1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Cầu ông Chương ở miền Lục Ngạn

Bà con đất vải Lục Ngạn, Bắc Giang từ nay không còn lo những chuyến đò tròng trành mỗi độ mùa lũ về, những mùa vải ế ẩm vì chậm qua sông. Tất cả nhờ sáu cây cầu phao của một “nhà sáng chế” cấp… làng.

Đó là anh Lê Văn Chương, ở phố Kim, xã Phượng Sơn, Lục Ngạn, Bắc Giang. Nhà anh lọt thỏm giữa xưởng cơ khí ngổn ngang, hàng chục công nhân đang tất bật làm việc. Tiếng máy kêu, tiếng kim loại va vào nhau loảng xoảng... Anh nói như hét: “Đang chuẩn bị làm tiếp cây cầu phao ở Nghĩa Hồ đấy (một xã ở huyện Lục Ngạn - PV)!”.

 

Mùa vải chín ở Lục Ngạn thường đúng vào mùa lũ. Những chuyến vải của dân dồn đống vì không chở được qua đò, nhiều người đành ngậm ngùi nhìn vải rụng đỏ cả gốc cây. Mùa lũ, những chuyến đò chở đầy học sinh nước mấp mé mạn thuyền. “Trông cảnh đấy mình không ngồi yên được, muốn làm ngay cái cầu!” - anh Chương nhớ lại.

 

Nghĩ là làm. Gần hai tháng trời, ban ngày anh nhảy xe tìm đến những cây cầu phao để quan sát, đêm về thức đến một, hai giờ sáng mày mò vẽ bản thiết kế. Khi dáng dấp cây cầu hình thành, anh kêu gọi bạn bè góp vốn xây cầu. Có tiền rồi lại tiếp tục lặn lội làm giấy tờ, thủ tục, rồi mua vật liệu, thuê máy móc, nhân công...

 

Cuối cùng qua hai tháng thi công, tháng 8/2000 cây cầu phao đầu tiên nối hai xã Đồng Cốc - Tân Lập được khánh thành. Ngày thông cầu, bà con quanh vùng kéo đến kín cả bờ sông, nhiều cụ già mừng đến phát khóc vì “không ngờ cuối đời lại thấy trên con sông này có cây cầu, đi lại không sợ nữa”. Mừng nhất là đám trẻ con, từ giờ chúng sẽ không phải ngồi đò đi học.

 

Sau cây cầu đầu tiên, chính quyền và nhiều người dân các nơi kéo đến tìm anh đặt hàng. Trong hai năm 2001 - 2002, lần lượt bốn cây cầu nữa được khánh thành, nối liền các xã Tân Quang, Trường Sinh, Tân Lập, Trại Thập với nhau, tạo thành một tứ giác thông nhau của huyện Lục Ngạn. Năm 2004 thêm một cây cầu được hoàn thành nối liền hai xã Phượng Sơn - Mỹ An.

 

Tổng cộng trong năm năm (2000-2004) sáu cây cầu ra đời dưới tay “nhà sáng chế chân đất” Lê Văn Chương. Mỗi cây cầu có chi phí trung bình 150-250 triệu; cầu lớn nhất trị giá hơn 1,2 tỉ đồng, chiều dài trung bình trên dưới 100m, rộng từ 1,5-4m, có tuổi thọ thiết kế từ 15-30 năm.

 

Thấy anh Chương vất vả làm cầu, nhiều người can ngăn nhưng anh chỉ cười: “Nếu vì lợi nhuận tôi đã không làm như thế, giúp được bà con mình là hạnh phúc lắm rồi. Sau khi trả hết nợ cho các đơn vị thi công, tôi sẽ dành dụm tiền tiếp tục đầu tư xây cầu nữa, còn nhiều nơi bà con cần cầu để đi lại lắm”. Anh xin chính quyền địa phương cho thu phí, mức phí bằng mức phí đi đò trước đó.

 

Theo L.Hoài - T.Kha
Tuổi Trẻ