Ngôi nhà tình thương rộng chừng 30m2 đã xuống cấp ở thôn Gia Đức, xã Ân Đức, huyện Hoài Ân (Bình Bình) là nơi che nắng mưa của 7 mảnh đời bất hạnh và hầu hết người trong gia đình đều khờ khạo.
Bà Phạm Thị Nghĩa, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Ân Đức (huyện Hoài Ân, Bình Định) dẫn chúng tôi đến thăm gia đình ông Nguyễn Văn Khỏi (57 tuổi) và vợ là bà Phan Thị Phong (61 tuổi), thôn Gia Đức, xã Ân Đức. Gia đình ông Khỏi gồm 3 thế hệ với 7 thành viên chung sống trong ngôi nhà tình thương rộng chừng 30m² đã xuống cấp nghiêm trọng.
Bên trong ngôi nhà, mọi thứ bừa bộn và không có gì giá trị. Đáng thương hơn, hầu hết các thành viên trong gia đình đều mắc bệnh nặng, từ bệnh tâm thần đến sứt môi, hở hàm ếch. Chỉ riêng con rể là người đồng bào Tày là có sức khỏe bình thường.
Do tuổi cao và bệnh tật, vợ chồng ông Khỏi không thể lao động nặng nhọc. Hàng ngày, ông Khỏi đi xin từng tàu dừa khô rụng kéo về, sau đó cả nhà cùng ngồi vót xương dừa để bán cho người làm chổi.
Mỗi cân xương dừa bán được 4.000-5.000 đồng, nếu xin được nhiều tàu dừa thì kiếm được 20.000-30.000 đồng mỗi ngày, còn không phải gom lại cả tuần mới bán được năm bảy chục nghìn.
Qua tìm hiểu, hoàn cảnh gia đình ông Khỏi rất bi đát. Vợ chồng đều bị tâm thần, sinh được 2 người con gái là Nguyễn Thị Lưu (26 tuổi) bị sứt môi, hở hàm ếch, dị tật 2 bàn tay và đầu óc không bình thường; Nguyễn Thị Quý (24 tuổi) cũng bị tâm thần.
Năm 2016, chị Lưu quen biết qua mạng xã hội với anh Nguyễn Văn Anh (29 tuổi, dân tộc Tày ở tỉnh Tuyên Quang), sau đó có với nhau 2 con gái (6 tuổi và 4 tuổi).
"Vì hoàn cảnh khó khăn nên sức khỏe, tinh thần của 2 con tôi cũng bị ảnh hưởng. Con gái út của vợ chồng tôi đến giờ thấy bình thường, nhưng con gái đầu hay bị động kinh, co giật", chị Lưu nói.
Cuối năm 2022, bà Phong trong lúc đi kiếm củi, gặp tai nạn giao thông, chân phải gãy làm đôi. Đến nay, gần 2 năm nhưng vết thương không đảm bảo vệ sinh nên tái phát, chảy mủ, gia đình không có tiền đưa bà đi viện.
Người em gái Nguyễn Thị Quý bị tâm thần, suốt ngày lang thang ngoài đường. Mới đây, gia đình tá hỏa khi biết Quý có thai 3-4 tháng với một người đàn ông cũng có biểu hiện tâm thần trong thôn.
"Cuộc sống gia đình tôi rất khó khăn, không đủ ăn, đủ mặc, khi ốm đau không có tiền mua thuốc, đi viện", chị Lưu nói thêm.
Hiện nay, ngoài số tiền ít ỏi từ công việc phụ hồ của người con rể, cả gia đình 7 miệng ăn trông chờ vào khoản tiền trợ cấp xã hội hàng tháng của 3 thành viên.
Theo bà Phạm Thị Nghĩa, gia đình ông Khỏi có 7 thành viên (5 người lớn và 2 cháu bé), nhưng chỉ chồng của chị Lưu là bình thường, hàng ngày đi phụ hồ kiếm được đồng nào thì lo cho gia đình. Cuộc sống gia đình hiện rất bế tắc khó vượt lên, bởi cả nhà chỉ dựa vào một lao động nhưng công việc bấp bênh.
"Gia đình ông Khỏi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, được đưa vào diện ưu tiên hàng đầu ở địa phương. Mọi sinh hoạt, chi tiêu chủ yếu trông vào tiền trợ cấp xã hội hàng tháng của 3 người khuyết tật trong nhà".
Qua báo Dân trí, chúng tôi mong muốn nhận được sự chia sẻ, giúp đỡ của bạn đọc để gia đình ông Khỏi, đặc biệt là những đứa trẻ, có điều kiện ăn học đầy đủ. Tội nhất là cái thai trong bụng chị Quý ngày càng lớn, không biết sau này cháu sẽ sống thế nào khi gia đình toàn người không bình thường", bà Nghĩa lo lắng.