1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Chông gai đường đến trường đại học của cậu bé mồ côi

(Dân trí) - Tuổi thơ không biết cha là ai, đến tuổi 15 mẹ mất vì căn bệnh ung thư phổi. Mấy năm trời sống cám cảnh, bất hạnh với dì ruột bệnh tật, không chồng con, nhưng cậu bé không gục ngã, vươn lên thi đậu vào đại học...

Cậu bé có tuổi thơ bất hạnh ấy là Nguyễn Trọng Lực, xóm 5, xã Hương Vĩnh, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh.

Tuổi thơ mồ côi                                                                          

Con đường đất dẫn vào nhà em Lực trở nên nhầy nhụa sau những cơn mưa xối xả. Chiếc Dream đã chết máy sau những lần ì ạch với bùn đất, chúng tôi buộc phải cuốc bộ, dày dép dính đầy bùn non nhão choẹt. Chạy hớt ha, hớt hải ra đón khách cậu bé Lực cho chúng tôi hay: “Nhà em nằm ở cuối xóm, hai dì cháu sống khổ sở nên không có điều điện để tu sửa con đường, hễ một trận mưa xuống là đi lại khó khăn như vậy”.
 
Lực mời chúng tôi vào căn nhà gỗ nhỏ bé, bốn bức tường dựng bằng phên nứa đã mục nát, riêu phong phủ đầy. Chiếc bàn để tiếp khách của hai dì cháu đã xộc xệch, cũ rích. Lực vừa khéo léo rót mấy ly nước chè xanh mời khách vừa kể: “Từ khi em sinh ra đã không biết bố. Lớn lên nhiều đêm nằm ngủ với mẹ em hỏi bố ở đâu, làm gì nhưng mẹ chỉ trả lời gọn lỏn: Bố con chết rồi. Nói đến đó mẹ giọng mẹ trở nên buồn rồi lặng im nên em chỉ biết òa vào lòng mẹ”.
 
Chông gai đường đến trường đại học của cậu bé mồ côi - 1
Mồ côi cha mẹ Lực sống lay lắt bên người gì ruột
 
Kể về người mẹ kính yêu nhưng bất hạnh của mình Lực nói: “Mẹ em vóc dáng thấp nhỏ, người gầy, da xạm đen vì nắng gió nhưng hiền hậu và thương người. Mẹ luôn ôm em trong vòng tay âu yếm mong con khôn lớn để sau này nuôi mẹ lúc tuổi già, sức yếu”.

Nhà chỉ có hai mẹ con và người dì ốm yếu thui thủi bên nhau. Hiểu được nỗi niềm thầm kín của mẹ, Lực thương mẹ rất nhiều. “Nhiều khi bạn bè thường nói khích em là con không có cha như nhà không có nóc, không có ai che chở rồi sẽ khổ thôi. Nhưng họ muốn nói chi thì nói, em mặc kệ. Với em chỉ có tình thương của mẹ là đủ rồi” – Lực tủi thân rưng rưng nước mắt tâm sự.

Những ngày tháng trong hơn ấm tình yêu của mẹ cũng sớm đi qua. Năm Lực học lớp 9 chị Nguyễn Thị Huệ mẹ em Lực bị bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối đã vĩnh viễn từ giã cõi trần. Chị Huệ ra đi bỏ lại đứa con dại mồ côi khi mới tròn 15 tuổi.
 
Lực đau đớn nhớ lại gia cảnh của nhà mình lúc đó: “Mẹ bị bệnh lâu lắm rồi nhưng mẹ dấu em. Mẹ bảo mẹ chỉ bị ho do cảm lạnh, mẹ có bị bệnh chi nặng đâu mà con lo lắng. Nhiều lần em thấy mẹ ho ra máu thì lúc đó bệnh tình của mẹ cũng đã nặng rồi không thể nào cứu chữa được nữa. Em biết mẹ dấu bệnh vì gia cảnh hai mẹ con quá khổ, đến cái ăn hằng ngày còn phải chạy từng bữa huống chi là lo tiền chữa căn bệnh hiểm nghèo. Những giây phút hấp hối trên giường bệnh mẹ gắng gượng nói với em: mẹ xin lỗi con tất cả, mẹ không thể sống để tiếp tục che chở cho con được nữa rồi, con hãy cố gắng chăm ngoan học hành để sau này kiếm cái nghề mà thoát khỏi cảnh cơ cực, bần hàn. Mẹ sẽ phù hộ cho con…”.
 
Chông gai đường đến trường đại học của cậu bé mồ côi - 2

Lực giúp dì Lan trồng rau, nuôi gà để có tiền ăn học
 
Sau khi mẹ mất chỉ còn lại dì Nguyễn Thị Lan là chỗ dựa duy nhất của Lực. Dì Lan cũng đã già yếu lại không chồng, không con nên cuộc sống của hai dì cháu trở nên nghèo khó hơn nhiều. Lực lam lũ cùng gì Lan mưu sinh kiếm sống qua ngày. “ Tội thân nó, sau giờ tan trường đã vội về ngay mà tranh thủ đạp xe một vòng quanh Thị trấn nhặt giấy loại, ve chai đưa về tích góp bán mua gạo. Sức nó yếu nhưng cũng thường xuyên đi phụ hồ cho người ta để lấy tiền mua quần áo, sách vở. Ngày lao động vất vả đêm về còn học đến khuya và sáng đã dậy sớm xem lại bài vở. Nhiều hôm nhìn mặt nó gầy yếu, xanh xao, chân tay run lẩy bẩy mà thương chó nó chứ cũng không biết phải mần (làm) răng” – Người hàng xóm tên Nga tốt bụng cho hay.

Nước mắt ngày lên đường nhập học

Nghe lời mẹ dặn Lực luôn chăm ngoan và học giỏi. Suốt 12 năm liền em đều là học sinh giỏi của trường. Kỳ thi Đại học vừa rồi em đậu vào ngành Xây dựng cầu đường, Trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng. “Biết mình đậu Đại học em Lực đã gọi điện báo tin mừng cho tôi. Nhưng một lát sau em lại khóc trong điện thoại, em nói là vui thì vui thật thầy ạ, nhưng giờ dì em giờ cũng già yếu rồi, nhà lại không có tiền nên sợ là không đủ sức nuôi em học 5 năm Đại học” –  thầy giáo Nguyễn Anh Tuấn, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A1 - Trường THPT Hương Khê của Lực kể lại giây phút cậu học trò cưng thông báo nỗi buồn sau kỳ tích đậu đại học.
 
Chông gai đường đến trường đại học của cậu bé mồ côi - 3
Những ngày tháng Lực thức khuya dậy sớm đèn sách nuôi giấc mơ giảng đường đại học theo lời căn dặn của mẹ.
 
Dì của Lực trồng rau, nuôi con gà đã đem bán sạch cho cháu có tiền nhập học nhưng chưa đủ. “Mấy hôm nay dì đang tính vay mượn ngân hàng cho em đi học nhưng không biết ngân hàng họ có cho vay không. Dì nói học được đến đâu thì tính đến đó, khi dì không lo nổi thì em đành bỏ học vậy” – Lực tâm sự.
 
Sau ngày được thông báo đậu đại học, chiều nào người ta cũng thấy Lực thơ thẫn ngồi run rẩy bứt từng ngọn cỏ và khóc thảm thương bên mộ mẹ. “Người ta đậu ĐH có mẹ, có cha hân hoan, lo lắng cho những tháng ngày ăn học. Riêng nó cứ thui thủi trong những giấc mơ mẹ sẽ sống lại, mẹ không mất để cùng dì che chở cho nó và trong từng giấc ngủ nó vẫn thầm gọi: Cha ơi! cha ở đâu? Trong con sao lạnh quá!” – Dì Lan xót xa nói.
Chông gai đường đến trường đại học của cậu bé mồ côi - 4
 
Bà con lối xóm, thầy cô giáo cảm động trước nổ lực phi thường của Lực đã quyên góp ít tiền phụ giúp dì Lan cho Lực nuôi ước mơ giảng đường. Nhiều người không có tiền cũng mang sang ít cân gạo cho Lực mang vào để nấu ăn. Hai bộ áo quần dài duy nhất mà Lực cẩn thận gìn giữ suốt ba năm cấp ba đã ngã màu, đôi dép 4 quai cũng đã chắp vá nhiều nơi. “Mấy thầy cô cho thêm tiền bảo nó ra chợ mua thêm bộ đồ mới vừa tiền mà mặc nhưng nó kiên quyết không mua. Nó bảo hai bộ áo quần này còn dùng được mua thêm làm gì tốn tiền” – dì Lan cảm động cho biết, những giọt nước mắt cứ tuôn trào trên hai gò má gầy guộc.

Dì Lan nói tiếp: “Tui cũng già yếu rồi, lại bị bệnh thấp khớp, hen suyễn chẳng sống được mấy năm nữa mô. không biết tui có đủ sức ráng nuôi nổi cháu suốt 5 năm Đại học không nữa. Nếu tui có mệnh hệ gì thì cháu không còn chổ nào mà nương tựa”.

Chia tay Lực và dì Lan trong chiều tà, những đám mây đen vần vũ trên bầu trời và một trận mưa lớn trút nước xối xả ngập cả lối về. Chúng tôi thầm nghĩ, rồi một mai đang ngồi trên giảng đường Lực nhận được tin dì Lan khuất núi, em sẽ khóc dàn dụa như mưa tuôn cho những tháng ngày không mẹ cha, người thân để nương tựa sẽ vây kín con đường em đi…

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

 

1. Bà Nguyễn Thị Lan: Xóm 5, xã Hương Vĩnh, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh.ĐT liên hệ: 01655.984.613.

 

2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học và Dân trí - Báo điện tử Dân trí (Hà Nội)

Số 2/48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội (Cạnh cây xăng Kim Mã)

Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490

Email: quynhanai@dantri.com.vn

 

* Tài khoản VNĐ:

Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí

Số TK: 10 201 0000 220 639

Tại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Hoàn Kiếm

 

* Tài khoản USD:

Tên TK : Báo Khuyến học & Dân trí

Số TK : 10 202 0000 004346

SWIFT Code: ICBVVNVX106

Tại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương thành phố Hà Nội

 

* Tài khoản VNĐ tại VietComBank:
Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 0451 001 944 487
Tại: Ngân Hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Thành Công

 

3. Văn phòng đại diện của báo:

 

VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122

VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725

VP HCM: 40/17/16 Nguyễn Văn Đậu, phường 6 quận Bình Thạnh. Tel: 08. 35107. 331
VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 071.3.733.269
 
Đặng Tài - Văn Dũng - Bá Hải