Mã số 1811:
Chuyện 3 đứa trẻ sống trong... tuyệt vọng
(Dân trí) - Cha bệnh mất chẳng có đất chôn, mẹ bồng đứa em nhỏ mấy tháng tuổi đi tha phương cầu thực, còn lại 3 chị em sống với ngoại trong cảnh khổ đến nỗi chẳng có cái quần mặc cho vừa vặn, có bữa đói chỉ chia nhau được gói mì tôm.
Tôi tìm đến nhà của chị Trần Thị Nguyệt (22 tuổi, ngụ thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) và hết sức xót xa trước cảnh “lấy chồng từ thủa mười lăm, hơn hai mươi tuổi đã là bốn con” nghe buồn đến nát lòng. Và trong căn nhà rách nát này, tôi nhìn 3 đứa con của chị (đứa lớn nhất 7 tuổi, nhỏ nhất 3 tuổi) lem luốt, đói rách với một tương lai vô định mà không khỏi cảm thương.
Trò chuyện với tôi, bà Kim Thị Phượng (54 tuổi, mẹ chị Nguyệt) mấy lần muốn rơi nước mắt khi nhắc đến hoàn cảnh của con gái bà. Nhìn mấy đứa cháu ngoại nheo nhóc, đáng thương đang khóc đòi kẹo mà bà chẳng biết phải làm sao bởi buổi chiều nay trong túi bà chưa có nổi một đồng để mua gạo. Thấy cháu ngoại khóc, bà Phượng ghìm chặt môi mình lại, cố nén những giọt nước mắt bất lực trước sự đòi hỏi có chừng rất nhỏ nhoi của bất kỳ một đứa cháu nào đối với bà ngoại của mình nhưng với người bà nghèo khổ này lại là rất lớn.
Trước đây, con gái của bà Phượng- chị Trần Thị Nguyệt- cũng vì cuộc sống quá khó khăn nên lấy chồng khi chị mới 15 tuổi. Rồi những đứa con của chị Nguyệt lần lượt ra đời: cháu Nguyễn Thị Yến (7 tuổi), Nguyễn Văn Cu (5 tuổi), Nguyễn Ngọc Mai (3 tuổi) và Nguyễn Ngọc Trang (khoảng 6 tháng tuổi). Nhà đã nghèo nay lại đông con nên cuộc sống càng thêm khó khăn, túng quẫn. Khi cái nghèo còn đang đeo bám gia đình chị Nguyệt thì cái bất hạnh lại ập đến, anh Nguyễn Văn Lâm- chồng chị bị ung thư gan rồi mất, bỏ mẹ con chị cách đây gần 1 năm. Ngày anh Lâm mất chẳng có miếng đất để chôn, gia đình đành hỏa táng rồi mang vô chùa thờ cúng. Mới chừng hơn 20 tuổi đầu, chị Nguyệt đã “mang tiếng” một đời chồng và nặng gánh đến 4 đứa con, còn nỗi khổ nào hơn thế.
Sau khi chồng mất, không sống nổi ở nhà, chị Nguyệt đành ôm một đứa bé gái mới mấy tháng tuổi đi tận Đồng Nai để kiếm việc làm và đến nay chẳng có tin tức gì. Con gái ra đi, bỏ lại cho bà Phượng 3 đứa cháu sống trong cảnh hết sức khốn khổ. Căn nhà che nắng che mưa thì rách nát, xiêu vẹo có thể sập bất cứ lúc nào; cái ăn thì bữa đói bữa no; cái mặc thì thiếu trước hụt sau bởi ông bà ngoại cũng nghèo, chẳng thể lo được cho cháu trọn vẹn.
Cái cảnh khổ của 3 đứa cháu bà Phượng thật sự khổ đến tận cùng. Ngày nào bà Phượng đi làm thuê được ít tiền thì có gạo cho các cháu ăn cơm, ăn cháo. Bữa nào bà không có việc làm, chẳng có tiền thì 3 đứa đành chia nhau gói mì tôm của người hàng xóm thương tình cho mà ăn chứ cũng chẳng có tiền để mua. Cái thằng cu 5 tuổi với con bé nhỏ 3 tuổi đến bộ đồ mặc cũng chẳng vừa vặn vì đều của người ta cho nên cái quần cứ tuột lên tuột xuống, bà Phượng phải kéo lên quấn một cục ở chỗ thắt lưng cho chặt lại.
“Hôm bữa đi làm cho bà bán thịt được trăm ngàn, thấy thằng cu mặc cái quần rộng hơn cái áo, đi mấy bước là tuột tận dưới chân, thương cháu quá nên tui mua 2 bộ đồ cho nó hết năm chục ngàn, còn lại thì dành mua gạo ăn tới mấy bữa chú à. Mà khổ lắm, nói là có gạo nấu cơm chứ cả nhà ăn cơm nguội qua ngày thường xuyên, mình lớn thì chịu được chứ 3 đứa nó còn nhỏ ăn rồi không biết có bị gì hay không nữa”, bà Phượng xót xa.
Cũng vì cái khổ mà các cháu của bà Phượng chẳng được học hành đến nơi đến chốn. Cháu bé gái 7 tuổi vừa học xong lớp 1 nhưng đến giờ này “chữ biết mặt cháu" thì nhiều chứ “cháu chẳng biết mặt chữ” bao nhiêu. Bà Phượng nói, năm tới đành phải cho cháu Yến ngồi học lại chứ dốt rồi thì sẽ khổ như mẹ, như ngoại của nó. “Nói thì nói vậy chứ chú thấy đó, bữa ăn với bà cháu tui còn khi đói, khi no thì lấy gì mà học hành như người ta hả chú”, bà Phượng bùi ngùi.
Khi đang trò chuyện với tôi, chốc chốc bà Phượng chạy lại ôm đứa nhỏ vào lòng dỗ dành vì nó khóc đòi kẹo mà ngoại chẳng có tiền mua. Rồi bà Phượng lại nói với tôi những lời nghe rất đau lòng: “Ngày nào tui đi làm, bỏ cả 3 đứa ở nhà ra sao thì ra chứ có ai giữ chúng đâu. Có ngày đi làm tối mịt mới về, chẳng thấy thằng Cu đâu, tui quáng quàng chạy đi tìm thì thấy nó ở tận chợ đêm Gành Hào để kiếm cái ăn. Đi dọc đường gặp người ta nói nó vừa đi vừa nói ba nó kêu đi sát lề đường kẻo bị xe đụng, khổ hết sức”, bà Phượng thở dài thương cho số phận của cháu.
Với bà Phượng bây giờ, bà không chỉ là ngoại mà còn là “mẹ” của 3 đứa nhỏ. Mỗi lần đi làm, mấy đứa nhỏ cứ kêu bà đừng bỏ con mà đi luôn nghen ngoại. Bà Phượng nói với tôi, cha mẹ chúng đã đi hết rồi, bà mà bỏ chúng nữa thì chúng sẽ làm sao. Dù thế nào, bà chẳng thể bỏ được, có đói có no bà cháu cùng chịu. Bà chỉ lo tới đây tương lai của chúng chẳng biết ra sao. Bà thì ngày càng lớn tuổi, không biết sẽ lo được đến đâu cho mấy đứa cháu của bà.
Bà Phượng cho biết, hiện bà không chỉ nuôi 3 đứa cháu ngoại mà còn nuôi thêm 2 đứa con gái của bà nữa. 2 vợ chồng bà dù có cố gắng mấy cũng chẳng kiếm đủ ăn cho cả nhà bởi không phải ngày nào cũng có việc làm. Vì thế, cuộc sống khốn khổ khiến bà Phượng không còn mong mỏi nào hơn là mỗi ngày mong có người kêu đi làm thuê để mà có tiền đong gạo nuôi con cháu. Nhưng ở cái xứ biển này việc thì ít mà người làm thuê thì nhiều nên ở cái tuổi của bà Phượng, để có được một công việc thật sự chẳng dễ dàng gì. Việc không, bà cháu lại chia nhau tô cháo, gói mì mà sống tạm qua bữa.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: 1. Mã số 1811: Bà Kim Thị Phượng, Ấp 2, thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu. ĐT: 0942 444 252 (chị Huệ- Hội Chữ Thập đỏ thị trấn Gành Hào) 2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học & Dân trí - Báo điện tử Dân trí. Ngõ 2 nhà số 48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490 Email:quynhanai@dantri.com.vn Bạn đọc ủng hộ qua các tài khoản sau: * Tài khoản VNĐ tại VietComBank: * Tài khoản USD tại VietComBank: Account Number: 045 137 195 6482 Swift Code: BFTVVNVX Bank Name: THE BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM (VietComBank) * Tài khoản VNĐ tại VietinBank: * Tài khoản VNĐ tại Ngân hàng Quân đội (MB) Tên TK:Báo Khuyến học & Dân trí Tại Ngân hàng TMCP Quân đội – Chi nhánh Thái Thịnh - Hà Nội * Tài khoảnUSD tại Ngân hàng Quân đội (MB) Tên TK:Báo Khuyến học & Dân trí Swift Code: MSCBVNVX Bank Name: MILITARY COMMERCIAL JOINT STOCK BANK - MCSB ( No.3, Lieu Giai str., Ba Dinh Dist., Hanoi, Vietnam) 3. Văn phòng đại diện của báo: VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122 VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725 VP TPHCM: số 39L đường 11 (Miếu Nổi), phường 3, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Tel: 0866786885 VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 0710.3.733.269 |
Giang Hải Yến