1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Mã số 232:

Cần lắm những bàn tay nâng đỡ ba anh em mồ côi mẹ

(Dân trí) - Mẹ mất cách đây 2 năm, cha bệnh nặng phải đi ở nhờ, để lại 3 anh em Tiếng bơ vơ giữa dòng đời với muôn vàn khó khăn…

Theo thông tin của bạn đọc, chúng tôi tìm đến ngôi nhà ngói cấp 4 (tại địa chỉ 10/2, đường Ngô Tiến Dũng, phường Thắng Lợi, TP.Kon Tum, Kon Tum) mà 3 anh em mồ côi Đặng Minh Tiếng (SN 1993) trú ngụ. Hơn 10 giờ trưa nhưng ngôi nhà nhỏ vẫn cửa đóng then cài.

Chúng tôi đành đến trường THPT Kon Tum- nơi Tiếng đang học những ngày cuối cùng của đời học sinh tại lớp 12 A5. Đó là cậu học trò có khuôn mặt khôi ngô với đôi mắt đượm buồn. Với em, nỗi đau mất người thân yêu nhất là không gì bù đắp được. Tiếng vẫn còn nhớ như in những kí ức về gia đình khi còn mẹ, có cha.

Mẹ Tiếng vốn làm nghề mua ve chai dạo, khó khăn nhưng lúc nào mẹ cũng gắng sức đi từ sáng đến tối mới về để có tiền nuôi 3 đứa con ăn học thành người.  Công việc vất vả, phải dầm mưa dãi nắng ngoài đường quanh năm, mẹ em đã ra đi trong một lần lên cơn tai biến mạch máu não vào ngày 19/1/2009. Lúc đó Tiếng mới là cậu học trò lớp 10, em trai Đặng Minh Sĩ mới tròn 14 tuổi và đang học lớp 7, còn cô em út Đặng Thị Ngọc Hiền mới bước vào lớp 2.
 
Cần lắm những bàn tay nâng đỡ ba anh em mồ côi mẹ - 1

Mẹ mất sớm, ba bệnh nặng, nên anh em Tiếng phải tự bươn chải kiếm sống để lấy tiền ăn học

Những tưởng mẹ mất sớm, 3 anh em vẫn còn chỗ dựa là người cha Đặng Phi Dũng (SN 1969), làm nghề lái xe ba gác. Nhưng trớ trêu thay, không lâu sau cái nghề của anh Dũng phải dẹp do nhà nước cấm lưu hành xe ba gác. Thương con đang còn tuổi ăn học, anh Dũng phải chuyển sang nghề phụ hồ. Thời tiết Tây Nguyên khắc nghiệt, lại phải lao động nặng nhọc nên bệnh gan của ông Dũng tái phát.

Bệnh tật, lại không có tiền chạy chữa, 3 đứa con còn nhỏ, không muốn làm ảnh hưởng đến việc học của con, ông Dũng đành phải để các con ở lại nhà, lên ở nhờ nhà người anh trai tại huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai.

Từ đó, 3 anh em Tiếng sống chới vơi giữa dòng đời, thiếu thốn cả về vật chất lẫn tình thương. Điểm tựa duy nhất của 3 anh em là những người họ hàng, nhưng tất cả đều là những gia đình khó khăn.

Để không bỏ dở ước mơ vào đại học, sáng sáng đến trường mấy anh em Tiếng đều phải ôm bụng đói. Buổi chiều không phải đi học và dịp hè, Tiếng và đứa em trai kế đều đi làm thêm tại quán Internet kiếm được khoản tiền 400 nghìn đồng/tháng.

Vất vả khó khăn là vậy, nhưng năm nào hai anh em Tiếng cũng đều đạt danh hiệu học sinh tiên tiến. Còn cô em út năm vừa rồi cũng đạt giải khuyến khích cuộc thi học sinh giỏi môn tiếng Anh do trường tổ chức. 

Nhưng mấy tháng nay, phải chuẩn bị một lượng kiến thức khá lớn để vượt qua 3 kì thi liên tiếp từ cuối học kì II, thi tốt nghiệp và thi đại học, nên Tiếng phải nghỉ làm thêm để dành thời gian học tập. Nghỉ học cũng đồng nghĩa với không có thêm thu nhập, và cũng có nghĩa là cuộc sống của mấy anh em càng thêm khốn khó. Điều Tiếng lo nhất bây giờ là khoản tiền lo cho kì thi đại học sắp tới.

 

“Em đã nộp hồ sơ dự thi 2 khối A (ngành Công nghệ môi trường của Đại học Nông lâm TPHCM và B (ngành Xây dựng dân dụng của trường ĐH Tôn Đức Thắng TPHCM), nhưng em sợ không thực hiện được vì vẫn chưa có kinh phí để đi thi. Còn nếu được đi thi và đậu đại học, em sẽ 1 buổi làm thêm, 1 buổi đi học vì em là học sinh khu vực Tây Nguyên nên không mất tiền học phí. Vả lại trong TP.HCM, em nghe người lớn nói rất dễ xin việc làm”, Tiếng tâm sự.

Ông Nguyễn Xuân Trượng - Tổ trưởng tổ dân phố 2, phường Thắng Lợi cho biết: “Hiện tại gia đình nhà cháu Tiếng vẫn chưa có được khoản trợ cấp nào, hai bên gia đình nội ngoại cũng không dư giả gì. Hai anh em Tiếng vẫn phải ăn nhờ nhà cô ruột, tối  mới về nhà ngủ. Tôi cũng đang đề nghị cho các cháu được hưởng trợ cấp vì đây là gia đình vừa nghèo, vừa rất tội nghiệp”.

Cô Lê Thị Thu Hoài - giáo viên chủ nhiệm của Tiếng cho biết: Dù mồ côi nhưng năm học này Tiếng vẫn là học sinh tiên tiến và có hạnh kiểm tốt. Hiện cô đang đưa em vào danh sách xét học bổng cho học sinh nghèo, với số tiền là 1 triệu đồng.

 
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:
 
1. Đặng Minh Tiếng: địa chỉ 10/2, đường Ngô Tiến Dũng, phường Thắng Lợi, TP.Kon Tum, Kon Tum.
(Có thể liên lạc với Tiếng qua số điện thoại của bạn cùng trường là Lĩnh: 0979226998)
2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học và Dân trí - Báo điện tử Dân trí (Hà Nội)
Số 2 nhà 48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội (Cạnh cây xăng Kim Mã)
Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490 
Email: quynhanai@dantri.com.vn
* Tài khoản VNĐ:
Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 10 201 0000 220 639
Tại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Hoàn Kiếm

* Tài khoản USD:
Tên TK : Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK : 045 137 195 6482
SWIFT Code: BFTVVNVX
Bank Name: THE BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM (VietComBank)
 
* Tài khoản VNĐ tại VietComBank:
Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 0451 001 944 487
Tại: Ngân Hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Thành Công
3. Văn phòng đại diện của báo:
VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122

VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725

VP HCM: 40/17/16 Nguyễn Văn Đậu, phường 6 quận Bình Thạnh. Tel: 08. 35107. 331

VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 0710.3.733.269
 

Thiên Thư