Thanh Hóa:
Gần 85 triệu đồng đến với gia đình ba đứa trẻ sống với ông bà tàn tật
(Dân trí) - Ngày 28/4, PV Dân trí đã đến thăm và trao số tiền 84.480.000đ đến gia đình 3 cháu bé sống cùng ông bà nội tàn tật tại thôn Mực, xã Cẩm Qúy, huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa), nhân vật trong bài viết “Bố chết, mẹ bỏ đi, 3 đứa trẻ sống lay lắt với ông bà nội tàn tật”.
Tôi trở lại thăm Diệu, Ly, Linh- 3 đứa trẻ tội nghiệp sống cùng ông cụt tay, bà mù mắt ở một huyện miền núi xa xôi của Thanh Hóa. Những đứa trẻ khốn khổ và tội nghiệp ấy là con của người cha xấu số đã chết do bệnh hiểm nghèo và người mẹ thì bỏ đi biệt xứ.
Vẫn cái cảnh nhà “nát bươm” không một thứ gì giá trị trong nhà, 3 đứa trẻ đang lăn lóc chơi đồ hàng. Đã đến giờ ăn trưa nhưng trong nhà, nồi niêu nguội lạnh, bà Xoa thấy khách đến nhà thì ngại ngùng mà nói rằng, thấy hàng xóm cho chúng bát cháo rồi nên chẳng nấu cơm nữa còn ông bà thì ngày ăn một lần là được rồi.
“Già chừng này rồi, chẳng làm được cái gì thì không ăn gì cũng không sao cô ạ” – bà Xoa nói trong nỗi xót xa.
Bố chết khi đứa lớn nhất mới 5 tuổi, còn đứa út mới lên 1. Đói, no, rau cháo thế mà cũng đã trải qua 4 năm. Bà Xoa bảo may mắn mà chúng ít ốm đau và cứ thế lớn lên, nhiều lúc nghĩ lại bà không biết chúng đã lớn lên bằng cách nào nữa bởi đói nghèo, miếng cơm manh áo cứ phải chạy từng bữa. Ông Vinh thì dù cụt một tay và tai điếc nhưng vẫn cố đi làm thuê làm mướn để mưu sinh cuộc sống cho chừng nấy con người.
Dường như mỗi lần kể về gia cảnh của mình bà Xoa lại như có dao cứa vào trái tim già nua ấy. Nước mắt cứ thế mà ứa ra trong hõm mắt hốc hác, sâu hoáy. Bà bảo thương cháu bao nhiêu thì trách con dâu bà bấy nhiêu vì đang tâm mà bỏ rơi máu mủ của mình. Dù thương cháu, ông bà cũng chẳng thể cho chúng một cuộc sống khá khẩm hơn được. Cứ thế, bữa đói, bữa no, chừng nấy con người sống lay lắt bước qua những ngày khốn khổ.
Những ngày vừa qua, thông tin về gia cảnh những đứa cháu của bà được đăng tải lên báo, đã có nhiều nhà hảo tâm đã tìm đến tận nơi mua cho 3 đứa trẻ tội nghiệp này những bộ quần áo, những thùng mì tôm khiến bà vui lắm. Bà bảo lâu lắm rồi chúng mới có được quần áo mới, cũng lâu lắm rồi nhà bà mới có khách đến nhà.
Nhận trên tay số tiền bạn đọc báo Dân trí ủng hộ, bà Xoa thật thà: “Sống gần hết đời người, cũng sắp về với tổ tiên, lần đầu tiên trong đời tôi được cầm số tiền lớn như thế này. Số tiền này tôi sẽ dành một ít sửa lại mái nhà cho chúng ở đỡ dột, một ít để mua gạo, thức ăn còn lại tôi gửi tiết kiệm để sau này cho mấy đứa khi chúng tôi không còn sống trên đời này nữa. Cho tôi gửi lời cảm ơn mọi người đã giúp đỡ bà cháu chúng tôi thoát khỏi cuộc sống đói khổ này”.
Nguyễn Thùy