Mã số 1665:
“Căn nhà không có tiếng cười” và ước mơ của bé Thảo
(Dân trí) - Người anh mắc chứng bệnh cong cột sống bẩm sinh luôn mồm la hét, bà bác ruột điên dại thường xuyên lẩm bẩm, ông bố ốm đau suốt ngày nhăn nhó, người mẹ khắc khổ không biết đến nụ cười và tương lai mờ mịt của cô bé thông minh, học giỏi.
Đó là những gì diễn ra tại “căn nhà không có tiếng cười” ở Tây Đô.
Hạnh phúc vừa lóe lên đã vụt tắt
Bại liệt ngay từ khi chào đời, nay đã 22 tuổi, Dương vẫn ngô nghê như đứa trẻ
Một vài tia nắng ấm áp của mùa đông không đủ sức xua đi sự lạnh lẽo và ảm đạm trong căn nhà cấp bốn lúc nào cũng văng vẳng tiếng la hét vì đau đớn của chàng trai Trần Văn Dương (22 tuổi) bị bại liệt từ khi vừa chào đời. Trên manh chiếu rách ngổn ngang bát chén, quần áo, chăn màn, Dương đưa đôi mắt vô hồn, ngờ nghệch nhìn ra phía cửa khi thấy chúng tôi đến.
Bằng giọng rầu rĩ, chị Xíu nghẹn ngào kể về hoàn cảnh đáng thương của gia đình mình. Chị và anh Chữ về với nhau năm 1992, một năm sau cậu bé Trần Văn Dương ra đời. Ngày chị mang bầu, cả hai bên gia đình nội ngoại đều rất vui mừng, còn bản thân chị thì mong mỏi từng ngày được tận mắt nhìn thấy hình hài đứa con mà chị hằng mơ ước.
Thế rồi, ngày chị “trở dạ” cũng đã tới, phút giây ra đời của bé trai rất dễ thương khiến chị vô cùng sung sướng và nghĩ rằng mình là người phụ nữ hạnh phúc nhất thế gian. Tiếc thay, niềm hạnh phúc ấy của chị đã vụt qua khi cậu bé ấy tới 8 ngày cũng chẳng biết bú, mặt mũi thì tím ngắt và cứ khóc cho tới khi nấc không thành tiếng và toàn thân lạnh toát, ngất lịm đi mà không ai biết lí do vì sao.
Căn nhà lụp xụp của vợ chồng anh Trần Viết Chữ
Tuy gia cảnh nghèo khó, anh chị vẫn dốc sức vay mượn khắp nơi để đưa cậu con trai bé bỏng đi chữa trị. Nhưng rồi, cuộc phẫu thuật cũng kết thúc trong thất bại, khiến vợ chồng anh Chữ đau đớn và suy sụp tinh thần, kéo theo cả một khoản nợ lớn là chi phí của quá trình chữa trị.
Chị Xỉu kể với tôi bằng giọng mệt mỏi: “Nhiều lúc nhìn con mà lòng thắt lại như đứt từng khúc ruột nhưng biết làm sao được khi ông trời nỡ để thằng bé mắc phải căn bệnh quái ác này”.
Cậu bé có tuổi thơ giam cầm và người bác điên dại
Khi tôi hỏi kí ức về thời thơ ấu của Dương, chị Xíu chia sẻ: “Từ khi sinh ra tới giờ cháu chỉ sống quanh quẩn bên bốn bức tường đã mốc lên vì ẩm ướt này”.
Nhìn đôi mắt vô hồn, gương mặt toát lên sự lạnh lẽo tới mức đơn độc, càng thấy chạnh lòng, dường như bốn bức tường lạnh lẽo kia cùng căn bệnh quái ác đã chôn vùi tuổi thơ đầy yêu dấu cùng những ước mơ bé bỏng của cậu bé.
Hai con người điên dại, ngây ngô trong một mái nhà
Xót xa hơn nữa, khi tôi đưa mắt nhìn sang bên cạnh một người phụ nữ tầm trên 50 tuổi với đôi mắt xám xịt nhìn chằm chằm ra phía cửa sổ và miệng không ngừng lẩm bẩm những câu nói gì đó nghe rất lạ.
Thấy tôi tò mò, chị Xíu kể: “Đây là chị Mậu (SN 1958), chị gái của chồng tôi, bị tâm thần từ năm 20 tuổi. Mấy chục năm rồi chị vẫn cứ hướng đôi mắt nhìn ra cửa sổ và lẩm bẩm những câu mà không ai hiểu gì cả”. Tôi chợt nghĩ, người phụ nữ này luôn nhìn ra cửa sổ bằng ánh mắt xa xăm, phải chăng từ sâu thẳm tâm thức, chị đang đợi chờ một điều kì diệu nào đó sẽ xảy ra để bản thân thoát khỏi sự trêu ngươi của số phận và các em, các cháu cũng bớt cơ cực hơn. Khi thấy chúng tôi bước vào, chị Mậu quay lại nhìn và cười hềnh hệch không một chút biểu cảm.
Vì không ý thức được hành động của mình nên mọi công việc vệ sinh cá nhân thì vợ chồng anh Chữ, chị Xỉu phải đảm nhiệm. Thỉnh thoảng, khi lên cơn chị Mậu hất tung, đập phá tất cả đồ đạc trong nhà và bỏ đi khiến cho vợ chồng anh Chữ lại tất tả đi tìm.
Trong căn phòng chật hẹp, thứ mùi hăng hắc của người không tự chủ được vệ sinh lâu ngày không kịp dọn dẹp cứ xộc thẳng lên mũi, tôi thoáng nghĩ có lẽ trong căn nhà xơ xác, tiêu điều này đã rất lâu rồi tiếng cười không xuất hiện mà thay vào đó là tiếng lẩm bẩm của bà chị chồng, tiếng la hét vô vọng của cậu con trai di tật bẩm sinh và tiếng thở dài ngao ngán của vợ chồng anh Chữ, chị Xỉu.
Người cha đau yếu…
Đáng thương hơn khi năm 1990, anh Chữ đang đóng quân tại Trung đoàn 209, Sư đoàn 312 thuộc Quân khu 1, Bắc Thái, Thái Nguyên thì xuất ngũ vì tai nạn. Từ đó cho đến nay, mỗi khi trái gió trở trời toàn thân anh đau nhức nhưng do là lao động chính nên phải cố lết để đi phụ hồ với đồng lương ít ỏi 70 nghìn đồng một ngày.
Bản thân ốm đau, tật bệnh, anh vẫn phải đi làm vì chị Xíu phải ở nhà trông con trai và chị gái. Những ngày mưa nghỉ việc là anh lo nhất vì không biết ngày mai cả nhà sẽ sống ra sao?
Và cô con gái chăm ngoan, học giỏi
“Niềm hi vọng lớn nhất đời tôi chỉ còn trông vào cháu nhưng rồi không biết sẽ ra sao….”, chỉ cô gái Trần Thị Thảo đang học lớp 10 trường THPT Bắc Duyên Hà, anh Chữ ngậm ngùi nói.
Niềm hi vọng của cả nhà chỉ còn trông vào bé Thảo
Hằng ngày đi học về, em nấu cơm, giặt quần áo, chăm sóc anh trai và bác giúp mẹ để mẹ có thời gian chăm lo cho mảnh vườn nhỏ sau nhà kiếm mớ rau, quả cà cho bữa ăn hàng ngày.
Chia sẻ với chúng tôi, em nói sẽ nỗ lực học thật tốt để sau này trở thành một bác sĩ giỏi có thể chữa khỏi bệnh thần kinh cho bác, bệnh bại liệt bẩm sinh cho anh trai và chứng thần kinh tọa cho bố.
“Căn bệnh của anh sống chết chẳng biết thế nào, nếu không may anh ngã xuống, đứa con trai thì bại liệt, bà chị gái thần kinh, đứa con gái ngoan ngoãn, học hành chăm chỉ sẽ ra sao?”. Chị Xỉu không giấu khỏi xúc động, nước mắt rơi lã chã xuống hai gò má khiến cho nước da của chị càng trở nên xanh xao, vàng vọt.
Họ đã đi tới tận cùng của nỗi đau, bất hạnh
Chị Nguyễn Thị Xuê Bí thư chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận xã Tây Đô nói với chúng tôi: “Hoàn cảnh gia đình anh Chữ thật quá thương tâm. Dù địa phương đã có những biện pháp hỗ trợ, động viên nhưng với gia đình anh tôi khẩn thiết mong cộng đồng xã hội quan tâm, giúp đỡ để cháu Thảo có điều kiện được đến trường, để gia đình anh Chữ có thể mỉm cười một chút với cuộc sống này vì họ thực sự đã đi tới tận cùng của nỗi đau, của bất hạnh”.
Chúng tôi chia tay gia đình anh Trần Văn Chữ khi hoàng hôn đã buông xuống, những cơn gió mùa đông bắt đầu rít mạnh hơn qua khe cửa của ngôi nhà cấp bốn làm cho con đường càng trở nên heo hút, cảnh vật nhuộm một màu vàng úa, khiến lòng tôi không khỏi băn khoăn, day dứt tự hỏi không biết đến khi nào những gia đình như anh Chữ mới bớt khổ, mới đủ sức vượt qua nỗi bất hạnh lớn thế này?
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: 1. Mã số 1665: Anh Trần Viết Chữ – xóm 6, thôn Kênh, xã Tây Đô, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình Số điện thoại: 01672.956.238 2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học & Dân trí - Báo điện tử Dân trí. Ngõ 2 nhà số 48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490 Email:quynhanai@dantri.com.vn Bạn đọc ủng hộ qua các tài khoản sau: * Tài khoản VNĐ tại VietComBank: * Tài khoản USD tại VietComBank: Account Number: 045 137 195 6482 Swift Code: BFTVVNVX Bank Name: THE BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM (VietComBank) * Tài khoản VNĐ tại VietinBank: * Tài khoản VNĐ tại Ngân hàng Quân đội (MB) Tên TK:Báo Khuyến học & Dân trí Tại Ngân hàng TMCP Quân đội – Chi nhánh Thái Thịnh - Hà Nội * Tài khoảnUSD tại Ngân hàng Quân đội (MB) Tên TK:Báo Khuyến học & Dân trí Swift Code: MSCBVNVX Bank Name: MILITARY COMMERCIAL JOINT STOCK BANK - MCSB ( No.3, Lieu Giai str., Ba Dinh Dist., Hanoi, Vietnam) 3. Văn phòng đại diện của báo: VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122 VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725 VP TPHCM: số 39L đường 11 (Miếu Nổi), phường 3, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Tel: 0866786885 VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 0710.3.733.269 |