Hà Tĩnh:

Bao nỗi tang thương đè nặng lên vai 2 cậu bé

(Dân trí) - Mẹ và 2 em gái lâm bệnh chết, bố kiệt sức nằm liệt giường. Bây giờ 2 anh em Sơn và Sỹ trở thành trụ cột chính trong gia đình. Mọi nỗi lo cuộc sống đè nặng lên đôi vai hai cháu nhỏ khi anh mới lên 12, em chưa đầy 10 tuổi.

Dưới cái nắng gay gắt cuối hè, bằng phương tiện xe máy, phải hơn một giờ vòng vèo trên con đường lởm chởm đá, chúng tôi mới đến được xóm Bắc Hà, xã Kỳ Hà, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Khi hỏi về gia cảnh mà 2 em Sơn và Sỹ đang gánh chịu nỗi bất hạnh thì bà con trong làng ai cũng ái ngại cảm thương và sẵn lòng chỉ dẫn. Ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ mà 2 cháu đang ở với vai trò “chủ nhân bất đắc dĩ” nằm lọt thỏm giữa làng.

Bao nỗi tang thương đè nặng lên vai 2 cậu bé - 1

Hằng ngày 2 anh em Sơn và Sỹ thay nhau xoa bóp và cho bố ăn

Bước vào ngõ đã cảm nhận được cảnh hoang vắng, cô quạnh hiện lên. Trong nhà không có một tài sản gì đáng giá ngoài chiếc bàn cũ kỹ, không có ghế ngồi. Chính giữa nhà là một bàn thờ được lắp ghép từ những mẩu ván sơ sài. Trên đó là 3 di ảnh của người quá cố: 1 mẹ và 2 đứa con thơ !

Nhìn váo phía trong góc nhà, thấy người đàn ông nằm dài trên giường rên rỉ, đôi ống chân khẳng khiu, mu bàn chân phù nề. Bên cạnh là 2 cháu nhỏ đang xoa bóp và đút cơm cho bố ăn. Đó chính là anh Trần Xuân Thiện cùng hai con trai của anh là Sơn và Sỹ.

Nghe tiếng người lạ, anh cố lật người lại, quay đầu ra, mấp máy môi, gắng gượng cười với khách nhưng ú ớ chẳng nói được câu gì.
 
Bao nỗi tang thương đè nặng lên vai 2 cậu bé - 2

Ông nội già nua bên đứa con nằm liệt giường

Thấy vậy, một ông lom khom từ dưới bếp lên, tay run run rót nước mời khách. Hỏi ra, mới biết đó là cụ Trần Xuân Ái - bố anh Thiện năm nay đã 90 tuổi. Trong câu chuyện với khách, cụ chậm rãi kể về nỗi bất hạnh thảm thương của gia đình mình.

Năm 1996, con tôi là Trần Xuân Thiện lập gia đình với Trần Thị Liện trong niềm vui của hai họ. Sau hai năm thì vợ chồng sinh cháu đầu lòng Trần Xuân Sơn. Tiếp đến năm 2000 sinh cháu Trần Xuân Sỹ trong sự vui mừng của gia đình. Hai vợ chồng không quản vất vả, lao động quần quật ngày đêm. Hễ có ai thuê mướn gì là đi ngay để kiếm đủ tiền nuôi con. Nhưng cái nghèo đói ở vùng quê lam lũ này nó cứ đeo đẳng theo như một định mệnh. Thế là anh Thiện quyết định rời quê đi vào tận tỉnh Kiên Giang làm nghề thợ lặn. Sau 10 năm tích cóp được ít vốn, thấy sức khoẻ của mình ngày một yếu đi, anh trở về quê sống cùng gia đình và đầu tư vào nghề làm muối. Năm 2003, vợ anh sinh cháu thứ 3 là Trần thị Yến. Ba năm sau đó lại sinh cháu Trần Thị Xuyến. Những tưởng hạnh phúc được nhen nhóm từ đây.

Nhưng rồi hoạ vô đơn chí, anh Thiện đổ bệnh nặng vì hậu quả của 10 năm làm nghề lặn biển. Thế là bao nhiêu tiền bạc, tài sản trong nhà đội nón ra đi để chạy chữa thuốc men. Sau hơn 1 tháng, bệnh của anh càng nặng thêm và nằm liệt giường từ đó.

Cùng năm đó, cháu Trần Thị Yến bị bệnh, mất khi chưa đầy 4 tuổi. Tiếp đến năm 2008 chị Liện - mẹ cháu cũng đổ bệnh rồi qua đời tiếp. Nhưng nỗi tang tóc của gia đình chưa dừng lại đó, đến năm 2009 cháu Trần Thị Xuyến cũng đột ngột đỗ bệnh chết khi cháu mới lên 3.

Thế là bao nhiêu nỗi đau dồn dập đến với một gia đình nghèo khổ. Bao nỗi bất hạnh bất ngờ đổ lên đầu 2 cháu nhỏ là Trần Xuân Sơn và Trần Xuân Sỹ. Từ đây các cháu phải chịu cảnh mô côi mẹ, mất 2 em gái, cha thì năm liệt giường, ông nội thì già yếu.

Từ đó, hai em trở thành trụ cột chính trong gia đình. Hằng ngày ngoài việc giặt giũ quần áo, vệ sinh cho bố thì các em phải thay nhau đi mò cua bắt ốc đem ra chợ bán, kiếm tiền mua gạo về nuôi bố, nuôi ông nội. Những lúc trời mưa gió không kiếm được gì thì hai anh em chịu đói nhường cơm lại cho bố, còn mình ăn củ khoai, bát rau qua quýt cho xong bữa.

Bà con ở đây cho biết: xóm làng ai cũng xót cho gia cảnh, thương 2 cháu lắm nhưng vì vùng quê nghèo không giúp được gì nhiều, chỉ biết thăm hỏi, động viên chúng nó để bớt phần buồn tủi.

Điều đáng quý là dù khổ cực thế nhưng cả 2 em đều rất chịu khó và chăm chỉ học tập. Cô giáo Dương Thị Hương, chủ nhiệm lớp em Sơn cho biết: anh em Sơn rất ngoan, chịu khó học bài là tấm gương cho các bạn trong lớp, các em luôn đi học đúng giờ. Được chúng tôi hỏi về thành tịch học tập, Sơn ngoan ngoãn trả lời: “Cháu không thể nào quên được lời mẹ căn dặn lúc ốm nặng là dù thế nào con cũng phải gắng mà học cho hết phổ thông”.

Tiễn chúng tôi ra về, hai anh em Sơn vẫn chưa chịu vào nhà cứ bẩn thẩn, bần thần nhìn theo khách trong sự cô đơn trống trải như muốn gửi gắm, mong đợi một điều gì tốt lành. 
 

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

 

1. Anh Trần Xuân Thiện: xóm Bắc Hà, xã Kỳ Hà, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh

 

2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học và Dân trí - Báo điện tử Dân trí (Hà Nội)

Số 2/48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội (Cạnh cây xăng Kim Mã)

Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490

Email: quynhanai@dantri.com.vn

 

* Tài khoản VNĐ:

Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí

Số TK: 10 201 0000 220 639

Tại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Hoàn Kiếm

 

* Tài khoản USD:

Tên TK : Báo Khuyến học & Dân trí

Số TK : 10 202 0000 004346

SWIFT Code: ICBVVNVX106

Tại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương thành phố Hà Nội

 

3. Văn phòng đại diện của báo:

 

VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122

VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725

VP HCM: 40/17/16 Nguyễn Văn Đậu, phường 6 quận Bình Thạnh. Tel: 08. 35107. 331
VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 071.3.733.269

Minh Đức - Duy Thảo