Mã số 1600:
“Con còn sống được bao lâu nữa mẹ ơi ?!”
(Dân trí) - 13 tuổi, Kiều Nhung mang trong mình đến 3 căn bệnh hiểm nghèo, vì nhà không có tiền, nên em chỉ được đến viện thất thường. Cầm đơn thuốc trên tay mà không thể mua thuốc cho con…Người mẹ nghèo khó, bất lực nhìn đứa con dứt ruột đẻ ra, chết dần chết mòn trong sự vô vọng.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ cũ nát, ẩm thấp rộng khoảng hơn 10 m2. Ngại ngùng khi thấy chúng tôi vẫn đang loay hoay tìm kiếm chỗ ngồi, chị Vương Thị Tuyết (43 tuổi)- chủ nhà, lấy vội chiếc chiếu nhựa cũ đã rách, trải ra giữa nhà mời chúng tôi ngồi tạm. Trên chiếc giường duy nhất, bé Đỗ Thị Kiều Nhung đang nằm thiêm thiếp, có lẽ các cơn đau đớn liên tục hành hạ đã khiến em kiệt sức. Đứa em gái út 3 tuổi ngồi cạnh trông chừng chị, chốc chốc em lại lấy tay đập đập lên người chị, dường như em lo sợ chị Nhung của em sẽ nằm ngủ mãi không tỉnh dậy.
13 tuổi, bé Kiều Nhung mắc phải 3 căn bệnh nguy hiểm: giảm tiểu cầu, viêm thận, lupus ban đỏ
Vừa trò chuyện với chúng tôi, chị Tuyết cùng 3 đứa con gái vừa phải mải miết khâu nón để cho kịp giao hàng. Vất vả, tất bật như vậy, nhưng chị cho biết tiền công cả ngày của 4 mẹ con, chỉ là vài chục ngàn đồng. Nhưng ngoài khâu nón ra thì mẹ con chị chẳng biết làm gì, bởi ở quê ruộng đất ít lại không có nghề gì nữa. Khi chúng tôi hỏi đến anh nhà, thì chị im lặng cúi mặt, mắt ngấn lệ…
Năm 25 tuổi, chị Vương Thị Tuyết kết hôn với anh Đỗ Duy Hải, cùng tuổi, cùng làng. Anh chị cùng trú tại thôn Ngọc Than, xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội. Người ta bảo: “Cùng tuổi nằm duỗi mà ăn”, nhưng với chị thì không phải như vậy. Bởi, ngay sau khi xây dựng gia đình, dường như chị đã nếm trải đủ mọi sự khắc nghiệt, đắng cay của cuộc sống. Không lâu sau khi sinh bé gái đầu lòng, chị Tuyết mang thai lần 2, chị không hề hay biết mình mang thai 3, đáng lẽ phải được nghỉ ngơi, được chăm sóc, bồi bổ thật tốt, thì chị vẫn phải làm lụng vất vả cả ngày, để có tiền nuôi con và cho chồng đi trại cai nghiện ma túy.
Nhiều hôm, 2 mẹ con chỉ biết ôm nhau mà khóc trước bao nỗi khó khăn ập đến
Ca sinh 3 khó khăn năm đó tưởng chừng như chị không vượt qua được, nhưng 3 sinh linh bé nhỏ vẫn được làm người, bởi nghị lực phi thường và sức sống mãnh liệt của người mẹ can trường. Khi em bé thứ 3 cất tiếng khóc chào đời, thì cũng là lúc chị Tuyết kiệt sức, ngất lịm. Lần vượt cạn có 1 không 2 này đã khiến chị phải nằm viện hơn 1 tháng, 3 đứa trẻ nhiều lúc phải uống nước cơm thay sữa mẹ.
Cuộc sống khốn khó lại không được chăm sóc chu đáo, nên Kiều Nhung- đứa chị của ca sinh 3 cứ đau ốm liên miên. Năm 2011, sau nhiều đêm sốt liên tục không rõ nguyên nhân, chị Tuyết đưa Kiều Nhung đi khám bệnh. Tại bệnh viện Nhi TƯ, các bác sĩ chuẩn đoán em mắc bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu. 1 năm trời vay mượn khắp nơi chữa bệnh cho con, nhưng bệnh tình của con vẫn không hề thuyên giảm, trong khi các khoản nợ đã chồng chất. Gạt nước mắt chị Tuyết đành cho con về nhà, mà không chữa trị gì suốt 2 năm trời.
Cả gia đình chỉ dựa vào nghề chằm nón, thu nhập bấp bênh nên việc chữa trị của bé Kiều Nhung càng khó khăn
Do không được chữa trị nên bệnh tình của Kiều Nhung ngày càng nặng thêm, khắp người em mọc đầy mụn đỏ, với các cơn sốt liên miên và các cơn đau đớn hành hạ, khiến em kêu la suốt ngày đêm. Bà con lối xóm thương tình vận động nhau khuyên góp được hơn 10 triệu để em được đến viện.
Lần này, sau khi thăm khám, các bác sĩ kết luận, Kiều Nhung bị xuất huyết giảm tiểu cầu, viêm thận và Lupus ban đỏ. Mắc liền 3 căn bệnh nặng, nên em sẽ phảỉ điều trị tích cực suốt cả cuộc đời. Nằm viện được hơn 1 tháng, số tiền bà con lối xóm quyên góp cũng đã hết. Cùng kiệt, không còn cách nào khác chị Tuyết lại đưa con về nhà.
Người đàn ông duy nhất trong nhà, trông hốc hác tiều tụy, nhìn chúng tôi bằng ánh mắt dò xét, nhưng khi biết chúng tôi muốn giúp đỡ gia đình, thì anh bớt nghi ngại và cởi mở hơn. Anh trải lòng, sinh ra ở vùng quê nghèo, lại không có nghề ngỗng gì, tuổi trẻ nông nổi không chống lại được sự cám dỗ, nên anh mắc nghiện ma túy lúc nào không hay.
Thương vợ con anh quyết tâm đi trại cai nghiện và mới trở về tái hòa nhập cộng đồng. Ôm chặt bé Kiều Nhung vào lòng, anh nức nở như một đưa trẻ: “Bố có tội lớn với các con…Sao ông trời không bắt tội bố, mà bắt con phải gánh chịu chứ, cứ để bố chết đi để con được sống, bố cũng cam lòng..”. Những giọt nước mắt ân hận muộn màng, lăn dài trên khuôn mặt khắc khổ của người cha tội lỗi. Trông anh lúc này, tôi thấy anh đáng thương hơn là đáng giận.
“Con đau quá mẹ ơi! Con còn sống được bao lâu nữa…mẹ ơi!”. Chợt tiếng kêu la bật lên trong cơn đau, của đứa con gái tội nghiệp. Nó như hàng trăm, hàng ngàn mũi kim đâm xé tâm can người mẹ khốn khó. Chị Tuyết ngồi đó, ngay cạnh giường con gái, hai tay vẫn đều đặn khâu nón mà như người mất hồn. Đến nỗi kim khâu nón đâm thủng ngón tay, máu chảy loang đỏ cả cái nón đang may dở mà chị không hề hay biết. Chứng kiến cảnh tượng đau lòng trên, chúng tôi không ai có thể cầm được nước mắt.
Bé Kiều Nhung đang trông chờ một phép màu từ lòng nhân ái
Anh Nguyễn bá Hưng - trưởng thôn Ngọc Than, cho biết: “ Gia đình bé Kiều Nhung có hoàn cảnh rất éo le, bé bị bệnh nặng, nhà lại đông con, thu nhập không có gì ngoài 3 sào ruộng và tiền công khâu nón của mẹ em. Vừa rồi bà con cùng chính quyền địa phương, cũng đã khuyên góp cho cháu đi chữa bệnh nhưng cũng chỉ được phần nào. Qua đây, chính quyền địa phương mong mỏi các cấp, các nghành, báo Dân Trí cùng các nhà hảo tâm giúp đỡ gia đình cháu.”
Kiều Nhung vẫn nằm thiêm thiếp. Tờ lịch nơi đầu giường, được em đánh dấu từng ngày, điều đó có nghĩa là em đã vượt qua thêm được một ngày, cùng nỗi đau đớn tột cùng mà em đang phải gánh chịu. Rồi đây, những ngày sắp tới em sẽ ra sao? Thực sự, tôi không dám nghĩ đến... Chia tay em và gia đình, những giọt nước mắt ân hận của người cha, tiếng kêu xé lòng của em và cái dáng vẻ thất thần của người mẹ, cứ ám ảnh chúng tôi mãi không thôi.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: 1. Mã số 1600: Chị Vương Thị Tuyết (mẹ bé Đỗ Kiều Nhung ), Thôn Ngọc Than, xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai, Hà Nội. ĐT: 0169 324 2877. 2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học & Dân trí - Báo điện tử Dân trí. Ngõ 2 nhà số 48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490 Email:quynhanai@dantri.com.vn Bạn đọc ủng hộ qua các tài khoản sau: * Tài khoản VNĐ tại VietComBank: * Tài khoản USD tại VietComBank: Account Number: 045 137 195 6482 Swift Code: BFTVVNVX Bank Name: THE BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM (VietComBank) * Tài khoản VNĐ tại VietinBank: * Tài khoản VNĐ tại Ngân hàng Quân đội (MB) Tên TK:Báo Khuyến học & Dân trí Tại Ngân hàng TMCP Quân đội – Chi nhánh Thái Thịnh - Hà Nội * Tài khoảnUSD tại Ngân hàng Quân đội (MB) Tên TK:Báo Khuyến học & Dân trí Swift Code: MSCBVNVX Bank Name: MILITARY COMMERCIAL JOINT STOCK BANK - MCSB ( No.3, Lieu Giai str., Ba Dinh Dist., Hanoi, Vietnam) 3. Văn phòng đại diện của báo: VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122 VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725 VP TPHCM: số 39L đường 11 (Miếu Nổi), phường 3, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Tel: 0866786885 VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 0710.3.733.269 |
Hương Hồng