1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Hơn 17 triệu đồng đến với “Xóm không chồng”

(Dân trí) - Hôm 05/8, chúng tôi đã về thị trấn An Lộc thuộc huyện Bình Long, tỉnh Bình Phước, thăm hỏi và trao 17,3 triệu đồng quỹ nhân ái cho 5 hoàn cảnh khốn khó trong hai bài viết: “Những chuyện đời buồn ở thị trấn ung thư” và “Chỉ biết khóc khi con hỏi cha đâu”.

Phước Long là mảnh đất gánh chịu nhiều hậu quả của bom đạn trong chiến tranh. Những khó khăn từ thời kháng chiến âm ỉ kéo dài, đến tận bây giờ, người dân nơi đây vẫn chưa thể vực dậy được. Hơn thế nữa, đây còn là vùng đất khắc nghiệt, người dân thường chịu cảnh thiếu nước trầm trọng trong mùa khô. Tiêu, điều là nguồn nông sản chính nhưng cũng phải “chết đứng” vì thiếu nước. Nhà máy, xí nghiệp không có, người dân thiếu việc làm quanh năm.

 

Theo chân những vị lãnh đạo của thị trấn An Lộc, lượn vòng qua nhiều con hẻm nhỏ, tôi tìm đến với “làng ung thư”. Trong những căn nhà tồi tàn xiêu vẹo, nhiều giọt nước mắt xúc động đã lăn dài trên má của những người mẹ, người chị khi đón chúng tôi.

 

Số tiền 17,3 triệu đồng nói trên được trích ra từ Quỹ Nhân ái báo Dân trí, trong đó 10 triệu đồng và số còn lại là lòng hảo tâm đóng góp của Công ty Mai Thư cùng bạn hữu tại TPHCM.

 

Chị Đỗ Thị Cúc, người bị ung thư tim, hở van động mạch chủ, nằm một mình co quắp trên giường, trong túp lều tàn. Mang bệnh nặng nhưng chị vẫn gắng gượng ngồi dậy tiếp khách, trên trán và hai bên thái dương còn dính đầy những miếng cao dán. Ngồi trò chuyện được một lúc, người chị bỗng run lên lẩy bẩy, giọng nói cũng trở nên mất chuẩn bởi những cơn đau hành hạ.
 

 
Hơn 17 triệu đồng đến với “Xóm không chồng” - 1

Đại diện chính quyền địa phương trao quỹ nhân ái cho chị Cúc.

 

Cầm 4,2 triệu đồng do đại diện chính quyền địa phương trao, hai tay chị run run, những giọt nước mắt không theo ý muốn bỗng trào ra. Người phụ nữ nhiệt tình với những công việc xã hội ngày nào giờ trở thành một con người tiều tụy, sự sống leo lét như ngọn đèn dầu trước gió.

 

Rời nhà chị Cúc, chúng tôi ghé thăm cháu Lưu Thành Tâm, cậu bé bị ung thư máu từ lúc lên 5. Căn nhà đìu hiu, chất chứa nhiều khổ đau, bất hạnh của một gia đình luôn thiếu tiếng cười. Người cha đã bỏ đi biệt xứ từ khi Tâm còn trong bào thai. Mấy năm sau, ông ngoại Tâm lại mắc bệnh xơ gan phải nằm liệt một chỗ đến giờ.
 
Hơn 17 triệu đồng đến với “Xóm không chồng” - 2

 

Mọi chi phí cho sinh hoạt thường ngày của 4 con người trong gia đình đều trông chờ vào công việc giác hơi, cạo gió của chị Hạnh (mẹ Tâm) và số tiền ít ỏi kiếm được từ công việc phụ quán ăn của người bà đã già. Bệnh tình của Tâm đang phát triển theo chiều hướng xấu, mỗi tháng truyền máu một lần nhưng bụng cháu vẫn ngày càng phình to, nước da xanh bủng.

 

Hoàn cảnh thương tâm của cháu Lưu Thành Tâm đã được báo Dân trí hỗ trợ 2 triệu đồng, Công ty Mai Thư giúp cháu 2,4 triệu đồng. Tuy nhiên, khoản tiền để lo chạy chữa cho cả hai ông cháu mỗi tháng lên đến gần 5 triệu đồng.

 

Mơ ước có được căn nhà làm nơi trú ngụ

 

Rời nhà cháu Tâm, chúng tôi tiếp tục ghé thăm chị Ngô Thị Thơi, người phụ nữ đang mang trong mình căn bệnh ung thư vú. Chồng của chị đã chết vì bệnh ung thư cách đây gần nửa năm. Mọi tài sản trong nhà và cả mảnh đất, chị đã mang bán hết với hy vọng sẽ cứu được chồng, thế nhưng… Nhắc đến nỗi đau ấy, chị quay mặt đi nơi khác, lấy tay áo lau vội dòng nước mắt.
 
Hơn 17 triệu đồng đến với “Xóm không chồng” - 3
Chị Thơi xúc động nhận số tiền 4,7 triệu đồng.

 

Với hai bàn tay trắng, chị phải tần tảo nuôi hai đứa con ăn học. Cả ba mẹ con chị đang ở nhờ trong nhà của người chị gái. Những khoản chi tiêu và chu cấp cho các con chỉ trông chờ vào gian hàng bán đồ chơi trẻ em ngoài chợ. Chị Thơi đã được báo Dân trí giúp 2 triệu đồng, Công ty Mai Thư cùng các đồng sự hỗ trợ 2,7 triệu đồng.

 

Niềm vui bất chợt đến với cả đoàn chúng tôi khi đến nhà chị Vũ Thị Loan ở ấp Phú Lạc, xã Thanh Phú. Hơn một tháng trước chị Loan bị xuất huyết não phải đưa đi cấp cứu tại bệnh viện. Mọi người đều nghĩ rằng chị sẽ chết, từ con cái đến họ hàng và bà con lối xóm đã đến nhìn mặt chị lần cuối.
 
 
Hơn 17 triệu đồng đến với “Xóm không chồng” - 4

Sau hơn 1 tháng nằm liệt đến nay chị Loan đã có thể đi lại được.

 

Nhưng tử thần đã không mang chị đi. Gần 1 tháng sau khi xuất viện, chị chỉ nằm liệt một chỗ, nhưng nhờ được uống thuốc điều độ và châm cứu thường xuyên, đến nay chị đã đi lại được. UBND xã cũng vừa trao cho gia đình chị căn nhà tình thương trị giá 10 triệu đồng. Quỹ Nhân ái của báo Dân trí ủng hộ chị 2 triệu đồng.

 

Nỗi day dứt lớn nhất đối với đoàn chúng tôi khi ghé thăm các gia đình là hoàn cảnh khốn khó của mẹ con chị Vũ Thị Tuyết. Chị không có chồng nhưng có một đứa con gái (người chồng đã bỏ chị khi đứa bé còn chưa kịp chào đời). Thấy có khách đến, chị chạy vội sang nhà hàng xóm mượn mấy chiếc ghế nhựa về đặt giữa sân.

 

Trong túp lều chưa đầy 12m2, do người hàng xóm tốt bụng cho dựng nhờ trên đất của họ, chỉ đủ để kê một chiếc giường nằm và đặt mấy cái xoong nồi. Góc học tập của cháu Vũ Thị Tuyết Ngân được kê ngay trên giường. Ngay cả chiếc đèn điện để học bài cháu cũng không có, những lúc tối trời, cháu phải mang sách vở ra sân đọc.
 
Hơn 17 triệu đồng đến với “Xóm không chồng” - 5

Khoản tiền 2 triệu đồng này chị Tuyết sẽ gửi người chị
giữ hộ vì sợ mình sẽ tiêu mất trong lúc túng thiếu.

 

Cầm 2 triệu đồng báo Dân trí ủng hộ, chị Tuyết rưng rưng: “Mấy năm nay tôi chỉ kiếm được ít đồng trong ngày chẳng đủ để lo cái ăn, cái mặc cho con. Khoản tiền này với mẹ con tôi là một tài sản khổng lồ”.

 

Chị Tuyết sợ trong lúc khó khăn mình sẽ tiêu hết tiền nên đã tính đến chuyện mang gửi cho người chị gái giữ hộ, xem đó như những tích cóp ban đầu để chị thực hiện mơ ước xây được căn nhà nhỏ làm nơi trú ngụ cho hai mẹ con.

 
Hơn 17 triệu đồng đến với “Xóm không chồng” - 6

Túp lều rách nát của mẹ con chị Tuyết đang được
dựng nhờ trên đất của hàng xóm.

 
 

Tu sĩ Thích Chân Lý, trưởng ban Hoàng Phát Phật giáo Bình Phước đồng thời là thầy Trụ trì của chùa Chưởng Phước cho biết: “Hoàn cảnh của cô Tuyết đáng thương lắm. Gia đình có mấy anh em thì đều nghèo cả, cô ấy sống trong cảnh khổ từ nhỏ đến giờ. Cả hai mẹ con chỉ mong mỏi có được căn nhà che mưa che nắng. Từ khi cháu bé chào đời đến giờ, họ vẫn phải sống trong cảnh bần hàn”.

 

Thầy Thích Chân Lý cũng cho biết thêm: “Nhà chùa đã vận động Phật tử giúp đỡ, nhưng người dân trên mảnh đất này còn nghèo lắm nên căn nhà tình thương của mẹ con cô Tuyết vẫn chưa có kinh phí thực hiện”.

 

Thông qua báo Dân trí, thầy tha thiết kêu gọi mọi người ủng hộ cho những hoàn cảnh khó khăn ở địa phương để người dân nơi đây từng bước thoát qua cảnh đói nghèo, xóa đi những căn nhà tạm bợ.

 

Tất cả những gia đình được giúp đỡ đều bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc của mình đến tòa soạn báo Dân trí và các mạnh thường quân. Chị Cúc nghẹn ngào nói: “Tôi sống được đến hôm nay là nhờ có được sự giúp đỡ của xã hội. Lòng tốt của mọi người tôi sống thì giữ, chết sẽ mang theo…”.

 

Đại diện chính quyền địa phương, ông Nguyễn Phước Lộc, Chủ tịch MTTQ khu phố Phú Đức, thị trấn An Lộc cảm động bày tỏ: “Chúng tôi cảm ơn báo Dân trí đã làm nhịp cầu nối giữa các nhà hảo tâm với những hoàn cảnh khó khăn của địa phương. Hy vọng trong thời gian tới, người nghèo khổ trên quê hương tôi sẽ còn nhận được nhiều hơn nữa những tấm lòng vàng trên khắp mọi miền đất nước”.

 

Vân Sơn