên) mà tôi đã lên gặp theo đơn thư xin được giúp đỡ của một nhóm bạn đã lên đây làm từ thiện trước đó. Tiếp chúng tôi, anh Nông Quý Dương – Chủ tịch UBND xã Sảng Mộc cho hay: “Nói đến ai chứ bé Huyền thì cả khu này đều biết và thương con bé. Huyền học giỏi, chịu thương chịu khó nhưng phải nghỉ học vì gia đình không có người làm kiếm cái ăn hàng ngày. Mẹ con bé bỏ đi đã hơn 2 năm rồi, bố thì bị tai biến, tưởng là chết nhưng may vẫn còn sống, tuy nhiên không làm được việc gì cả. Huyền là chị cả phải lo cho bố và hai em nhỏ hiện đang học lớp 7 và lớp 3”.
Để biết rõ hơn về hoàn cảnh của gia đình em, tôi đã cuộc gặp gỡ, trao đổi với thầy giáo Hoàng Ngọc Tân- Hiệu phó trường PTDT Bán trú THCS Sảng Mộc, nơi Huyền đã từng học tập. Nhắc đến cô học trò đặc biệt này, đôi mắt thầy Tân không giấu nổi sự nuối tiếc: “Đó là một cô bé ngoan ngoãn và có chí hướng phấn đấu rất cao. Trong những năm học trước, em luôn là học sinh được nhà trường cử đi thi học sinh giỏi môn Văn và cũng đạt thành tích nhất định. Tuy nhiên khi tốt nghiệp xong lớp 9, em đã quyết định nghỉ học ở nhà để chăm bố và lo cái ăn cho 2 em để hai em được tiếp tục đến trường”.
Những thông tin về em càng thôi thúc tôi trở nhanh vào bản người Dao nơi em đang sinh sống nhưng dù đã 12 giờ rưỡi trưa rồi mà cô bé Huyền vẫn chưa trở về bởi :“Nó lên rẫy rồi, nhà hết cái ăn nên nó đi kiếm từ sáng cơ” – bố Huyền cho hay.
Bố của em, người đàn ông tên Triệu Hữu Liên hiền lành như củ khoai, củ sắn dù không thạo tiếng Kinh nhiều nhưng anh cũng bập bõm cho hay: “Mẹ nó bỏ đi lấy chồng hơn 2 năm rồi, tôi thì bị tai biến nên tay trái không làm được nữa, chân cũng đi lại khó khăn lắm nên chỉ quanh quẩn ở nhà thôi. Giờ cái Huyền là người làm chính cho cả nhà này”.
Câu chuyện cứ thế mải miết với những “tờ giấy khen là thứ mà Huyền giữ gìn nhất” hay “Mẹ nó thỉnh thoảng vẫn nói chuyện với con nhưng bảo là không về nữa, mẹ nó có con với người khác rồi”… cho đến khi cô bé Huyền trở về cũng đã quá nửa buổi chiều. Không nhút nhát, sợ sệt như nhiều em bé vùng cao mà tôi đã gặp, Huyền nhanh nhẹn, lễ phép chào rồi cất nhanh chiếc gùi đựng mấy cái măng, một ít rau rừng vừa kiếm được.
Em kể: “Qua vụ thu hoạch ngô rồi chị ạ, hàng ngày em chăn gà rồi lên rừng đi kiếm củi, kiếm rau ăn. Hôm nào có đủ rau ăn rồi thì em đi phát nương, phát rẫy thuê cho người ta”.
Như một lẽ tự nhiên và bản thân tự nguyện chấp nhận nên khi nhắc đến việc đi học của mình, Huyền không chần chừ mà cho biết: “Giá như mẹ em không bỏ đi hoặc bố em khỏe mạnh như người ta thì em vẫn sẽ quyết tâm đến trường chị ạ. Em là người vùng cao nên việc đi học không phải mất quá nhiều tiền vì được nhà nước hỗ trợ. Nhưng gia đình em thế này, em phải nghỉ học thôi để 2 em của em còn được đến trường …”
Đúng chất của một học sinh giỏi môn Văn, cô bé tâm sự chậm rãi, nhẹ nhàng và tình cảm nhưng vẫn đầy ắp những xót xa. Hai em của Huyền là bé Triệu Thị Năm (học lớp 7) và bé Triệu Thị Thu (học lớp 3) đều là học sinh giỏi của trường với những tờ giấy khen và danh hiệu cháu ngoan Bác Hồ được ghi nhận. Nhìn hai em, Huyền cũng như được phần an ủi: “Hai đứa nó ngoan và chăm học lắm chị ạ, chúng nó cũng thương em bảo em đi học tiếp nhưng em mà đi học rồi, lấy ai lo cái ăn cho chúng hàng ngày, rồi còn bố của em nữa…
Cái khó khăn của em là gia đình không có người làm để trang trải bữa ăn hàng ngày nên việc tiếp tục đến trường cứ ngày một xa vời vợi. Huyền kể em mơ ước được làm cô giáo để dạy dỗ và gắn bó với các em nhỏ ở bản người Dao, để giúp các em đến trường học cái chữ cho sau này không phải khổ và đói ăn như đời bố, mẹ chúng. Nhưng giấc mơ đó của em phải gác lại rồi bởi miếng cơm, manh áo cho bố và hai em…
Đành rằng là chấp nhận và tự nguyện hi sinh, nhưng cô bé 15 tuổi vẫn không dấu nổi sự chần chừ và le lói một chút hi vọng khi vẫy tay chào để tôi về dưới xuôi: “Chị ơi, nếu như bố và các em của em có cái ăn thì em sẽ đi học tiếp chị nhé…”, lúc ấy tôi đã nhớ gương mặt và nụ cười của em sáng bừng cả bản người Dao cho dù trời đã mịt mờ tối.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: 1. Mã số 1630: Em Triệu Thị Huyền (xóm Khuổi Uốn, xã Sảng Mộc, huyện võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên) Số ĐT: 01688.776.562 2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học & Dân trí - Báo điện tử Dân trí. Ngõ 2 nhà số 48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490 Email:quynhanai@dantri.com.vn Bạn đọc ủng hộ qua các tài khoản sau: * Tài khoản VNĐ tại VietComBank: * Tài khoản USD tại VietComBank: Account Number: 045 137 195 6482 Swift Code: BFTVVNVX Bank Name: THE BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM (VietComBank) * Tài khoản VNĐ tại VietinBank: * Tài khoản VNĐ tại Ngân hàng Quân đội (MB) Tên TK:Báo Khuyến học & Dân trí Tại Ngân hàng TMCP Quân đội – Chi nhánh Thái Thịnh - Hà Nội * Tài khoảnUSD tại Ngân hàng Quân đội (MB) Tên TK:Báo Khuyến học & Dân trí Swift Code: MSCBVNVX Bank Name: MILITARY COMMERCIAL JOINT STOCK BANK - MCSB ( No.3, Lieu Giai str., Ba Dinh Dist., Hanoi, Vietnam) 3. Văn phòng đại diện của báo: VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122 VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725 VP TPHCM: số 39L đường 11 (Miếu Nổi), phường 3, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Tel: 0866786885 VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 0710.3.733.269 |
Thiên Ân