Cậu bé nhặt ve chai nuôi mơ ước đến trường
(Dân trí) - Dù ngày nắng hay ngày mưa, mỗi sáng sớm người dân quận Thủ Đức, TPHCM đều thấy một già một trẻ dắt díu nhau đi lượm ve chai. Bé Tài năm nay đã 9 tuổi nhưng chưa một lần được cắp sách đến trường. Phải chăng với cháu, đây mãi là ước mơ?
Ở độ tuổi của Trần Hiệp Tài (SN 2001), lẽ ra em phải được sống trong vòng tay yêu thương của gia đình, được vui chơi cùng bạn bè và quan trọng hơn cả là được cắp sách đến trường. Vậy mà với cậu bé mọi việc đều ngược lại. Tài phải đi nhặt ve chai để kiếm sống qua ngày, phải tích cóp tiền nuôi mơ ước được đi học.
Khi ông mặt trời còn ngái ngủ, bà cháu bé Tài đã bắt đầu công việc của một ngày với các bãi phế thải
Bé Tài gánh mấy cái bao dài hơn người lẽo đẽo theo sau bà, một tay vẫn còn dụi dụi đôi mắt đỏ hoe. Giống như người bà của mình, mỗi khi thấy “hàng”, mắt bé Tài lại sáng lên theo, bước chân nhanh nhẹn lạ thường.
Bà Tý cho biết: “Cái “nghề” của bà cháu tôi là vậy đấy chú ạ. Chúng tôi phải dậy và đi nhặt từ sáng sớm thì may ra mới kiếm được vài đồng sống qua ngày… Hôm nào cu Tài dậy trễ, đi chỉ uổng công thôi vì người khác đã lượm hết rồi”.
Đó chính là bữa ăn sáng sang trọng nhất mà họ có được. Bởi lẽ, mỗi tuần sau khi bán ve chai cho những nơi thu mua phế liệu, cả hai bà cháu kiếm được trên dưới 70.000 đồng, như vậy mỗi ngày họ chỉ kiếm được khoảng 10.000 đồng. Với số tiền ít ỏi như vậy, làm sao mong có được một bữa sáng ngon.
Cậu bé nuôi giấc mơ đến trường
Căn phòng trọ chật chội mà bà cháu bé Tài đang trú ngụ là chỗ ở của vợ chồng anh Lê Văn Thành và chị Trương Thị Huệ. Hai người này là hàng xóm của bà Tý ở quê, hiện đang làm công nhân ở TPHCM. Trong một lần về thăm quê năm 2005, thấy cảnh thương tâm, vợ chồng họ đã đón hai bà cháu lên thành phố, cho ở nhờ trong nhà trọ của mình.
Hai bà cháu bé Tài trong căn phòng đang ở nhờ của người hàng xóm tốt bụng.
Từ ấy, bà có “nghề” nhặt phế liệu. Có lẽ phải sống trong cái khổ nên Tài khôn trước tuổi. Cử chỉ nhanh nhẹn, sự giao tiếp lanh lợi của đứa bé 9 tuổi làm người tiếp xúc ngạc nhiên. Tuy không được đi học nhưng cậu bé nói năng rất lễ phép, câu dạ, câu thưa.
“Mỗi khi hai bà cháu đi lượm ve chai qua các trường học, thấy cảnh thằng Tài nó bám vào hàng rào nhìn lũ trẻ nô đùa bên trong khiến tôi không cầm được nước mắt chú ạ… Tôi chẳng biết làm cách nào để cháu nó được đến trường”, vừa nói, bà Tý vừa kéo vạt áo thấm nước mắt.
Khi được hỏi: “Tài có thích đi học không?”, cậu bé gật đầu lia lịa: “Thích, thích lắm chú ạ. Nhưng bà con nghèo quá. Nếu được đi học, con sẽ học thật giỏi để làm ra nhiều tiền nuôi bà”.
Được biết, hàng tuần khi bán được ve chai, cu Tài đều xin bà 500 đồng để dành mua giấy bút đi học. Nhưng mỗi lần trái gió trở trời, con heo đất của cháu chẳng mua nổi cho bà vài liều thuốc thì làm sao tính đến chuyện học hành. Vì vậy mà mơ ước được đến trường của cậu bé vẫn còn xa vời vợi.
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:
1.Bà Nguyễn Thị Tý, 647/1 đường xa lộ Hà Nội, khu phố 5, Linh Trung, Thủ Đức, TPHCM.
2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học và Dân trí - Báo điện tử Dân trí (Hà Nội) Số 2/48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội
* Tài khoản VNĐ: Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí Số TK: 10 201 0000 220 639 Tại: Chi nhánh Ngân hàng Công thương Hoàn Kiếm Hà Nội * Tài khoản USD: Tên TK : Báo Khuyến học & Dân trí Số TK : 10 202 0000 004346 Switch Code : ICBVVNVX106 639 Tại : Sở Giao dịch I - Ngân hàng Công thương Việt Nam 3. Văn phòng đại diện của báo:
VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122
VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725
VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 071.3.733.269 |
Vân Sơn