
Nhìn con trai với mớ dây truyền chằng chịt khắp cơ thể mà bất lực vì không có tiền đóng viện phí, cha mẹ già nói như van xin trong phòng bệnh: “Chỉ cần con được sống, tôi làm trâu ngựa cũng được”.
Không đi khám vì sợ thiếu tiền lo cho con, người đàn ông rơi vào nguy kịch
Ngồi tại góc hành lang của khoa Hồi sức Tim mạch, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TPHCM), ông Phạm Văn Giàu (61 tuổi, ngụ phường An Phú, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương), lặng lẽ lau nước mắt.
Bên trong căn phòng trước mặt, con trai ông - anh Phạm Tấn Phúc (37 tuổi) - đang nằm hôn mê giữa dàn máy móc chằng chịt.

Anh Phúc trên giường bệnh hồi sức (Ảnh: Khánh An).
Cố kìm tiếng nấc đang chực chờ thoát ra cổ họng, ông Giàu kể, giữa tháng 4, anh Phúc thấy người mệt mỏi, choáng váng, thường xuyên thở dốc, khó thở, tay chân phù, da nhợt nhạt, tim đập nhanh.
Kinh tế khó khăn nên anh Phúc cắn răng chịu đựng, không dám nghỉ làm đi khám vì sợ không có tiền lo cho con.
Đầu tháng 5, sức khỏe anh Phúc càng yếu dần. Số lần ông Giàu thấy con trai ôm ngực thở gấp, mặt tái xanh, mồ hôi vã ra khi đi làm về tăng lên. Cơ thể anh cũng bắt đầu sưng tấy, bụng chướng, chân phù to, đau tức ngực và ho khan.
“Ngày 19/5, Phúc trở về nhà lúc giữa trưa. Tôi thấy con có vẻ mệt nên định pha ly nước chanh cho nó uống. Nhưng vừa xoay người đi, tôi nghe thấy tiếng động lớn, quay lại thì con ngã quỵ trước cửa, nằm bất động”, ông Giàu kể.
Ban đầu, gia đình đưa anh Phúc vào bệnh viện tuyến quận cấp cứu. Tại đây, người đàn ông được tiêm thuốc, thở oxy. Tuy nhiên, nhưng tình trạng hô hấp không cải thiện mà còn chuyển biến xấu. Ngay trong chiều cùng ngày, anh Phúc được chuyển đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định.

Anh Phúc hôn mê sau khoảng thời gian gắng gượng với bệnh tật (Ảnh: Khánh An).
Tiến sĩ, bác sĩ Giang Minh Nhật, Phó Trưởng khoa Hồi sức Tim mạch, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, cho biết bệnh nhân nhập viện trong tình trạng suy tim cấp nặng, huyết áp tụt, suy hô hấp, phải đặt nội khí quản để hỗ trợ thở.
Do tình trạng suy tim kéo dài và không được điều trị kịp thời, bệnh đã tiến triển nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các cơ quan khác như gan, thận.
Qua thăm khám, bệnh nhân được chẩn đoán choáng tim giai đoạn C, suy tim, suy đa tạng, toan chuyển hóa nặng. Ngoài ra, bệnh nhân còn mắc tăng áp động mạch phổi nguyên phát.
Trước tình trạng nguy kịch, bệnh nhân được điều trị tích cực bằng nhiều biện pháp hỗ trợ chuyên sâu như: sử dụng máy ECMO để hỗ trợ tuần hoàn ngoài cơ thể, dùng thuốc vận mạch để duy trì huyết áp, lọc máu liên tục để hỗ trợ chức năng thận và thay huyết tương nhằm cải thiện tình trạng suy gan.
Sau nhiều ngày điều trị, bệnh nhân có dấu hiệu cải thiện, tỉnh táo hơn, có phản ứng nhưng vẫn phải phụ thuộc thuốc vận mạch, tình trạng sốc tim còn nặng. Hiện tại, tiên lượng bệnh còn dè dặt.
“Chỉ cần con được sống, tôi nguyện làm trâu, làm ngựa”
Ông Giàu kể, trước khi gặp bạo bệnh, anh Phúc là trụ cột trong gia đình. Sau khi ly hôn, anh gánh trên vai những khoản nợ cũ và tương lai của 2 con thơ mới học lớp 2 và lớp 5.

Ông Giàu kể cảnh khổ của gia đình (Ảnh: Khánh An).
Mọi gánh nặng chi tiêu, sinh hoạt đều dựa vào đồng lương ít ỏi anh kiếm được từ công việc làm cơ khí vất vả. Anh luôn chăm chỉ, cặm cụi làm việc để vun vén gia đình.
Ngày anh Phúc đổ bệnh, trong nhà gần như trống không. Ngoài chiếc xe máy hàng ngày anh đi làm thì không còn tài sản gì đáng giá có thể bán. Cha bị bệnh, 2 con nhỏ của anh Phúc phải gửi nhờ nhà hàng xóm. Ngày nào các bé cũng gọi điện thoại, ngóng trông tin tức cha.
Nghĩ đến đứa con trai tội nghiệp bấy lâu vất vả ngược xuôi giờ nằm một chỗ, ông Giàu nghẹn ngào tự trách: “Do tôi không đi làm nên bao nhiêu gánh nặng một mình con gánh vác. Đến lúc ốm đau, con cũng chẳng dám đi khám vì sợ tốn kém. Nếu tôi có tiền cho con đi khám bệnh sớm hơn, chắc nó không đến nỗi này”.
Nghe giọng ông Giàu nghẹn ngào, bà Nguyễn Thị Thanh Nga (54 tuổi, mẹ anh Phúc) cũng không giấu được nỗi đau tột cùng. Từ ngày con nhập viện, bà Nga nghỉ làm để túc trực bên ngoài phòng bệnh. Mỗi ngày chỉ có 10 phút ngắn ngủi được vào thăm con, bà không biết làm ngoài lặng lẽ khóc và cầu nguyện cho con trai nhanh bình phục.

Mẹ anh Phúc bật khóc, cầu xin cộng đồng cứu con (Ảnh: Khánh An).
Mỗi lần bác sĩ yêu cầu tạm ứng viện phí là một lần gia đình anh Phúc rơi vào túng quẫn, phải vay mượn khắp nơi, từ bạn bè đến bà con dòng họ. Tính đến nay, chi phí điều trị cho anh Phúc đã gần chạm mốc 100 triệu đồng, nhưng gia đình chỉ mới xoay xở đóng được 30 triệu đồng. Hiện tại, anh Phúc vẫn còn hôn mê, vì vậy chi phí điều trị sẽ còn tiếp tục tăng.
Giữa cơn tuyệt vọng, người cha già khóc nghẹn: “Tôi bất lực rồi, cầu xin mọi người cứu giúp con tôi với. Chỉ cần con được sống, tôi nguyện làm trâu, làm ngựa để báo đáp”. Còn bà Nga cũng chắp tay, bật khóc: “Kêu tôi làm gì cũng được, miễn sao có thể cứu Phúc”.
Mọi sự ủng hộ, giúp đỡ hoàn cảnh trực tiếp xin gửi về:
Ông Phạm Văn Giàu (bố bệnh nhân Phạm Tấn Phúc).Địa chỉ thường trú: 4/A10 khu phố 3, phường An Phú, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương;
Chỗ ở hiện nay: 355/H1, khu phố 1A phường An Phú, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương.
Bệnh nhân đang điều trị tại khoa Hồi sức tim mạch, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TPHCM).
Hoặc ấn nút ‘Quyên góp’ để Dân trí có thể giúp bạn chuyển tới tay người nhận.