Nghệ An:

Bà cụ mù 30 năm nuôi chồng liệt, con tâm thần

(Dân trí) - “Đời tui khổ lắm chú ơi! Có chồng mà như chết rồi, có con mà như không!” - bà cụ Nguyễn Thị Quang, 77 tuổi, con gái liệt sĩ tiền khởi nghĩa Nguyễn Đình Lượng, than vãn trong cùng cực nỗi thống khổ.

Bà cụ mù lòa ấy tiếp tôi trong căn nhà tềnh toàng rách nát ở xã Thanh Khai, huyện Thanh Chương (Nghệ An), trong một chiều đông lạnh ngắt. Có lẽ đã rất lâu rồi nhà bà mới có khách đến hỏi thăm, nên bao nhiêu nước mắt ứ nghẹn bấy lâu, giờ trào ra ướt đầm đôi má răn reo.

 

Bà Quang sinh năm 1930, vào cái thời cả Nghệ Tĩnh sục sôi khởi nghĩa. Bà tên thật là Nguyễn Thị Hai. Khi còn chưa biết gọi tiếng “cha” thì cha của Hai đã bị giặc bắt và tra tấn đến chết. Mấy chị em trong gia đình lớn lên trong sự cưu mang của hàng xóm láng giềng. Chị Hai xinh đẹp nhất làng, kết duyên cùng anh dân quân Nguyễn Hồng Quang ở cùng xã. Từ đó, chị Hai được gọi là Quang.

 

Tai họa ập đến gia đình bà vào năm 1977, khi cô con gái đầu Nguyễn Thị Hồng (sinh năm 1955) tự dưng phát bệnh tâm thần. “Lúc đó con gái tui đang đi làm công nhân ở nhà máy chè Hương Sơn - Hà Tĩnh, nghe đâu có yêu một người nào đó nhưng không được người ta đáp lại nên phát bệnh tâm thần, phải bỏ việc về nhà”, bà nhớ lại.

 

Cũng kể từ đó, cuộc sống cả gia đình bà đảo lộn. Mỗi khi lên cơn, cô con gái lại gây lộn, chửi bới khắp làng trên xóm dưới. Chồng bà phải suốt ngày trông chừng con, mọi việc trong nhà đều do bà quán xuyến. 

 

Bao nhiêu vốn liếng, tiền bạc, công sức dồn cả vào chữa trị cho con gái, gia đình bà lúc nào cũng nghèo nhất xóm. Rốt cuộc, con gái không khỏi bệnh mà kinh tế gia đình ngày càng kiệt quệ.

 

Bà cụ mù 30 năm nuôi chồng liệt, con tâm thần - 1

Bà Quang đứng bên ngôi nhà xập xệ, trống hoác. (Ảnh: N.D)

 

Số phận éo le chưa buông tha gia đình bà. Năm 1987, trong một lần đi lấy thuốc cho con gái ở huyện Đô Lương, chồng bà bị tai nạn, sau 3 ngày bất tỉnh, ông bị liệt toàn thân và mất hết trí nhớ. Mọi gánh nặng từ chồng bị liệt và cô con gái bị điên lại dồn cả lên đôi vai gầy của người phụ nữ bất hạnh. 

 

Không biết bao nhiêu nước mắt đã chảy. Chỉ biết rằng vì khóc than quá nhiều mà đôi mắt bà cụ đã bị mù. Không thể cáng đáng, bà đành gửi con gái vào Bệnh viện Tâm thần Nghệ An, nhờ các bác sĩ chăm sóc, thi thoảng bà đến thăm nuôi con.

 

Còn người chồng nằm một chỗ, bà phải chăm như chăm trẻ nhỏ, mọi sinh hoạt cá nhân đều diễn ra trên chiếc giường ọp ẹp, một tay bà mò mẫn thay rửa, bón cơm, giặt giũ...

 

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:

 

1. Quỹ Nhân ái - Báo điện tử Dân trí

Số 2/48 Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội; Điện thoại: 04. 7366491.

 

2. Cụ Nguyễn Thị Quang, xóm Đông Sơn, xã Thanh Khai, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.

Đã 30 năm trôi qua kể từ ngày con gái phát bệnh. Bà cụ sống mà như không sống, chép miệng thở dài: “May mà có cuốn sổ hộ nghèo chứ không thì cũng không biết lấy tiền mô mà cho con đi viện”.

 

Gần một sào ruộng vốn là tài sản lớn nhất của gia đình, nay phải cho người khác thuê, mỗi năm lấy ít lúa. Trâu bò không có. Cả gia đình sống nhờ vào sự cưu mang của anh em họ hàng và những người láng giềng tốt bụng… “Nhiều lúc cũng muốn chết đi cho xong chuyện, nhưng nghĩ đến chồng, đến con lại thôi”, nghe bà cụ tuổi gần đất xa trời nói chuyện sống chết mà rơi nước mắt.

 

Chỉ mông lung vào căn nhà rách nát, cụ lo lắng: “Căn nhà này thì không biết nó sập lúc nào chú ạ. Không biết khi nó sập thì chồng con tui phải sống ở đâu nữa. Đời tui sao khổ thế…!”.

 

Tôi rời khỏi căn nhà bất hạnh, thấy lòng nghẹn đắng. Muốn làm một điều gì giúp bà cụ, nhưng một mình tôi có thể làm gì để bù đắp nỗi thống khổ tận cùng trong ngôi nhà ấy! Hy vọng rằng khi bài báo này sẽ một lần nữa đánh thức những tấm lòng hảo tâm.

 

Nguyễn Duy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm