Mã số 1244:
Đắng lòng người cha nghèo xin được bác sĩ cưa chân
(Dân trí) – Nghĩ đến cảnh nợ nần chồng chất, hai con thơ nheo nhóc, vợ phải xin từng miếng cơm thừa của bệnh nhân cùng phòng, Của năn nỉ bác sĩ đoạn chi cho mình. “Đau đớn, tật nguyền em cắn răng chấp nhận, vì mình mà vợ con khổ thế này em không đành lòng.”
“Thằng con tôi nằm cùng phòng này nhiều tuần rồi, bệnh tật ai cũng khổ nhưng như cảnh của cô chú đây thì nghiệt ngã quá. Bữa nào có cơm từ thiện, cô ấy còn được lưng dạ còn không thì ai cho gì ăn đó, một thân một mình chăm chồng tiền bạc chẳng có đồng nào dính túi, sống được đã là giỏi.” Đó là tình cảnh của vợ chồng anh Nguyễn Văn Của (33 tuổi) và chị Thạch Thị Phượng (32 tuổi, người đồng bào Khơme) qua lời kể của ông Nguyễn Trung Trực, người thăm nuôi bệnh tại khoa Chấn thương Chỉnh hình.
BS Nguyễn Thành Luân cho biết: “Ngày 15/10, bệnh nhân Của được chuyển đến Chợ Rẫy trong tình trạng dập nát bàn chân phải, mất hoàn toàn da bàn chân và một phần cơ. Hiện bệnh nhân đã trải qua 5 lần phẫu thuật để vạt cơ; cắt lọc hoại tử; bù cơ, da bàn chân. Tuy nhiên, do tổn thương quá nặng nên thời gian điều trị còn kéo dài, dự kiến bệnh nhân phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật nữa. Song mới đây, bệnh nhân một mực yêu cầu chúng tôi cưa chân cho anh, đề nghị này bệnh viện không chấp thuận vì chân của bệnh nhân vẫn có thể giữ được nếu đáp ứng đủ điều kiện.”
Nằm trên giường bệnh với cẳng chân phải treo ngược đã được nẹp cố định bằng đinh vít, quấn băng trắng toát, cơ thể còn chi chít vết sẹo anh Của chưa hết bàng hoàng nhớ lại: “Hôm đó khoảng 4 giờ sáng, sau chuyến đi bắt dơi em đang trên đường từ Tiền Giang về Vĩnh Long thì bất ngờ bị xe tải tông từ phía sau cuốn cả em và chiếc xe gắn máy vào gầm kéo lê một đoạn dài. Sau khi được người đi đường kéo ra khỏi gầm xe, em không biết gì nữa, tỉnh dậy thì đã thấy mình nằm trong bệnh viện.”
Gia đình thuộc diện hộ nghèo của địa phương, không ruộng đất, tài sản lớn nhất của hai vợ chồng anh Của chỉ có chiếc xe máy cà tàng mua 4 triệu đồng cách đây đã 3 năm để lấy phương tiện đi làm. Hạnh phúc của cặp vợ chồng nghèo cũng chẳng được vẹn toàn, anh chị đã có với nhau hai mặt con nhưng đứa con đầu lòng là Nguyễn Thị Ngọc Diễm (10 tuổi) từ khi sinh ra đã bị chứng tâm thần phân liệt, đến nay mọi sinh hoạt đều phụ thuộc vào cha mẹ. Năm 2013, anh chị sinh thêm bé gái Thạch Nguyễn Diễm My, hạnh phúc giữa cảnh nghèo được bù đắp phần nào khi cháu sinh ra khỏe mạnh hoạt bát.
Chị Phượng phải ở nhà chăm con nhỏ nên cuộc sống cả nhà chỉ trông chờ vào những đồng tiền ít ỏi anh Của kiếm được qua từng ngày công “thợ đụng” (ai kêu gì làm đó - PV). Thời gian trước ngày xảy ra vụ tai nạn định mệnh, anh Của bị thất nghiệp kéo dài đến lon gạo cho vợ con ăn qua ngày cũng phải mượn hàng xóm. Đường cùng, anh quyết định đi bắt dơi (loài dơi ăn quả) về bán cho những người có nhu cầu.
“Để bắt được dơi, em phải rong ruổi lên tận huyện Bình Chánh của TPHCM hoặc xuống tận Cà Mau vì khu vực gia đình sinh sống nhiều người bắt nên dơi ít về. Muốn bắt được dơi phải căn thời điểm trong đêm khi chúng rời ổ đi kiếm ăn mình mới vợt được. Mỗi con dơi chỉ bán được khoảng 5 nghìn đồng nhưng không phải lần nào đi cũng bắt được.” Anh Của cho biết.
Trước lúc tai nạn xảy ra anh Của đang trở về nhà, sau nhiều ngày đi Tiền Giang anh bắt được gần 100 con dơi. Đang khấp khởi hy vọng sau khi bán dơi sẽ có đồng ra đồng vào để vợ lo miếng ăn cho các con thì tai nạn bất ngờ ập đến. Chị Phượng ngã quỵ khi nhận tin chồng bị xe tải tông phải chuyển lên bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu. Chạy khắp nơi, chị mới vạy được gần 2 triệu đồng sau khi gửi con cho ông bà nội người mẹ tất tả lên với chồng. Nhưng khoản tiền chị mượn được chẳng thấm vào đâu, chưa đầy một ngày sau đã hết nhẵn, bệnh viện tiếp tục yêu cầu gia đình đóng tạm ứng để lo chi phí điều trị.
Gần một tháng rưỡi anh Của nằm viện, ngoài khoản tiền 13 triệu đồng được tài xế hỗ trợ, để đóng tạm ứng gần 40 triệu đồng chi phí điều trị cho chồng, chị Phượng đã phải cầm cố nhà cửa. “Giờ thì nhà đã chẳng còn, em biết kiếm đâu ra hàng chục triệu nữa để tiếp tục điều trị cho chồng. Nếu anh ấy tật nguyền mẹ con em biết nương tựa vào đâu để sống. Con em còn bú sữa mẹ, xa con em phải vắt sữa bỏ đi nhưng ở nhà ông bà buộc phải cho bú sữa bột mua theo ký ngoài chợ.” Chị Phượng gạt nước mắt nghĩ đến tương lai tối đen như mực của cả gia đình.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: 1. Mã số 1244: Chị Thạch Thị Phượng, khoa Chấn thương Chỉnh hình, bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM. Điện thoại: 01664.660.042 2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học & Dân trí - Báo điện tử Dân trí. Ngõ 2 nhà số 48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội (Cạnh bến xe Kim Mã) Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490 Email: quynhanai@dantri.com.vn Bạn đọc ủng hộ qua các tài khoản sau: * Tài khoản VNĐ tại VietComBank: * Tài khoản USD tại VietComBank: Account Number: 045 137 195 6482 Swift Code: BFTVVNVX Bank Name: THE BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM (VietComBank) * Tài khoản VNĐ tại VietinBank: * Tài khoản VNĐ tại Ngân hàng Quân đội (MB) Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí Tại Ngân hàng TMCP Quân đội – Chi nhánh Thái Thịnh - Hà Nội * Tài khoản USD tại Ngân hàng Quân đội (MB) Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí Swift Code: MSCBVNVX Bank Name: MILITARY COMMERCIAL JOINT STOCK BANK - MCSB ( No.3, Lieu Giai str., Ba Dinh Dist., Hanoi, Vietnam) 3. Văn phòng đại diện của báo: VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122 VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725 VP HCM: số 39L đường 11 (Miếu Nổi), phường 3, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Tel: 0866786885 VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 0710.3.733.269 |
Vân Sơn