1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Bức tâm thư của cậu bé bị bạn bè xa lánh

(Dân trí) - Từ lúc lọt lòng, Nguyễn Công Hậu đã mắc bệnh hiếm gặp. Suốt 12 năm qua, tuổi thơ của em không có bạn bè và mái trường. Sức khỏe của Hậu phụ thuộc hoàn toàn vào thuốc nhưng với cha mẹ em, ước vọng duy trì cuộc sống cho em quá đỗi gian nan.

Bức tâm thư

Con tên là: Nguyễn Công Hậu, 12 tuổi, địa chỉ 1142/1 tổ 19, khu phố 2 đường Ngô Chí Quốc, phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, TPHCM.

Nay con viết bức tâm thư này là con ước mơ có các ông bà, cô chú, anh chị gần xa làm bác sĩ giỏi cứu con cho mau hết bệnh để con được đi chơi cùng các bạn hàng xóm. Thấy các bạn đang chơi đùa, con chạy tới nhưng các bạn nhìn thấy con thì bỏ chạy hết làm con đứng khóc và buồn tủi. Con chạy về nhà cùng mẹ, suốt ngày con chỉ được chơi với mẹ và anh em thôi.

Con ước được tới trường để học như các bạn chứ con không thích học ở nhà một mình, con buồn lắm. Nghe mẹ kể lại, lúc mới sinh ra, con là đứa trẻ không may mắn như bao nhiêu bạn khác. Mới chào đời con đã có sẵn chứng bệnh da nứt nẻ, đỏ toàn thân, giờ nào cũng rớm máu làm con chịu không nổi.

Mỗi tối đi ngủ con chắp tay cầu trời khấn Phật, ước mơ cho con hết bệnh để con được chơi với các bạn ở gần xóm con”.
 
Bức tâm thư của cậu bé bị bạn bè xa lánh - 1

Làn da đỏ au, bong tróc của Hậu khiến bạn bè e ngại.
 
Theo những dòng thư chân chất của cậu bé Nguyễn Công Hậu, chúng tôi tìm đến căn nhà đơn sơ gần bờ kênh Ba Bò. Cậu bé 12 tuổi nhưng nhỏ nhắn như trẻ lên 8. Lớp da mỏng, nhăn nheo và đỏ rực của Hậu bóng nhẫy vì vừa được bôi thuốc. Hai tay em không ngừng gãi khắp người vì ngứa. 

Chị Nguyễn Thị Kim Châu, mẹ Hậu cho biết, ban ngày toàn thân em đỏ au, chỉ có buổi tối trời dịu mát nên nhìn đỡ sợ. Nếu ngưng thuốc thì da tự động nứt ra và chảy máu.

Mỗi sáng, toàn thân Hậu bị bong da, rỉ nước, phải tắm ngay bằng thuốc Cetaphil rồi xoa thuốc chống nứt da. Đến trưa, mùi mồ hôi đổ ra rất tanh nên tắm lại và chiều muộn tắm lần cuối. Mỗi tối em phải uống thuốc ngủ, nếu không, những cơn ngứa hành hạ khiến em không chợp mắt nổi. 12 năm như thế, mỗi ngày 3 lượt tắm rồi bôi thuốc, cũng là 12 năm Hậu dùng thuốc ngủ triền miên.

Tuổi thơ của Hậu là chuỗi ngày chỉ quanh quẩn trong nhà hoặc ở bệnh viện Da liễu. Nhiều lần em thèm thuồng ngó theo những đứa trẻ hàng xóm vui đùa. Hậu đã thử lân la làm quen nhưng lần nào cũng bị chúng bạn chọc ghẹo là “thằng đỏ”, “thằng lột da” khiến cậu bé tủi thân đi về nhà.

Tuổi thơ của Hậu không có mái trường. Mỗi năm cứ tới ngày khai giảng, lòng người mẹ lại quặn thắt khi thấy con trai đứng trong cửa nhìn đám bạn cùng trang lứa hớn hở với đồng phục, cặp sách mới.

“Hồi đầu cũng có cho đi học. Bệnh này không lây nhưng nhiều phụ huynh khác vẫn lo lắng cho con em họ, cộng thêm bị bạn bè trêu chọc nên cuối cùng nó không dám đến lớp”, chị Châu nhìn con trìu mến.

Thương con ham học và muốn con biết được cái chữ nên vợ chồng chị thuê mấy em sinh viên dạy cho Hậu tại nhà. Nhưng lúc có tiền thì mới được học, chưa kể việc bị gián đoạn khi Hậu nằm viện. Hiện tại, Hậu cũng “ráng” học tới sách lớp 3 rồi. Nhắc tới việc học, mắt Hậu lại sáng lên: “Em thích môn toán nhất”.

Chị Châu nhớ lại, khi sinh ra thấy da bé đỏ, cứ tưởng em bé bị dơ. Nhưng càng ngày da càng nứt, bé khóc ngằn ngặt, sống dở chết dở. Hai vợ chồng cứ ôm con chạy khắp nơi từ Đông tới Tây y.

Đến khi tới bệnh viện Da liễu mới biết Hậu bị vảy nến đỏ da toàn thân, một thể nặng của bệnh vảy nến. Bác sĩ nói bệnh này phụ thuộc vào thuốc, nếu điều trị thường xuyên thì sống lâu. Nhưng cứ nằm viện được 1 - 2 tháng, cha mẹ Hậu hết tiền lại đưa con về.

Mỗi lần đi khám cũng hết gần 1 triệu đồng tiền thuốc, đó là chưa kể hễ ai chỉ ở đâu có thầy giỏi, thuốc hay, vợ chồng lại tất tả đưa con đến đó. Nhà đến 5 miệng ăn nhưng chỉ trông chờ vào nghề chạy xe ôm của người cha và xấp vé số của người mẹ.

Cả ngày chăm sóc Hậu, đến đêm chị Châu mới rảnh tay đi bán vé số ở chợ đầu mối nông sản Thủ Đức. Chợ họp ban đêm nên chị đi bán từ 21g đến tận sáng, tan chợ mới về. Nghỉ ngơi trong chốc lát, chị lại trở dậy tắm rửa cho Hậu.

Gia đình thuộc diện hộ nghèo của phường nhưng số tiền trợ cấp hàng tháng 150.000đ dành cho Hậu không thấm vào đâu. Mấy nay đến đợt hẹn tái khám nhưng hai vợ chồng chưa kiếm đủ tiền, giờ chỉ biết nhìn con mà thắt ruột.                       

 
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:
 
1. Nguyễn Thị Kim Châu (mẹ em Nguyễn Công Hậu): 142/1 Ngô Chí Quốc, Khu phố 2, phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, TPHCM.
ĐT: 08.54031915          

2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học và Dân trí - Báo điện tử Dân trí (Hà Nội)
Số 2/48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội (Cạnh cây xăng Kim Mã)
Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490 
Email: quynhanai@dantri.com.vn
* Tài khoản VNĐ:
Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 10 201 0000 220 639
Tại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Hoàn Kiếm

* Tài khoản USD:
Tên TK : Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK : 10 202 0000 004346
SWIFT Code: ICBVVNVX106
Tại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương thành phố Hà Nội
 
3. Văn phòng đại diện của báo:
VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122
VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725

VP HCM: 40/17/16 Nguyễn Văn Đậu, phường 6 quận Bình Thạnh. Tel: 08. 35107. 331

VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 071.03.733.269
 

Lê Phương - Hồng Nhung

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm