
"Ở đây, dân bản nhường nhà riêng, thôn xóm bố trí nhà văn hóa cũ để các cháu có nơi học tạm nên chúng tôi rất mong được bạn đọc báo Dân trí chung tay hỗ trợ xây dựng phòng học khang trang, kiên cố", ông Cho bày tỏ.
Cuối năm 2024, báo Dân trí phối hợp cùng Công an tỉnh Sơn La và chính quyền địa phương, tiến hành khảo sát để có phương án hỗ trợ các điểm trường gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Trong đó, điểm trường mầm non Bản Mạo (xã Chiềng Công, huyện Mường La) không chỉ khó khăn về cơ sở vật chất mà còn chịu nhiều thiệt hại do ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 (Yagi) tháng 9/2024.
Sau bão Yagi (9/2024), địa bàn Mường La, Sơn La nhiều nơi bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chính quyền địa phương khi đó đã khẩn cấp di dời người dân tới những khu vực an toàn, trú tạm ở những căn lều dã chiến. Để học sinh không bị gián đoạn việc học, các lớp học tạm cũng được dựng lên.

Học sinh ngồi học nhờ nhà dân (Ảnh: Mạnh Mường).
Dẫu khó khăn vất vả bủa vây, các cô giáo vẫn bám bản… Trên các bản làng, đỉnh núi, sườn đồi mây vờn vẫn vang lên tiếng con trẻ i tờ, những bài học, lời ca vẫn cất lên.
Cô giáo Cà Thị Linh 22 tuổi (quê Sơn La), nhà cách điểm trường 60km, đi lại phải gần 3 tiếng đồng hồ nên cô ở trọ gần trường để tiện công tác. Theo cô Linh, điểm trường mầm non Bản Mạo thuộc Trường mầm non Chiềng Công (xã Chiềng Công, huyện Mường La, tỉnh Sơn La) còn quá nhiều khó khăn.
Điểm trường có 2 lớp học (mẫu giáo lớn 19 cháu, mẫu giáo ghép 21 cháu). Trong đó, 1 lớp phải mượn nhà văn hóa Bản Mạo là nhà gỗ đã xuống cấp và rất nhỏ hẹp làm lớp học; 1 lớp được học ở nhà xây đã cũ xuống cấp và bị hư hỏng.
Cô giáo Lường Thị Chuyên (SN 2002, xã Mường Chùm, huyện Mường La, Sơn La) chia sẻ: "Bản Mạo còn nhiều khó khăn, phòng học không đủ chỗ cho các con tới lớp. Do trường mầm non chưa có bếp ăn, các con phải về nhà ăn trưa sau buổi học sáng. Một số em nhỏ do nhà xa, các em về nhà thường bỏ luôn buổi học chiều".

Cô Chuyên, cô Linh và các em nhỏ ở điểm trường mầm non Bản Mạo ao ước có phòng học khang trang, kiên cố (Ảnh: Mạnh Mường).
Giáo viên chưa có nhà công vụ, nhà vệ sinh đảm bảo tiêu chuẩn, không đảm bảo cho hoạt động dạy, học, nghỉ ngơi, vui chơi của giáo viên và học sinh.
Đối với những cô giáo trẻ, việc bám các điểm trường không sóng điện thoại, không mạng rất buồn chán. Tuy nhiên, các cô giáo bằng tình yêu thương trẻ em vẫn gắn bó với mảnh đất này.
Cô trò tại điểm trường vùng cao không những phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, gian tan từ việc đi lại, sinh hoạt đến cơ sở vật chất trường lớp... Hàng ngày, các cô phải đi xin nước của người dân đựng vào can để chở về điểm trường cho học sinh.

Nhà văn hóa thôn được dùng làm lớp học tạm bợ của các cháu mầm non Bản Mạo (Ảnh: Mạnh Mường).
Theo chia sẻ của ông Lý A Cho, Bí thư Đảng ủy xã, Chiềng Công nằm cách trung tâm huyện Mường La 35km. Tổng diện tích tự nhiên là 14.065,15ha. Toàn xã có 15 bản với 1124 hộ; 6069 nhân khẩu, có 2 dân tộc cùng sinh sống gồm người La Ha và người Mông.
Tỷ lệ hộ nghèo của địa phương còn cao. Tổng số hộ nghèo là 417 hộ chiếm 42,6%, hộ cận nghèo là 88 hộ chiếm 9%. Người dân sinh sống chủ yếu dựa vào nghề nông nghiệp. Năm 2024 toàn xã thu nhập bình quân đầu người đạt 11.880.000 đồng/năm.

Điểm trường mầm non Bản Mạo là một trong những điểm trường đặc biệt thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học… Nhiều hạng mục tại điểm trường đã bị xuống cấp như trần đã rơi xuống sau mưa bão, mái nhà bị dột... Tường xung quanh trát xi măng bị bong tróc, không còn đảm bảo an toàn.
"Ở đây, dân bản nhường nhà riêng, thôn xóm bố trí nhà văn hóa cũ để các cháu có nơi học tạm nên chúng tôi rất mong được bạn đọc báo Dân trí chung tay hỗ trợ xây dựng phòng học khang trang, kiên cố", ông Lý A Cho bày tỏ.