Cô sinh viên “làm mẹ, cha” ở tuổi 13
Bố bị tai nạn ra đi lúc mẹ vừa sinh em, hai năm sau mẹ đổ bệnh ra đi vĩnh viễn cùng bố. Vũ Thị Giáng Hương (xóm Nhân Lý, xã Hà Bình, huyện Hà Trung, Thanh Hóa) vừa tròn 13 tuổi. Ba đứa em còn quá nhỏ, thơ dại…
Vậy là gần 6 năm cô gái ấy vừa là cha, vừa là mẹ nuôi các em ăn học và bước vào năm nhất ngành Du lịch, Trường ĐH Hồng Đức.
Mái nhà chỉ có ba chị em
Chiều cuối tuần, Hương lại vội thu xếp đồ rời ký túc xá nhà trường về nhà làm hai sào lúa, chăm sóc và chuẩn bị lương thực, nước uống cho hai em Vũ Hồng Huệ (học lớp 8) và Vũ Hồng Ngọc (học lớp 3). Trước lúc lên thành phố Thanh Hóa nhập học, Hương đã thay cha mẹ mua sắm sách vở, đưa hai em đến trường trong ngày khai giảng năm học mới.
Năm 2000, bố của Hương, cựu chiến binh Vũ Công Đạt, trong lúc đạp xe bên quốc lộ 1A thì bị tai nạn giao thông. Bố mất, mọi gánh nặng đè hai vai người mẹ. Nhưng rồi mẹ lâm bệnh phổi, hai năm sau, khi bao nhiêu đồ đạc trong nhà đã bán hết thì mẹ qua đời, để lại bốn chị em côi cút. Lúc ấy, Hương vừa bước vào học lớp 8, em út Vũ Ngọc Anh vừa được hai tuổi rưỡi. Một năm sau mẹ mất, em út cũng lâm bệnh, rồi ra đi.
Trong bốn năm, ba cái tang lớn ập đến dường như quá sức chịu đựng của mấy chị em. Trong căn nhà cấp bốn trống hoác, ba chị em chỉ biết ôm, bám vào nhau, cuộc sống dựa vào lối xóm và các bác, các cậu.
Nhớ những lời trăn trối, căn dặn của mẹ trước lúc ra đi, Hương gắng gượng trở lại lớp học và tiếp tục thay mẹ làm bốn sào ruộng. Thế là một buổi Hương đến lớp tiếp tục học, một buổi ra đồng và mò cua bắt ốc.
Đêm đêm, Hương vừa dạy học cho hai em vừa ôm ấp cho em ngủ. Nhiều đêm em ôm chị hỏi: "Bố mẹ đi đâu hả chị? Sao lâu về rứa"? Hương lặng thinh, nuốt nước mắt, thầm thì với em: "Gắng ngoan học giỏi, bố mẹ luôn ở bên chị em mình mà"... cả ba chị em cùng khóc trong đêm tối.
Là thân con gái, sức yếu, tay mềm, Hương đi gặt, đi cấy cho anh em chòm xóm, đổi lại mọi người cày bừa giúp Hương. Học hết lớp 9, hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, Hương phải nghỉ học nuôi em. Nhưng rồi thầy cô và các bạn động viên Hương tiếp tục thi chuyển cấp và đậu vào lớp 10 chuyên Văn của Trường THPT Hà Trung.
Lên lớp 11 cũng là lúc Hồng Ngọc bước vào lớp 1, Hương lại nghỉ học nhường cho em đến trường. Thương trò học giỏi có năng khiếu văn, thầy giáo Lê Công Tòng - chủ nhiệm lớp, lại đến nhà Hương giúp đỡ, đưa em trở lại trường. Biết chị em Hương không có sách, thầy Tòng mua tặng. Vào ngày mùa các bạn trong lớp tranh thủ đến gặt và cấy lúa giúp Hương. Đêm, sau khi dạy học cho hai em, khuya dỗ dành cho em út ngủ rồi Hương mới ngồi vào bàn học bài.
"Tội nghiệp nó, từ lúc mẹ mất đến nay cháu Hương chưa mua bộ quần áo mới cho mình, giành tiền mua quần áo và sách vở cho em hết. Hương chỉ xin lại quần áo cũ của mọi người mặc. Làm hai sào lúa, mùa nào được mùa thì mới đủ lương thực cho ba chị em, vậy mà cả ba cháu luôn được phần thưởng học sinh tiên tiến" - ông Lê Công Định - bác của Hương cho biết.
Ước mơ ươm mầm trên con chữ
Cuối lớp 12, khi các bạn trong trường đã nộp hồ sơ thi đại học, cao đẳng thì Hương còn ngần ngại bởi nghĩ mình không đủ tiền đi thi. Thầy, cô giáo trong trường biết chuyện, đã góp tiền và tư vấn cho Hương thi vào ngành Du lịch, khoa Việt Nam Học, ĐH Hồng Đức. Bởi học ngành này hợp với Hương - cô bé có giọng văn truyền cảm, cũng như Hương sẽ nhanh ra trường có việc làm nuôi hai em ăn học.
Vừa thi xong đại học trở về quê, Hương đi khắp làng tìm việc làm thuê, ai thuê gì làm nấy. Bạn học cùng lớp đạp xe đến báo tin mừng trúng tuyển đại học, Hương bật khóc trên vườn rau.
Ngày đầu đến trường đại học nhập học, Hương cầm 1 triệu đồng - tiền tích cóp, làm thuê bấy lây, nhưng còn thiếu tới 300 nghìn, Hương lại trở về quê đi vay mượn cho đủ trở lại lớp học.
“Thú thật nhiều lúc em thấy mình như bất lực không gượng lên nổi” - Hương nói. Nhưng Hương đã gượng dậy, để cùng hai em nuôi ước mơ trên từng con chữ. Nhiều bữa, trên mâm cơm chỉ có cơm trắng và bát canh rau và tép khô, thương em, Hương lại khóc. Nhưng nhìn trên vách tường những hàng giấy khen thành tích học tập của ba chị em, Hương lại thấy vui. Em lao vào học và làm thêm.
Gần sáu năm qua, em chưa có một giấc ngủ ngon lành, chập chờn những giấc mơ và nỗi lo cơm áo ngày mai, lo cánh cổng trường khép lại dở dang ước mơ giảng đường.
Theo Đắc Lam
Tuổi Trẻ