(Dân trí) - Nhà có 6 người thì 4 người bị bệnh, gia đình vốn đã nghèo càng trở nên kiệt quệ. Gần đây họ phát hiện bé gái một tuổi bị ung thư, khiến cả nhà suy sụp không biết bấu víu vào đâu.
Chồng nhịn ăn nhường cơm cho vợ có sức khỏe chăm con
Đấy là trường hợp của gia đình anh Bùi Văn Kỳ (SN 1993) và vợ là chị Bùi Thị Lan (SN 1996), dân tộc Mường ở thôn Cầu Hồ, xã Mậu Lâm, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa.
Đã gần 2 tháng trời, anh Kỳ và chị Lan gửi con trai 5 tuổi bị bệnh ở quê, để đưa con gái là Bùi Kỳ Duyên (SN 2023), ra Hà Nội điều trị ung thư. Mọi việc ở nhà đều trông cậy vào bố mẹ anh Kỳ là ông Bùi Văn Dũng (76 tuổi) và bà Vũ Thị Đào (67 tuổi).
Theo giấy xác nhận tình trạng bệnh tật từ Bệnh viện Nhi Trung ương, cấp ngày 15/7/2024, bệnh nhân Bùi Kỳ Duyên (SN 2023) được chẩn đoán bị u nguyên bào thần kinh, giai đoạn IV (di căn hạch), nguy cơ cao. Hiện đang được điều trị hóa chất tại Khoa Ung thư.
Ngồi vẩn vơ, nhìn vô định ở sân bệnh viện, anh Bùi Văn Kỳ sầu não bộc bạch: "Nhà em có 6 người thì 4 người bị bệnh. Mẹ em bị bệnh khớp nhiều năm, thường xuyên đau ốm, không làm được việc nặng; bố em cắt túi mật năm 2017 đến nay sức khỏe kém hẳn; con trai em bị thiếu men G6PD nên phải kiêng đủ thứ, người bị thiếu máu và bị vàng da. Giờ đến con gái em cũng bị bệnh nốt".
Anh Kỳ nặng lòng chia sẻ rằng, từ lúc nhận tin dữ, cả gia đình vô cùng buồn bã, hoang mang, lo lắng và suy sụp. Mẹ anh khóc nhiều vì thương con, thương cháu rồi lăn ra ốm, nằm li bì. Bố anh tuổi đã cao cứ một mình lò dò làm mọi thứ để chăm vợ và cháu nội.
Đối với gia đình, những ngày qua như là một cơn ác mộng. Từ khi đứa con gái bị bệnh, 2 vợ chồng trẻ đã dừng tất cả công việc. Chị Lan thì nghỉ làm công nhân ở công ty giày, anh Kỳ thì gác lại việc nương rẫy, gửi con ở nhà nhờ bố mẹ trông nom rồi cùng ra Hà Nội lo cho bé Duyên. Vì vậy, hiện tại, thu nhập của cả gia đình là "0 đồng", nhưng ngày nào cũng cần tiền để trang trải mọi thứ.
"Bác sĩ nói, nếu mà tình hình tiến triển tốt thì có thể ghép tế bào gốc cho con. Việc này tốn khoảng 300-500 triệu đồng, thậm chí cần nhiều hơn nữa. Bây giờ con còn nhiều hy vọng nhưng vợ chồng em thì hết sạch tiền rồi. Cứ cách hôm em lại nhịn đói nhường suất ăn cho vợ con. Từ sáng đến giờ em vẫn nhịn", anh Kỳ chia sẻ trong tình trạng nói không ra hơi, mặt khá nhợt nhạt.
Đối với vợ chồng anh Kỳ, chị Lan, niềm an ủi lớn nhất những ngày cho con nằm điều trị ở đây là, các bác sĩ rất tốt, bệnh viện cũng tạo điều kiện để anh có chỗ nằm ở phòng cộng đồng dành cho những gia đình khó khăn. Bên cạnh đó, những suất cơm, cháo, phở của các nhóm từ thiện vừa giúp anh thấy ấm lòng, vừa bớt được một khoản chi phí.
"Mỗi ngày, chịu khó xếp hàng từ 9 giờ sáng đến trưa cũng được một suất ăn. Cả ngày em ăn một bữa cơm từ thiện. Nhưng việc đó cũng không diễn ra thường xuyên, vì có ngày con phải cấp cứu hoặc vợ bảo chạy đi chỗ này chỗ kia, không kịp xếp hàng thì hết lượt ạ", anh Kỳ nói.
Nỗi lo bán đi sào ruộng cuối cùng
Ở Cầu Hồ, gia đình bố mẹ anh Kỳ có 6 người sống trong căn nhà cấp 4, lụp xụp sát chân núi đá, cuối thôn. Ở đây đất đai cằn cỗi, quỹ đất ít, vườn nhỏ hẹp cũng không phát triển được kinh tế. Vì vậy, 2 vợ chồng anh Kỳ, chị Lan gửi con lại cho bố mẹ già để đi làm công nhân.
Từ ngày nên vợ nên chồng, chị Lan bàn với anh Kỳ, bắn tôn, cơi nới thêm phòng nhỏ để chung sống, phụng dưỡng bố mẹ chồng. Ở vùng quê này này, hai vợ chồng anh Kỳ, chị Lan được đánh giá là chịu thương, chịu khó, sống hiền lành chan hòa với mọi người. Chính vì vậy, khi biết tin cả hai bé con của họ bệnh thì nhiều người cũng xót xa, thương cảm.
Tuy nhiên, tình làng nghĩa xóm cũng chỉ thăm hỏi, động viên và giúp đỡ được phần nào, còn những khó khăn chồng chất trước mắt chỉ có thể tự thân gia đình lo liệu.
Theo chia sẻ từ chị Lan, gia đình đang nợ ngân hàng 100 triệu đồng, vay để trồng cây keo; 50 triệu đồng vay họ hàng cho con đi viện. Gia đình đã hết khả năng trả nợ vì toàn thời gian ở viện, không làm ra tiền, mà bố mẹ ở nhà già yếu, có bệnh nên cũng trông cháu, trông nhà thôi.
"Nhà có hơn 4 sào ruộng thì em đã bán đi 3 sào để có tiền lo cho con. Giờ còn hơn một sào và một con lợn nái. Đường cùng sẽ phải bán hết ruộng, còn căn nhà thì sống chết cũng phải giữ lại vì bố mẹ có tuổi rồi không thể bán được", anh Kỳ chia sẻ nỗi trăn trở.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Mậu Lâm: "Gia đình anh Kỳ, chị Lan thuộc diện hộ nghèo, có 6 khẩu, nhà ở xa trung tâm, đường sá đi lại rất khó khăn, kinh tế lại càng khó nữa. Ông Dũng, bà Đào già yếu rồi, có 2 cháu nội thì đều có bệnh, cháu thứ 2 mắc bệnh ung thư nằm viện triền miên nên hoàn cảnh rất éo le.
Địa phương, rất mong bạn đọc báo Dân trí và các nhà hảo tâm giúp đỡ để gia đình vượt qua cơn hoạn nạn này".