Cô bé tật nguyền muốn làm cô giáo

(Dân trí) - “Hàng ngày nhìn các bạn reo đùa, vui chơi con tủi thân lắm, cứ ước mình cũng lành lặn để được nô giỡn trên sân trường. Con muốn sau này trở thành cô giáo để dạy chữ miễn phí cho các bạn bị tàn tật như con”.

Một ước mơ thật giản dị nhưng không dễ thành hiện thực đối với cháu Nguyễn Thị Diệp (sinh năm 1998) hiện là học sinh lớp 3, Trường Tiểu học Diễn Thành, huyện Diễn Châu, Nghệ An.

Không có bàn tay, bàn chân

Khi Diệp mới ra đời, hai chân cháu bị cụt gần đến đầu gối, hai tay tròn lẳn không có bàn tay. Lúc bé lên 4 tuổi, tay trái em mọc được ngón trỏ. Bố mẹ Diệp là cựu bộ đội thời bình. Có lẽ em bị ảnh hưởng chất độc da cam từ ông nội Nguyễn Văn Ba, một quân nhân chiến đấu tại chiến trường miền Nam từ năm 1968 đến 1975.

Sau khi sinh Diệp, bố mẹ em vào Nam làm thuê, gửi con cho ông bà nội nuôi nấng. Mẹ Diệp lâm bệnh nặng, khoản tiền ít ỏi làm được đều dành để lo chạy chữa bệnh. Hiện bố mẹ em chưa có nhà ở. Năm ngoái, bà nội Diệp qua đời, nhưng bố mẹ em cũng không có tiền tàu xe về quê chịu tang mẹ và thăm con. Từ nhỏ Diệp sống trong cảnh thiếu hơi bố mẹ. Cô bé lê la bò trườn khắp nhà. Một hôm, ông nội Diệp xin về một cuốn sách cũ lớp 1 để cháu xem hình cho khuây khỏa. Không ngờ, Diệp đòi ông cho hòn than rồi nằm bẹp dưới nền nhà dùng hai cùi tay cụt kẹp chặt mặm môi vẽ. Ông nội chỉ chữ nào Diệp thuộc chữ đó rồi nằng nặc đòi ông cho đến trường.

Cô bé tật nguyền muốn làm cô giáo - 1
Dù chỉ có hai cùi tay, bé Diệp vẫn cố gắng làm Toán, tập viết chữ. (Ảnh: Đình Lộc)

Thương cảm trước một bé gái tật nguyền hiếu học, được sự nhất trí của hiệu trưởng Trường Tiểu học Diễn Thành, cô Cao Thị Mai Hoa mạnh dạn nhận Diệp vào lớp mình, kiên trì dạy cháu tập đọc tập viết kiêm luôn bảo mẫu. Những ngày đầu, Diệp cắn môi đến tóe máu, khuôn mặt tím tái vì đau khi cặp bút vào tay để viết. Cặp hòn than hòn phấn khó một, cặp cây bút khó mười nhưng cô bé kiên gan chịu đựng, mồ hôi túa ra như tắm, bụng đói lả vẫn không thả bút khi chưa viết thành chữ. Ban đầu, Diệp bị các bạn trong lớp gọi là “con què”, “con cụt. Rồi dần dà được cô chủ nhiệm nhắc nhở, các em lại thay nhau cõng Diệp vào lớp, ra chơi, đi vệ sinh…

Gắng tập đi để mong làm cô giáo

Bạn đọc muốn chia sẻ và giúp đỡ bé Nguyễn Thị Diệp xin liên hệ theo địa chỉ:

1. Quỹ Nhân Ái - Báo Khuyến học & Dân trí - Số 2/48 Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội; Điện thoại: 04. 7366491 (máy lẻ 403).

2. Cô Trần Thị Bích Thuỷ - Hiệu phó Trường tiểu học Diễn Thành, Diễn Châu, Nghệ An: 098. 321.7018

Điện thoại trường tiểu học Diễn Thành, Diễn Châu, Nghệ An: 0383862.210

Dù trời mưa hay nắng, ngày ngày trên chiếc xe đạp cà tàng, ông nội Diệp đều đặn đưa đón cháu đi học. Ở lớp, Diệp được các bạn yêu quý tận tình giúp đỡ, giáo viên toàn trường đùm bọc yêu thương góp nhau cho em sách vở, bút viết, quần áo. Nghị lực phi thường của cô học trò nhỏ được đến bù xứng đáng, Lớp 1, lớp 2 và kỳ 1 lớp 3, Diệp luôn là một trong những trò đứng đầu lớp, liên tục đạt học sinh tiên tiến, học giỏi đều các môn. Đặc biệt em viết chữ rất đẹp, luôn được những điểm 10 trong môn tập viết.

Trong ngôi nhà tiêu điều, ông nội Diệp rơi nước mắt khi kể chuyện về cháu. Đêm giao thừa Tết vừa rồi, ông mừng tuổi cho cháu 2 ngàn rồi hỏi cháu ước gì. Diệp bảo: “Cháu muốn trở thành cô giáo để thương học trò như thầy cô trường cháu”. Ông vô tình nói “muốn đi dạy phải đứng được, như cháu thì chịu”. Vậy là bé Diệp cứ đòi ông đẽo chân gỗ để em đi lại. Bé đòi riết và ông đã đưa cháu ra bệnh viện ngoài Hà Nội và Diệp được lắp miễn phí đôi chân nhựa.

Từ đó, cứ ngoài giờ đi học, Diệp lại nhờ ông lắp chân vào để em tập đi. Nhiều khi thấy cùi chân cháu bị rách da tóe máu, ông nội không cho Diệp tập đi nữa nhưng em không chịu, vẫn kiên gan bám mép giường tập đứng lên. Nhưng vì sức yếu, em trụ được bị ngã liên tục. Gắng từng tý một, đến nay Diệp đã tự đứng vững trên đôi chân nhựa và tự bước được 4 bước. “Nghỉ hè, con sẽ chuyên tâm vào tập để sau này di chuyển được trên bục giảng”, bé Diệp thổ lộ mong ước.

Nguyễn Đình Lộc

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm