1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

“Con ơi, hãy tha lỗi cho mẹ”

(Dân trí) - Men theo con đường dốc hiểm trở, chúng tôi đến thăm nhà mẹ Lê Thị Tịch và mẹ Lê Thị Nghê. Gần 40 năm trước cả hai người mẹ này đã dứt ruột hy sinh con mình để cứu lấy dân làng trong những ngày tháng kinh hoàng của chiến tranh.

Một đêm mưa gió vào cuối năm 1969, có người mẹ bế hai con nhỏ chạy hoảng loạn tơi bời trong khói lửa chiến tranh cùng dân làng rút sâu vào trong hang núi để tránh cuộc càn quét, bắn giết dã man của quân thù. Hơn 200 người thôn Quế Tân ngày ấy (bây giờ đổi lại thành thôn Trà Linh) đã ẩn nấp trong đói khát và sợ hãi ở hang Hòn Kẽm. Giặc Mỹ sau khi bay rà soát, bỏ bom tàn phá. Chúng còn tiếp tục đổ bộ hòng tận diệt người dân, nơi mà chúng cho là căn cứ tiếp tế cho bộ đội.

 

Mấy trăm mạng người trong hang tối, bảo nhau giữ im lặng tuyệt đối trong cái lạnh căm căm của mùa đông. Thế nhưng đứa bé trai 3 tháng tuổi Lê Tân không biết gì đến sợ hãi và nỗi hiểm nguy đang ở ngay sát bên mình. Đứa bé khát sữa vẫn khóc ngằn ngặt trong nỗi sợ hãi tột cùng của dân làng. Và ở lằn ranh cuối cùng của tình thương mênh mông và sự hy sinh cao cả, người mẹ 32 tuổi đã tự tay giết chết đứa con ruột để dân làng được sống. Chỉ sau một tiếng đập khô khốc và tê tái, hang Hòn Kẽm đã được trả về trong im lặng của bóng tối vĩnh cửu. Chị quỵ xuống trong vòng tay của dân làng, đôi bàn tay vẫn ôm chặt cơ thể của đứa bé đã không còn sự sống.
 
“Con ơi, hãy tha lỗi cho mẹ” - 1

Cho đến bây giờ cụ Nghê vẫn chưa quên được cái
đêm kinh hoàng của 40 năm về trước.

 

Người mẹ đã vì nghĩa. Suốt 40 năm qua, ký ức của đêm kinh hoàng ấy vẫn không thể nào phai trong tâm trí của người mẹ bây giờ đã bước qua tuổi 73. Nhưng nỗi đau đớn của người làng xã Quế Tân không chỉ như thế. Còn có một cái chết ám ảnh khác của một đứa bé gái 4 tuổi đã hằn lại một ký ức đau xót trong lòng những người còn ở lại. Đó là sự hy sinh của chị Ngô Thị Thuận khi chỉ vừa 4 tuổi.

 

Trước cuộc càn quét điên cuồng của giặc Mỹ, cụ Lê Thị Tịch đã buộc lòng hy sinh đứa con gái của mình để cứu lấy 50 sinh mạng đang trú ẩn ở hang Hố Dù - một hang sâu trên vùng núi Sơn Tân sầm uất mà chỉ có dân làng mới biết đường vào. Trí nhớ của cụ Tịch bây giờ đã kém, kể lại lúc này lúc khác. Nhưng theo lời chị Ngô Thị Nga (49 tuổi, con gái đầu của cụ, khi ấy chỉ mới lên 8 tuổi) thì người quyết liệt hy sinh chị Thuận, vốn là em cùng mẹ khác cha với chị Nga - để cứu dân làng là chính là cha ruột của chị Thuận. Ông đã tự tay giết chết đứa con gái của mình khi thấy cụ Tịch vẫn còn đang do dự, khóc lóc ôm chặt con vào lòng trong khi quân giặc đang tiến đến rất gần. Khi tiếng khóc đã dứt thì cũng có nghĩa là dân làng và bộ đội được cứu sống. Người cha ngay sau đó đã bỏ đi biệt xứ…

 

Lặng lẽ bóng chiều

 

Bây giờ mỗi khi nhắc tới anh Lê Tân, cụ Nghê lại khóc. Cụ nói : “Hồi ấy, khi dân làng nhiều lần bảo tôi phải hy sinh đứa con bàng hoàng, đau đớn nhưng đành phải để cháu Lê Tân đi, để cho dân làng được sống. Thi thể của cháu tôi cũng chôn trên núi ngay trong đêm hôm ấy, nhưng bây giờ tôi đã mất dấu nơi cháu nằm”. Những giọt nước vẫn cứ lăn dài trên khuôn mặt hằn đầy những dấu vết nghiệt ngã của thời gian. Như thể nước mắt đã chảy suốt cả hành trình dài ám ảnh, đớn đau của người mẹ. Cụ Lê Thị Nghê giờ đã như một thân cây sau bão. Cái dáng gầy hom hem ngồi bên hiên nhà như một dấu hỏi trong dòng chảy thời gian. Anh Lê Tân đã hy sinh để cứu lấy hàng trăm sinh mạng của dân làng, nhưng cái chết bi thương của anh đã hằn một vết đau vĩnh viễn trong trái tim của mẹ.
 
“Con ơi, hãy tha lỗi cho mẹ” - 2

Chị Ngô Thị Nga, con gái đầu của cụ Tịch.

 

Khi hòa bình lập lại, cụ Lê Thị Nghê cùng dân làng xã Quế Tân thời ấy di tản về sinh sống ở thôn Linh Kiều, cho đến tận bây giờ. Những con người được trở về từ cuộc chiến khốc liệt đã dần dân xây làng lập nghiệp. Cách đây 1 năm, một đoàn thể đã đến và xây tặng ngôi nhà mới khang trang hơn mái nhà tạm bợ ngày trước. Giờ đây, cụ Nghê sống lặng lẽ, quẩn quanh với những công việc không tên. Nhưng tuổi già hoài cổ, có những lúc nỗi ám ảnh đã chìm sâu vào tâm thức trỗi dậy, cụ đau đến quặn lòng khi nỗi ám ảnh kinh hoàng của 40 năm trước chỉ như vừa mới xảy ra hôm qua.

 

Còn cụ Lê Thị Tịch đã nén đau thương trở về dựng ngôi nhà tạm, gắn chặt cuộc đời mình ở vòm đất chưa đầy 40 nhân khẩu ở Đồng Làng. Gọi là nhà nhưng đó chỉ giống như một nơi để che mưa, trong nhà không có vật dụng ngoài chiếc giường tre được giăng màn dành làm chỗ ngủ. Chỉ đến khi cháu ngoại là chị Ngô Thị Nhựt lấy chồng, rồi đón bà về ở cùng cách đây 2 năm, cụ Tịch mới đành lòng rời khỏi dòng Thu Bồn đã bao nhiêu năm quen thuộc, xa nơi đứa con gái bạc phước ngày xưa của bà nằm lại đó.

 

Cụ Nghê nói: “Chiến tranh qua lâu rồi, tôi cũng đã ở tuổi gần đất xa trời. Những được mất bây giờ với tôi cũng chỉ là vô nghĩa”. Còn gia đình cụ Tịch cũng không nghĩ gì đến việc lập hồ sơ về những hy sinh của mẹ bởi những người con cửa xứ Quảng hiền hòa như dòng nước Thu Bồn. Một cuộc sống bình yên đã là quá đủ cho những mất mát đắng lòng đã không thể nhạt phai …
 

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

 

1. Cụ Lê Thị Nghê và cụ Lê Thị Tịch thôn Linh Kiều, đều thuộc xã Hiệp Hòa, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam.

2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học và Dân trí - Báo điện tử Dân trí (Hà Nội)

Số 2/48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội
Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490 
Email:
quynhanai@dantri.com.vn

* Tài khoản VNĐ:

Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí

Số TK: 10 201 0000 220 639

Tại: Chi nhánh Ngân hàng Công thương Hoàn Kiếm Hà Nội


* Tài khoản USD:

Tên TK : Báo Khuyến học & Dân trí

Số TK : 10 202 0000 004346

Switch Code : ICBVVNVX106 639

Tại : Sở Giao dịch I – Ngân hàng Công thương Việt Nam

3. Văn phòng đại diện của báo:

VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122

VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725


VP HCM: 40/17/16 Nguyễn Văn Đậu, phường 6 quận Bình Thạnh. Tel: 08.6.294.3896


VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 071.3.733.269


Bài, ảnh: Phạm Văn Thọ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm