1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Mã số 538:

Cứu giúp ước mơ của 3 đứa trẻ mồ côi cha mẹ

(Dân trí) – Mẹ mất, bố qua đời chỉ sau một thời gian ngắn, anh em Hoàng trở thành những đứa trẻ mồ côi không nơi nương tựa. Hoàng có biểu hiện của bệnh trầm cảm, khép kín bản thân với mọi người. Giờ anh em Hoàng lại có nguy cơ phải nghỉ học vì quá nghèo.

Tìm về căn nhà nhỏ của 3 anh em Nguyễn Đình Hoàng tại thôn 11, xã Quảng Hải, huyện Quảng Xương, Thanh Hoá vào một ngày chủ nhật mưa phùn ướt át, Hoàng vẫn vắng nhà như mọi khi, mặc dù chúng tôi có gọi điện trước hẹn gặp, chỉ có một cụ bà hơn 80 tuổi cùng hai em gái ra tiếp chúng tôi. 

Sau chén nước trắng để nguội cùng vài câu hỏi xã giao, chúng tôi được nghe câu chuyện  đầy bất hạnh về cuộc đời của 3 anh em Hoàng với nỗi đau mất đi bố mẹ và sự túng thiếu, đói khát đeo bám cuộc đời 3 anh em cậu thông qua người bà nội hơn 80 tuổi.  

Năm 1996, bố mẹ Hoàng là anh Nguyễn Đình Oanh và chị Trần Thị Huyên đến với nhau trong cái đói, cái khổ của một vùng biển nghèo đầy sóng gió. Bố Hoàng làm nghề bán báo, đánh giầy hay bất kì công việc gì nặng nhọc có thể kiếm được tiền đong gạo, còn mẹ Hoàng là một phụ nữ tần tảo, quanh năm “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” với hơn 1 sào ruộng cấy nhưng vẫn không đủ ăn. Mùa màng rảnh, chị lại lao đi làm thuê, chỉ mong đủ tiền đong bát gạo hàng ngày. Tưởng chừng cuộc sống khó khăn nhưng ấm êm, hạnh phúc kéo dài, ai ngờ nỗi bất hạnh lại gieo giắc lên số phận người mẹ thân yêu của anh em Hoàng. 

Chị Trần Thị Huyên sinh đến cô con gái thứ 3 là em Nguyễn Thị Hoa (2001) được một tháng thì phát bệnh tim, các bác sĩ cho biết chị Huyên bị hẹp van tim, sức khoẻ rất yếu nên cần nhập viện sớm. Nằm chữa trị hơn 2 tháng tại bệnh viện và tiêu tốn hàng trăm triệu tiền viện phí nhưng sức khỏe chị Huyên vẫn không thuyên giảm, gia đình đành đưa chị về nhà chăm sóc và cho uống thuốc Bắc. 

Cứu giúp ước mơ của 3 đứa trẻ mồ côi cha mẹ

Mặc dù bận việc ôn thi đội tuyển HS giỏi nhưng về nhà là Hoàng giúp bà thái chuối cho lợn, cho gà ăn
 
Thấy sức khoẻ khá hơn một chút, đồng ruộng lại ít làm không đủ ăn, chữ nghĩa không thạo nên chị Huyên xin phép gia đình ra Hà Nội, vào miền Nam làm nghề hành khất, may đây mà đó để kiếm chút tiền nuôi thân và trả nợ tiền viện phí, còn anh Oanh vẫn tiếp tục đi bán báo, đánh giầy thuê.

Cuộc sống vất vả, lao lực, lại thêm bệnh tật nên sức khoẻ chị Huyên yếu đi từng ngày, chị phát bệnh nặng. Gia đình biết chuyện, vay mượn khắp nơi được ít tiền cho anh Oanh vào đưa chị về, nhưng do sức khoẻ quá yếu nên chị đã qua đời trên đường về quê vào năm 2005. Bà Lê Thị Thiết (bà nội Hoàng) rưng rưng nước mắt: “Con dâu tôi qua đời sớm quá, để lại 3 đứa con nhỏ nheo nhóc cho chồng. Đến nhìn mặt các con lần cuối cũng không kịp, tôi đau lòng và thương các cháu lắm. Cả đời con nó vất vả, nay qua đời cũng không được về nhà. Cảnh gà trống nuôi con cô biết rồi đấy, khó khăn vô cùng. Nhưng may được con dâu phù hộ nên các cháu đều khoẻ mạnh và chăm ngoan”. 

Rồi những đứa con thân yêu của anh Oanh cũng khôn lớn mỗi ngày, các em vẫn được đến trường như báo đứa trẻ khác. Nhưng thiếu bàn tay chăm sóc, âu yếm của người mẹ nên trông các em có phần xanh xao. Suốt ngày lang thang ngoài đường bán báo, đánh giày mà không kể nắng mưa, ốm đau nên anh Oanh đã phát bệnh vào năm 2010. Ban đầu, anh Oanh thấy có nổi cục hạch ở cổ, nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, ham công việc nên anh không đi khám, đến khi phát bệnh nặng anh mới biết mình bị ung thư hạch và hai tháng sau đó anh đã qua đời dưới nỗi đau và tiếng khóc thảm thương của 3 đứa trẻ mồ côi. 

Bà Thiết rơm rớm nước mắt: “Bố chúng nó qua đời nhanh lắm, chỉ kịp dặn dò anh em là hãy cố gắng giúp đỡ các cháu, để các cháu được cắp sách đến trường, tuổi thơ của các cháu đã quá vất vả và thiếu thốn về tình cảm, vật chất rồi và rồi con tôi nhắm mắt mãi mãi. Nhìn cảnh 3 đứa con thơ khóc đến khàn giọng trước nấm mộ của bố mẹ và một tương lai mịt mù phía trước mà tôi thương các cháu mình quá”.  

Cứu giúp ước mơ của 3 đứa trẻ mồ côi cha mẹ

"Tôi chỉ sợ sau khi nhắm mắt, các cháu tôi sẽ phải vơ bơ..."
 
Bố mẹ Hoàng qua đời khi các em của em còn rất nhỏ, vẫn đang cần bàn tay chăm sóc của người lớn nên bà nội 80 tuổi của em chuyển sang ở cùng với các cháu. Từ lúc đó, Hoàng cũng có ý định nghỉ học để tìm việc làm thêm kiếm tiền phụ giúp bà nuôi các em ăn học. 

Cô giáo Nguyễn Thị Hiền, giáo viên chủ nhiệm của Hoàng tâm sự: “Sau khi bố qua đời, một cú sốc quá lớn về tình cảm đến với Hoàng nên em có biểu hiện của bệnh trầm cảm, em sống khép kín và không muốn trò chuyện với ai, đến lớp em chỉ ngồi một chỗ, rất hiếm khi thấy khuôn mặt của em nở một nụ cười. Mới được nhà trường phân công là giáo viên chủ nhiệm lớp 7 nên tôi chưa hiểu nhiều về em, nhưng biết em có học lực khá và rất chăm ngoan. 

Sau khi tìm hiểu hoàn cảnh gia đình của Hoàng, tôi tìm cách gần gũi em, an ủi, động viên và chăm sóc em như một người mẹ thứ hai. Trong học tập, tôi chỉ bảo em tận tình từng bài toán, bài văn... Nhận được tình cảm chăm sóc, gần gũi của những người xung quanh nên chỉ sau 2 – 3 tháng, Hoàng trở lại là cậu học sinh vui tươi như ngày nào, học lực của em tiến bộ nhanh và vượt các bạn học sinh khác trong lớp. 

Năm lớp 8, Hoàng đoạt giải nhất Olympic Toán qua mạng Internet và tham gia đội tuyển thi học sinh giỏi huyện về môn Toán. Sang lớp 9, Hoàng lại đạt giải nhất cuộc thi giải Toán trên máy tính Casio cấp tỉnh và hiện tại, em đang nằm trong đội tuyển thi học sinh giỏi Toán cấp tỉnh. Từ một cậu học sinh có học lực khá với hoàn cảnh gia đình rất éo le, nhưng Hoàng đã vượt lên số phận để khẳng định bản thân và thay đổi sự nghèo khó bằng học hành. Các em của Hoàng là Nguyễn Thị Linh và Nguyễn Thị Hoa cũng noi gương anh trai trong học tập nên năm nào các em cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi, học sinh tiên tiến. Ngoài ra, các em còn giữ những chức vụ lớp phó học tập của lớp và được thầy cô yeu mến. 

Hoàng tâm sự: “Bố mẹ qua đời sớm khiến chúng em trở thành những đưa trẻ mồ côi, thiếu thốn cả về vật chất và tinh thần. Cơm cũng chỉ bữa no bữa lưng bụng nên em chỉ muốn nghỉ học để đỡ đần bà nuôi các em. Các em ấy thích đi học lắm và luôn ao ước sau này được thi vào đại học để theo đuổi ước mơ, nhưng hoàn cảnh nhà em thế này thì làm sao có tiền cho các em đi học được. Bà em già yếu lắm rồi, chỉ trông chờ vào sự giúp đỡ của các bác, các chú thôi”. 

Cứu giúp ước mơ của 3 đứa trẻ mồ côi cha mẹ

Vì nghèo quá nên anh em Hoàng cũng chưa bao giờ dám đi bệnh viện khám sức khoẻ, bởi bố mẹ em qua đời đều do bệnh K
 
Với 4 khẩu ăn nhưng bà cháu Hoàng chỉ có vài thước ruộng cho anh em làm rồi đến vụ họ trả cho ít lúa để ăn cùng sự trợ cấp cứu đói của chính quyền địa phương, ngày tháng còn lại bà cháu Hoàng phải đi đong gạo ngoài chợ về ăn. Bởi bà nội Hoàng già yếu, các em còn nhỏ nên không có người cày cấy. Mùa hè đến, anh em Hoàng lại tranh thủ đi làm thêm dưới biển, làm rau cho người ta để kiếm chút tiền đong gạo và mua đồ dùng học tập đầu năm mới. 

“Hôm nào có gạo thì nấu hơn một chút, còn ít thì nấu bớt đi để dành cho ngày sau, tôi không dám nấu nhiều vì nhỡ hết thì biết lấy đâu ra mà ăn. May mắn các cháu cũng được nhà trường và chính quyền địa phương quam tâm nên hỗ trợ phần nào chi phí học tập. Nhưng sau này thì tôi lo lắm, bởi tuổi già đang dần rút ngắn thời gian tôi được gần gũi với các cháu rồi. ”, bà Thiết tâm sự. 

Hỏi về ước mơ của anh em Hoàng, các em đều mong muốn được cắp sách đến trường và được thi vào đại học để sau này có công việc ổn định và chăm sóc bà nội tốt hơn. Nhưng với hoàn cảnh của các em, nguy cơ phải nghỉ học vì hoàn cảnh sẽ luôn hiện hữu. 

Hoàng nói : “Em đang phấn đấu dành được giải cao trong cuộc thi học sinh giỏi sắp tới và thi đậu vào trường THPT chuyên Lam Sơn. Nhưng có lẽ đó chỉ là ước mơ ngắn ngủi thôi chị ạ. Hoàn cảnh nhà em nghèo lắm, em có đậu cũng không có tiền đi học xa vậy đâu. Em chỉ mong bà sống lâu mãi với chúng em là được”. 

Trước khi chia tay chúng tôi, bà Thiết cầm tay tôi nói với giọng cầu khẩn: “Giờ tôi có nhắm mắt cũng không an lòng, vì các cháu tôi chúng còn nhỏ lắm, chúng biết nương tựa vào ai bây giờ. Các cháu rất ham học, đứa nào học cũng giỏi. Trước khi bố mẹ chúng nó mất cũng trăn trối với tôi là cố gắng cho các cháu đi học để sau này đỡ khổ, nhưng sức già này cũng đã cố gắng hết sức rồi. Vì vậy, tôi chỉ mong sẽ có người thương đến các cháu, để các cháu được theo đuổi ước mơ và bố mẹ chúng bên kia thế giới yên lòng”.
 

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

1. Bà Lê Thị Thiết, thôn 11, xã Quảng Hải, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hoá.

ĐT: 01668.697.642 (ĐT của cô Hiền, giáo viên chủ nhiệm em Nguyễn Đình Hoàng, ở gần nhà)

2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học & Dân trí - Báo điện tử Dân trí.

Ngõ 2 nhà số 48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội (Cạnh cây xăng Kim Mã)

Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490

Email: quynhanai@dantri.com.vn

Bạn đọc ủng hộ qua các tài khoản sau:

* Tài khoản VNĐ tại VietComBank:
Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 045 100 194 4487
Tại: Ngân Hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Thành Công - Hà Nội.

* Tài khoản USD tại VietComBank:
Account Name: Bao Khuyen hoc & Dan tri

Account Number: 045 137 195 6482

Swift Code: BFTVVNVX

Bank Name: THE BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM (VietComBank)

* Tài khoản VNĐ tại VietinBank:
Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 10 201 0000 220 639
Tại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Hoàn Kiếm

 * Tài khoản VNĐ tại Ngân hàng Quân đội (MB)

Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 0721100356359

Tại Ngân hàng TMCP Quân đội – Chi nhánh Thái Thịnh - Hà Nội

* Tài khoản USD tại Ngân hàng Quân đội (MB)

Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 0721100357002

Swift Code: MSCBVNVX

Bank Name: MILITARY COMMERCIAL JOINT STOCK BANK -  MCSB ( No.3, Lieu Giai str., Ba Dinh Dist., Hanoi, Vietnam)

3. Văn phòng đại diện của báo:

 VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122

VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725

VP HCM: số 39L đường 11 (Miếu Nổi), phường 3, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Tel: 0974567567

VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 0710.3.733.269 

 

Lan Anh - Mai Vinh 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm