Mã số 1524:
Lão nông dân và niềm mong mỏi có tiền để níu giữ sự sống
(Dân trí) - Ông Đạo tưởng đã cầm chắc cái chết khi được kết luận mắc bệnh ung thư nhưng lại tràn trề hi vọng khi biết nếu ghép tủy sẽ được sống. Nhưng hỡi ôi, muốn ghép tủy phải có 150 triệu trở lên, một nông dân nghèo như ông lấy đâu ra chừng ấy tiền?
So với những bệnh nhân ung thư đang nằm chen chúc ngoài hành lang thì ông Trần Văn Đạo (SN 1957, trú xóm 8, Nghĩa Thịnh, Nghĩa Đàn, Nghệ An) thật may mắn khi được nằm một mình một phòng. Ông cũng may mắn hơn rất nhiều bệnh nhân ung thư khác khi căn bệnh của ông vẫn đang còn khả năng được chữa trị bằng cách ghép tủy. Thế nhưng sự may mắn ấy đang dần tuột khỏi tầm tay của người nông dân này.
Cả cuộc đời ông, chưa bao giờ ông nghĩ mình có thể mắc căn bệnh quái ác này. Kể cả khi những cục hạch nổi ở cổ rồi lan rộng ra nhiều khu vực khác, ông vẫn nghĩ không thể nào là ung thư được. Đi kiểm tra, họ bảo bị hạch viêm, ông khấp khởi mừng thầm. Chữa trị mấy tháng trời không khỏi, ông lại đi kiểm tra ở bệnh viện khác. Người ta lại kết luận ông bị lao. Mất gần nửa năm chữa trị bệnh lao, bệnh tình vẫn không thuyên giảm, ông Đạo quyết định ra Hà Nội kiểm tra lại. Sau khi kiểm tra và làm một số xét nghiệm, bác sỹ ái ngại khuyên ông qua các bệnh viện chuyên khoa về ung bướu xem sao. Sự lo lắng, sợ hãi đã bắt đầu len lỏi vào tâm trí người nông dân này.
Kết quả kiểm tra ở Bệnh viện Ung Bướu Nghệ An khẳng định ông mắc bệnh ung thư U Lympho non Hodgkin. Ung thư ! Vậy là cầm chắc cái chết rồi. Ông lảo đảo tựa hồ như mặt đất dưới chân mình đang chao đảo. Căn bệnh này có thể chữa được nếu tiến hành ghép tủy – bác sỹ nói. Ông khấp khởi hi vọng. Thế nhưng niềm hi vọng vừa nhen lên đã vụt tắt khi các bác sỹ cho biết, ngoài 95% chi phí phẫu thuật do bảo hiểm chi trả, ông phải đóng từ 150-200 triệu đồng cho cuộc phẫu thuật này. 150 triệu đồng! Ông nghe như có sét đánh bên tai.
“Tui sinh được 4 đứa con, đứa đầu lấy chồng, 2 đứa con gái đi làm công nhân còn thằng út đang đi học nghề. Hai vợ chồng oằn lưng làm 2 sào ruộng cũng không đủ ăn. Ở trên đó làm chi có nghề chi làm thêm. Đủ ăn là may lắm rồi. Có mỗi mảnh vườn và con trâu là tài sản đáng giá. Đất vườn thì cắm ngân hàng đợt tui đi chữa lao. Bệnh không khỏi mà nhà cũng sắp mất…”, ông Đạo như chực khóc.
Còn nước còn tát, mặc dù gia đình ông chưa biết kiếm đâu ra số tiền lớn như vậy để thực hiện ca ghép tủy kéo dài sự sống cho ông nhưng các bác sỹ thì không được phép chần chừ. Muộn hơn chút nữa có thể họ sẽ không thể giành giật được ông từ tay thần chết. Các bác sỹ chuyển ông vào phòng chờ với chế độ chăm sóc, theo dõi đặc biệt để hoàn tất các công đoạn phục vụ cho việc ghép tủy.
Bác sỹ Đinh Thị Hạnh Lâm – phụ trách Khoa Bệnh máu ghép tủy, Bệnh viện Ung bướu Nghệ An cho biết: ““Phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu tự thân là phương pháp để kéo dài sự sống cho bệnh nhân mắc bệnh U Lympho cũng như một số bệnh lý khác, giúp tỉ lệ tái phát bệnh thấp nhất, giúp người bệnh có cơ hội khỏi bệnh hoàn toàn. Bệnh nhân Trần Văn Đạo đã trải qua các đợt điều trị hóa chất, có chỉ định ghép tủy xương (ghép tế bào gốc tạo máu tự thân). Chi phí ghép tủy của bệnh nhân Đạo cần thêm tối thiểu 150 triệu đồng, ngoài các khoản thanh toán của bảo hiểm".
Cuộc chạy đua giành giật bệnh nhân từ tay thần chết không phải là cuộc chạy đua của riêng gia đình ông Đạo nữa mà trở thành cuộc chiến của những bác sỹ nơi đây. “Chúng tôi đang bằng các mối quan hệ của mình vận động sự đóng góp của cộng đồng, doanh nghiệp để hỗ trợ gia đình bệnh nhân Trần Văn Đạo một phần chi phí phẫu thuật. Nhưng khó quá, tối thiểu phải có 150 triệu… Các nguồn huy động được đều đã huy động cho bệnh nhân đầu tiên thực hiện ghép tủy ở đây rồi” , bác sỹ Nguyễn Quang Trung - Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Nghệ An thở dài.
Hiện tại dù chưa chuẩn bị được kinh phí phẫu thuật nhưng ông Trần Văn Đạo đã được đưa vào buồng chăm sóc đặc biệt, việc ăn uống đều do các bác sỹ, điều dưỡng của Khoa Bệnh máu ghép tủy phụ trách. Chỉ tính riêng tiền phòng mỗi ngày cũng đến 200 nghìn, chưa kể tiền ăn uống. Chỉ bao nhiêu đó thôi cũng đã là gánh nặng quá lớn mà bà Phạm Thị Soa – vợ ông Đạo và các con đang oằn lưng gánh.
Gác cánh tay lên cái đầu đã trọc lóc vì tác dụng của hóa chất, ông Đạo thở dài: “Đất nhà thì cắm ngân hàng rồi, có con trâu cày cấy mai mốt cũng phải bán nốt nhưng chẳng thấm vào đâu so với số tiền khổng lồ kia cả. Tôi đã tính tới việc mượn sổ đỏ của anh em, bà con để cắm ngân hàng lấy tiền phẫu thuật nhưng cho người bệnh mượn cả khối tài sản lớn như thế khác nào đánh bạc, liệu có ai dám cho mượn không? Hay là thôi, về nhà vậy…”, ông cố nén tiếng thở dài. Về nhà, có nghĩa là cầm chắc cái chết. Ông quay mặt đi, vùi đầu vào gối cố dấu giọt nước mắt đang lăn ra…
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: 1. Mã số 1524: Ông Trần Văn Đạo – xóm 8, xã Nghĩa Thịnh, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An Điện thoại: 01696918753 (em Hương – con gái ông Đạo) 2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học & Dân trí - Báo điện tử Dân trí. Ngõ 2 nhà số 48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490 Email:quynhanai@dantri.com.vn Bạn đọc ủng hộ qua các tài khoản sau: * Tài khoản VNĐ tại VietComBank: * Tài khoản USD tại VietComBank: Account Number: 045 137 195 6482 Swift Code: BFTVVNVX Bank Name: THE BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM (VietComBank) * Tài khoản VNĐ tại VietinBank: * Tài khoản VNĐ tại Ngân hàng Quân đội (MB) Tên TK:Báo Khuyến học & Dân trí Tại Ngân hàng TMCP Quân đội – Chi nhánh Thái Thịnh - Hà Nội * Tài khoảnUSD tại Ngân hàng Quân đội (MB) Tên TK:Báo Khuyến học & Dân trí Swift Code: MSCBVNVX Bank Name: MILITARY COMMERCIAL JOINT STOCK BANK - MCSB ( No.3, Lieu Giai str., Ba Dinh Dist., Hanoi, Vietnam) 3. Văn phòng đại diện của báo: VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122 VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725 VP TPHCM: số 39L đường 11 (Miếu Nổi), phường 3, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Tel: 0866786885 VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 0710.3.733.269 |
Hoàng Lam